- Đề án “Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo” của Bộ KH&CN đang đi đúng hướng và tạo điều kiện phát triển hiệu quả cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước, giúp hình thành những doanh nghiệp trẻ có sức phát triển đột phá trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân: "Với tư chất sáng tạo của người Việt nam, sự năng động của những bạn trẻ, chúng ta có quyền hy vọng hệ sinh thái khởi nghiệp có thể phát triển được”. |
Khởi nghiệp ở Việt Nam: Thiếu đủ thứ!
Xuất hiện trong khoảng hơn chục năm gần đây tại các quốc gia phát triển trên thế giới, khái niệm doanh nghiệp khởi nghiệp – startup - là mô hình doanh nghiệp trẻ năng động, có ý tưởng sáng tạo đột phá, biết tận dụng công nghệ và sáng chế khoa học để tạo ra các sản phẩm mới có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Tiêu biểu cho mô hình startup có thể kể đến các thương hiệu như Facebook, Uber, YouTube, Dropbox, Foursquare, Whatsapp, Linkedin…
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trẻ theo mô hình startup cũng đã hình thành từ vài năm gần đây, nhưng chưa có nhiều thành công bởi rất thiếu các điều kiện phát triển ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh…
Các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp đa phần mới tốt nghiệp ĐH hoặc vẫn đang là sinh viên nên luôn gặp nhiều khó khăn để biến ý tưởng của mình trở thành sản phẩm thực sự. Dù chấp nhận làm không cần lương, họ vẫn thiếu chỗ ngồi, thiếu trang thiết bị, môi trường làm việc, nghiên cứu, quy trình thành lập công ty… Đây đều là những rào cản không dễ vượt qua đối với một startup.
Khoảng gần 10 năm trước đây, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng từng rất quan tâm tới các doanh nghiệp công nghệ trẻ của Việt Nam. Nhưng do sức ép phải bảo toàn vốn cho nhà đầu tư, nên các quỹ đầu tư quốc tế cũng không dám mạo hiểm rót vốn vào mà chỉ đầu tư nhỏ giọt để các startup tiềm năng tạo dựng được thương hiệu, từ đó bán lại cổ phần với giá cao hơn cho các quỹ đầu tư khác theo kiểu “gặt lúa non”.
Hạn chế này khiến nhiều startup Việt Nam khi chưa kịp tạo được đà phát triển tốt đã lại rơi vào cảnh thiếu vốn, phải tập trung làm thương hiệu theo yêu cầu của nhà đầu tư hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt thực sự.
Tạo ‘vườn ươm’ cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Một môi trường hỗ trợ hiệu quả và ổn định cho các startup non trẻ trong nước sẽ giúp Việt Nam có thêm nhiều doanh nghiệp năng động, có tốc độ phát triển nhanh, tạo ra doanh thu lớn cho nền kinh tế của đất nước và tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập thế giới.
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản Israel… cho thấy để khởi nghiệp thành công, cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” startup có điều kiện nảy mầm được tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp (entrepreneurial ecosystem), và cần được xây dựng bởi chính quyền sở tại để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng về các điều kiện giúp các startup khởi nghiệp.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc tạo điều kiện về vốn đầu tư mạo hiểm bằng nguồn ngân sách Nhà nước là điều khó khả thi, vì nếu đầu tư mạo hiểm không thành công thì cũng rất gần với tội gây thất thoát ngân sách.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp “Made in Việt Nam”
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân, mỗi năm, Việt Nam có hàng nghìn kết quả nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, tổ chức trong doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu trong nước và từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Ngoài ra, còn phải kể đến nguồn kết quả nghiên cứu, giải pháp hữu ích đến từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân. Tuy nhiên, hiện việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu còn hạn chế.
Chính vì vậy, từ năm 2012, Bộ KH&CN đã có những nghiên cứu để xây dựng Đề án trên cơ sở khảo sát tình hình thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon đã hoạt động thành công ở Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc,… Bộ KH&CN đã giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, triển khai đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình mẫu Thung lũng Silicon tại Việt Nam.”
Ngày 4/6/2013, Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Đề án tổng thể thương mại hoá công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam giai đoạn 2013-2018 (Quyết định số 1383/QĐ-BKHCN). Mục tiêu của Đề án là thúc đẩy thương mại hóa công nghệ ưu tiên thuộc các lĩnh vực năng lượng, y sinh, cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông theo mô hình Thung lũng Silicon và xây dựng mối quan hệ giữa Quỹ đầu tư mạo hiểm và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Từ tháng 10/2013, Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam đã được Bộ KH&CN khởi động, lấy tên là Vietnam Silicon Valley – VSV.
Mục tiêu của đề án là tạo ra một hệ sinh thái gồm các chương trình đẩy mạnh năng lực kinh doanh (Business Accelerator - BA) giúp các doanh nghiệp startup nâng cấp sản phẩm của mình, tư vấn chiến lược kinh doanh, cách thu hút vốn đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân, đặc biệt từ nước ngoài kết hợp với nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Đặt niềm tin vào nhà khởi nghiệp trẻ
Sau hơn một năm triển khai, tại Hội thảo về Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sáng 13/8 tại trụ sở Bộ KH&CN, Bộ trưởng Nguyễn Quân một lần nữa khẳng định vai trò của các nhà khởi nghiệp trẻ.
