Hành trình giàu có: Mới chỉ bắt đầu
Ngân hàng Thế giới (WB) cùng một số tổ chức vừa đưa ra báo cáo khuyến nghị về chiến lược phát triển mới tại hội thảo “Mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021-30, và tầm nhìn đến 2045” với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Một kiến nghị quan trọng được đưa ra là: Việt Nam cần thực hiện “Đổi mới 4.0” để duy trì tăng trưởng chất lượng cao. Việt Nam cần chuyển hướng chiến lược sang nền kinh tế dựa vào năng suất và đổi mới sáng tạo, đồng thời tận dụng tối đa lợi thế dân số vàng hiện có để duy trì tăng trưởng chất chất lượng cao trong thập kỷ tới.
Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, việc xác định chiến lược rất quan trọng bởi nó sẽ giúp định hình con đường phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
Ông Dione cho rằng, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để phát triển thành công. Kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Mức tăng trưởng kinh tế đạt gần 7%/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần gấp 5 lần. Việt Nam ngày nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình thấp và là cường quốc xuất khẩu. Tăng trưởng cũng có tính bao trùm, với tỷ lệ nghèo giảm xuống dưới 7%, so với mức hơn 60% vào cuối những năm 1980.
Nhưng hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Tác động của những cải cách thể chế và cấu trúc giai đoạn đầu dường như đã tới hạn.
Cuộc cách mạng 4.0 đang được đề cập tới nhiều trên thế giới và Việt Nam. |
Việc điều chỉnh và thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Để đạt được khát vọng này, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua. Và mục tiêu này phải đạt được trong một bối cảnh đầy thách thức.
Trong nước, Việt Nam phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Trên thế giới, Việt Nam sẽ phải lựa chọn hướng đi trong một bối cảnh đang thay đổi, những chuyển đổi về mô hình thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ ít thuận lợi hơn cho sự tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội đang được định hình, vừa tạo ra những rủi ro mới.
Doanh nghiệp tư nhân: Động lực chính
Theo báo cáo, việc xác định được điều chỉnh như thế nào và thay đổi mô hình tăng trưởng như thế nào là rất cần thiết. Việc xác định được hướng tiếp tục đầu tư vào những nhân tố quan trọng như cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực như thế nào, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân như thế nào trong kỷ nguyên mới là yếu tố then chốt.
Tuy nhiên, theo WB, dù Việt Nam chọn mô hình tăng trưởng nào đi nữa thì 2 nhân tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của Việt Nam vẫn là: chất lượng tăng trưởng và vấn đề thực hiện.
Các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ. |
Theo đó, để tăng năng suất, cần cải thiện mạnh mẽ tất cả các khía cạnh chất lượng của tăng trưởng, bao gồm phân bổ nguồn lực hiệu quả, nâng cao chất lượng vốn nhân lực, tăng đầu tư có hiệu quả vào cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ, cũng như đổi mới và sáng tạo, để tất cả đều mang lại kết quả tăng năng suất.
Theo đánh giá của WB, Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ chuyển giao và áp dụng công nghệ, và doanh nghiệp cần phải được đặt tại vị trí trung tâm của nghị trình đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở cấp doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp được điều khiển bởi cung phổ biến như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế.
Việt Nam nên tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ để giải quyết những điểm yếu cơ bản liên quan đến cách thức chính phủ cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân sẽ là chìa khóa để thực hiện thành công các chiến lược mà Việt Nam đang thảo luận.
“Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ đột phá mang đến cả thách thức và cơ hội, tôi muốn gọi đó là “Đổi Mới 4.0”,” ông Ousmane Dione, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhấn mạnh.
Khu vực tư nhân được xem là động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. |
“Để giảm nhẹ các rủi ro này và tận dụng triệt để cơ hội mới, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách tập trung nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo, coi đây là những động lực tăng trưởng chủ yếu trong thập kỷ tới. Việt Nam sẽ phải thực hiện các bước loại bỏ các nút thắt đang cản trở đầu tư tư nhân, tăng cường năng lực cho các thể chế công, cũng như đầu tư vào những kỹ năng mà lực lượng lao động cần có trong thế kỷ 21.”
Gần đây, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt đã bắt đầu đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất. Trong khoảng hơn 1 năm qua, Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng không tiếc tiền đầu tư vào khoa học công nghệ, vào các cứ điểm và mũi nhọn mới, cũng như dành trăm tỷ đồng cho trí tuệ Việt.
Ngay sau khi công bố chiến lược mới với công nghệ là cốt lõi, thay vì gần như toàn bộ lợi nhuận đến từ bất động sản như hiện tại, Vingroup đã thành lập công ty VinTech để tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới.
Vingroup cũng đã thành lập hai viện nghiên cứu là: Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT). Trong năm 2018, ông Vượng cũng đã lộ cứ điểm mới, đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thay vì ở chung cùng với Vinfast như hiện tại.
Đây là những tín hiệu tốt cho một hướng phát triển mới của Việt Nam
H. Tú