Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có chia sẻ với PV.VietNamNet về các động lực tăng trưởng cũng như các giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp (DN) trong năm 2024.

"Ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật"

- Năm 2023 đã khép lại với nhiều thăng trầm. Bộ trưởng đánh giá thế nào về kết quả kinh tế Việt Nam đạt được năm 2023? 

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, các yếu tố nền tảng về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… được cải thiện tương đối rõ nét. Hoàn thành 475 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc của cả nước lên khoảng 1.900 km. Hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ; khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc; các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới, công nghiệp chíp, bán dẫn được thúc đẩy.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ước đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (Malaysia dự báo tăng 4%, Philippines tăng 4%, Thái Lan tăng 2,7%, Indonesia tăng 3,5-4,0%, Trung Quốc tăng 5%...). Tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu… được cải thiện tích cực qua từng quý, từng tháng.

bo truong nguyen chi dung.jpg
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: MPI)

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao cấp cao, ngoại giao kinh tế là điểm sáng nổi bật, đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Đặc biệt là đã tiếp đón thành công chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; nâng tầm quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển, Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện. Qua đó, mở ra cơ hội mới, thời cơ và thuận lợi mới trong hợp tác phát triển trên nhiều lĩnh vực kinh tế, các ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao…

Đây là một số yếu tố quan trọng, tạo đà thuận lợi cho để chúng ta tăng tốc, bứt phá trong năm 2024, hướng tới thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu tăng trưởng và phát triển 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm.

- Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội? Trong số đó, những chính sách nào đã phát huy hiệu quả và những chính sách nào việc triển khai trong thực tế còn hạn chế, không như kỳ vọng của những nhà làm chính sách?

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Về cơ bản, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong khuôn khổ Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, một số chính sách đạt kết quả giải ngân cao như miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (đạt 60,7/64 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 94,2%), gia hạn thời gian nộp thuế (đạt 114,5/135 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 85%), tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (38,4/38,4 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra, bằng 100%)...  

Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư phát triển tại Chương trình đã bổ sung nguồn lực lớn cho đầu tư công, qua đó kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.

Tuy nhiên, cũng có một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế như chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh... Các khó khăn, nguyên nhân đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định, báo cáo Quốc hội để có phương án xử lý phù hợp.

- Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 trong khoảng 6-6,5%. Đây được xem là mục tiêu tương đối cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Vậy theo Bộ trưởng, đâu sẽ là động lực và thuận lợi, đâu là khó khăn trong năm tới? 

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2024, dự báo nước ta tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức đan xen với thuận lợi, thời cơ, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Về thuận lợi, thời cơ, quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng qua gần 40 năm Đổi mới; nước ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quản lý, ứng phó với những biến động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu, doanh nghiệp lớn toàn cầu ghi nhận, đánh giá cao, năng lực quản trị xã hội không ngừng được nâng lên. Đây là nền tảng quan trọng để nước ta tiếp tục ứng phó, thích ứng hiệu quả với những khó khăn, thách thách mới, nhất là những vấn đề bất ngờ phát sinh.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức phải đối mặt vẫn còn rất lớn. Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 

Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, xung đột tại Ukraine và dải Gaza nhiều khả năng còn kéo dài làm gia tăng tình trạng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, trong đó có Đông Nam Á, tiếp tục là động lực tăng trưởng toàn cầu, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, “điểm nóng” khó lường, đe dọa đến môi trường hòa bình và ổn định của khu vực. 

Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, “pháp lý hóa” các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh năng lượng… sẽ tiếp tục phức tạp, gay gắt hơn, ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta... 

- Để vượt qua các khó khăn, thách thức được dự báo trong năm 2024, Chính phủ, các bộ, ngành, cộng đồng DN cần những giải pháp, chính sách cụ thể gì? 

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nền kinh tế của chúng ta có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.

Do đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2024 trên tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”.

W-doanh-nghiep-1.jpg
Cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo.(Ảnh: Hoàng Hà)

Những chính sách trợ lực cho doanh nghiệp

- Từ góc độ người “thiết kế” chiến lược chính sách, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để trợ lực cho DN năm 2024? 

- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chúng ta có gần 920.000 DN đang hoạt động, tuy nhiên, gần 98% là các DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các DN chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa, chính trị thế giới. 

Do đó, với sức khoẻ còn yếu, các DN khó có thể hấp thụ được nguồn vốn. Để trợ lực cho DN cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, theo tôi cần tập trung vào 5 nhóm giải pháp có tính chiến lược.

Thứ nhất, nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN. Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay các rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 

Đồng thời, cần khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới. 

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Khẩn trương tháo gỡ khó khăn trong về thủ tục hành chính như vấn đề hoàn thuế VAT mà các DN phản ánh trong thời gian dài; rà soát, cắt giảm một số chi phí còn bất hợp lý so với thực tiễn hoạt động kinh doanh như: chi phí kiểm dịch động vật, định mức chi phí tái chế, chi phí lưu kho bãi,…; nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống 1%.

Thứ ba, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo sát diễn biến tình hình kinh tế và các điều chỉnh chính sách của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản,... kịp thời phổ biến thông tin, đưa ra cảnh báo sớm cho ngành hàng và cộng đồng DN. Thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam; nghiên cứu áp dụng mô hình hợp tác công tư, hình thành văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài.

Thứ tư, hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Triển khai nhanh và hiệu quả chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng; nghiên cứu triển khai kiến nghị của cộng đồng DN về việc dùng 100% kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn để hỗ trợ trực tiếp, đào tạo cho người lao động tại DN, hỗ trợ DN giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen),... Hoàn thiện thể chế khuyến khích DN ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước. 

Về phía các tổ chức, hiệp hội DN cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho DN hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển DN, phục hồi nền kinh tế.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!