”Với tư chất sáng tạo của người Việt nam, sự năng động của những bạn trẻ là nghiên cứu sinh, sinh viên… chúng ta có quyền hy vọng hệ sinh thái khởi nghiệp có thể phát triển được”. “Với kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia phát triển, chúng ta có thể rút ngắn thời gian hoàn thiện đề án Hệ sinh thái Thung lũng Silicon Việt Nam”. Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ tại hội thảo, cách đây 3 năm, Bộ KH&CN xây dựng đề án cấp bộ khởi nghiệp theo mô hình thung lũng Silicon. Trong 3 năm qua, đã có vô vàn khó khăn khi triển khai Đề án, nhất là về mô hình pháp lý để xây dựng đề án này.
”Trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định, gia nhập cộng đồng chung ASEAN, chúng ta sẽ phải tôn trọng các tiêu chuẩn, quy chuẩn ngặt nghèo của các quốc gia phát triển thì việc tạo ra các doanh nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh là điều đặc biệt quan trọng. Và, để làm được điều này, các nhà khởi nghiệp trẻ được xem là sẽ những người “lĩnh ấn” tiên phong”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Những thành quả bước đầu
Theo Tiến sĩ Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án VSV, sau hơn 1 năm triển khai, Đề án đã hỗ trợ kết nối các đối tác, cá nhân thành lập được Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (Vietnam Startup Foundation - VSF), thành lập ngày 16/12/2014 theo Quyết định số 1286/QĐ-BNV của Bộ Nội Vụ, với số vốn điều lệ là 5.200.000.000 VNĐ.
Tiến sĩ Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Đề án VSV chia sẻ một số thành quả bước đầu của Đề án sau 1 năm triển khai. |
Ngoài ra, Đề án cũng đã xây dựng và triển khai thành công mô hình Tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerators – BA). Đây là mô hình BA đầu tiên ở Việt Nam và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, với hơn 90 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình, tương đương với hơn 150 sáng lập viên với các sản phẩm công nghệ đa dạng phục vụ các nhu cầu cần thiết của xã hội.
Qua quá trình phỏng vấn, xét duyệt, có 9 nhóm xuất sắc nhất được lựa chọn hỗ trợ khởi nghiệp trong một quá trình tập huấn tập trung (bootcamp) trong vòng 04 tháng năm 2014. Đó là các nhóm Lozi, Mr Giá, Tech Elite, Astro Telligent, Top Mail, Chomp, My Money, Buoi Studio, V Dec.
Sau khi tốt nghiệp từ VSV Accelerator (VSVA), các startup đã có những thành công bước đầu như sau:
- TechElite thành công trong việc gọi vốn 230.000 USD vào công ty với định giá 1,8 triệu USD vào thời điểm tháng 11/ 2014. Từ tháng 6/2014 khi TechElite nhận vốn mồi từ VSVA với mức định giá công ty tại thời điểm đó là 200.000 Đôla Mỹ thì chỉ sau 5 tháng tham gia bootcamp, giá trị công ty được nhà đầu tư định giá gấp 9 lần.
- Astro Telligent thành công trong việc đưa giải pháp quản lý tuyển dụng chuyên nghiệp của mình vào phục vụ ngân hàng VIB với hợp đồng trị giá 20.000 USD. Đây là thành công lớn của công ty vì để có được hợp đồng này Astro đã phải cạnh tranh với các đối thủ quốc tế như Oracle và đối thủ lớn ở Việt Nam là VC Corp. Astro Telligent cũng đã gọi thành công 50.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm tiếp theo từ các nhà đầu tư cá nhân.
- LoanVi sau thời gian bootcamp đã tiếp tục được đầu tư 50.000 USD bởi Spark Lab Global.
- Lozi hoạt động trong lĩnh vực mạng xã hội chia sẻ về trải nghiệm ăn uống đã tăng gấp 4 số lượng truy cập mỗi tháng, từ 500.000 lượt/tháng tăng thành 2.000.000, số lượng người dùng tăng từ 50.000 lên 200.000 người. Với mức tăng đáng kể trên, Lozi đã đạt mức doanh thu 7.000 USD/ tháng. Hiện nay, công ty đang trong quá trình làm việc với các quỹ đầu tư Singapore.
Ngoài 4 công ty nêu trên, các công ty khác cũng đạt được những kết quả khả quan. Nếu đứng trên quan điểm của quỹ đầu tư mạo hiểm Mỹ thì đã đạt tỷ lệ thành công đối với 5 trên 9 công ty được đầu tư. Đây là tỷ lệ thành công cao hơn Mỹ rất nhiều (trung bình 5-10%).
Nhà sáng lập Phạm Kim Hùng của TechElite. |
Chia sẻ từ quan điểm của nhà khởi nghiệp tại hội thảo hôm 13/8 vừa qua, ông Phạm Kim Hùng, người sáng lập TechElite, cho biết đã nhận được rất nhiều lợi ích khi tham gia vào VSV, từ việc thiết kế lại mô hình công ty để phát triển hiệu quả hơn, cho tới khả năng thu hút được nguồn vốn đầu tư nhiều hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ những thành quả bước đầu trên, có thể thấy Để án Hệ sinh thái Silicon Valley Việt Nam đang đi đúng hướng và tạo điều kiện phát triển ban đầu cho các công ty startup non trẻ. Đây là môi trường rất hiệu quả để những nhà khởi nghiệp có thể tin tưởng gieo mầm ý tưởng sáng tạo, biến hoài bão của họ trở thành hiện thực.
- Minh Huy