Mới đây, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 tại TP. Đà Nẵng, đã diễn ra Diễn đàn Khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin giả, tin sai trực tuyến.

Diễn đàn bao gồm 2 phần nội dung chính, trong đó phần 1: Nỗ lực của các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả, tin sai; khuyến nghị các biện pháp cho tương lai; kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và cơ quan báo chí truyền thông; các chính sách thúc đẩy hiểu biết số và chính sách truyền thông từ một số quốc gia ASEAN cũng như chính sách của các nền tảng trong xử lý tin giả, tin sai và hướng dẫn an toàn khi tham gia trực tuyến.

Phần 2 là thảo luận về các khuyến nghị, biện pháp hợp tác ứng phó và xử lý tin giả, tin sai trên không gian mạng: Thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN, giữa Chính phủ, địa phương các nước thành viên ASEAN và các nền tảng mạng xã hội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, đối với vấn đề tin sai sự thật và tin giả, ASEAN đã đưa ra nhiều tuyên bố và hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về tác hại như các chương trình, hội thảo chia sẻ chính sách quản lý, xử lý tin giả; các chiến dịch nâng cao hiểu biết số cho người dân để tăng cường hiểu biết và học hỏi lẫn nhau giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử. 

Đặc biệt, tại Hội nghị Bộ trưởng AMRI lần thứ 14, các bộ trưởng đã thông qua khung và Tuyên bố chung về giảm thiểu tác hại của tin giả, mang lại một khuôn khổ tham chiếu chung cho các nước thành viên ASEAN để tăng cường hợp tác, chia sẻ các thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn nạn tràn làn của tin tức giả mạo và tác động tiêu cực, vì lợi ích của người dân ASEAN. Năm 2022, Hội nghị các quan chức cấp cao phụ trách về thông tin ASEAN (SOMRI) lần thứ 19 chính thức thông qua sáng kiến của Việt Nam về việc thành lập Nhóm đặc trách ASEAN về tin giả.

Tuy nhiên, các hoạt động trong giai đoạn này mới dừng lại ở việc chia sẻ chính sách và kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa mở rộng cho các cơ quan báo đài (tham gia với vai trò tăng cường thông tin chính thống, phát hiện, công bố và cải chính tin giả,...) hay các cơ quan nghiên cứu/đơn vị truyền thông (tham gia với vai trò như các tổ chức nghiên cứu và kiểm chứng độc lập) hay các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới.

W-anh-man-hinh-2024-04-05-luc-164717-1.png
Tin giả, thông tin sai sự thật, tin xấu độc trên môi trường mạng đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy về tinh thần về kinh tế, khiến cho người dân hoang mang, lo lắng.

Do đó, việc tổ chức Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm tạo không gian trao đổi mở giữa các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, nền tảng xuyên biên giới và các bên liên quan nhằm khẳng định quyết tâm của các nước ASEAN trước việc giảm thiểu tác hại của tin giả, hướng đến nỗ lực chung của ASEAN về tạo dựng một không gian thông tin lành mạnh và đáng tin cậy cho người dân.

Ông Izzad Zanman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN), cho hay có nhiều định nghĩa về thông tin giả khác nhau giữa các quốc gia. Nhưng có thể hiểu chung tin giả là những thông tin sai lệch được người dân dùng mạng xã hội để lan truyền. 

"Tin giả vẫn là vấn đề lớn với các quốc gia và cần sự hợp tác nhiều hơn nữa, không chỉ là giữa các chính phủ với nhau mà còn cần mở rộng với sự tham gia của cả cộng đồng. Vấn đề quan trọng là các thành viên ASEAN cần làm rõ khung hướng dẫn quản lý thông tin, ứng phó xử lý thông tin sai, từ đó có những bước tiến, trao quyền cho những đối tác truyền thông liên quan để vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng cũng đảm bảo tính chính xác, minh bạch, chính thống", ông Izzad Zanman chia sẻ.

Theo chia sẻ từ đại diện Malaysia, có những tin giả làm ảnh hưởng đến tính đoàn kết quốc gia.

Với Malaysia, thông qua quan hệ đối tác công tư, Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp cộng đồng để ngăn chặn tin giả càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó là các sáng kiến về Cổng thông tin điện tử như trung tâm một cửa toàn quốc để người dân kiểm tra thông tin với nhiều lĩnh vực khác nhau, nâng cao trách nhiệm chia sẻ thông tin, khuyến khích người dùng tự điều chỉnh hành vi.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh các giải pháp để các bên liên quan trong ASEAN ưu tiên, phối hợp đối với vấn đề chống tin tức giả và thông tin sai lệch trong khu vực.

Thứ nhất là giáo dục cộng đồng, cần nâng cao nhận thức của công chúng về tác hại của tin tức giả và thông tin sai lệch, cùng với việc giáo dục người dân cách nhận biết, xác minh, báo cáo và chống lại thông tin sai lệch.

 Thứ hai, khuyến khích giao tiếp hiệu quả thông qua các kênh chính thức, như cơ chế người phát ngôn, nâng cao năng lực của nhà báo, đa dạng hóa các phương tiện truyền thông...

Thứ ba, tiến bộ công nghệ – ứng dụng công nghệ trong việc quét, phát hiện và xử lý thông tin để nhận dạng, dự báo xu hướng và hỗ trợ ra quyết định. 

Thứ tư, cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN, mạng xã hội để chống lại thông tin sai lệch.

Cuối cùng là cần tiếp tục cập nhật chính sách giữa các nước thành viên và các bên liên quan khác để giải quyết thách thức chung về vấn đề tin giả một cách hiệu quả.

"Thông qua những nỗ lực chung, chúng tôi mong muốn ASEAN trở nên kiên cường và phản ứng nhanh hơn trong một thế giới luôn thay đổi, hướng tới một cộng đồng, hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm và dựa trên các quy tắc của ASEAN. Chúng tôi khuyến khích sự tham gia có ý nghĩa của người dân, xã hội và các bên liên quan khác vào quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Hoài Thanh và nhóm PV, BTV