Nhiều vướng mắc
Thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về công tác vận tải trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Giao thông - Vận tải (Bộ GTVT) đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản mau hỏng tại các địa phương do dịch bệnh Covid-19.
Tại Hội nghị trực tuyến, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu một thực tế từ vướng mắc trong lưu thông hàng hóa ở TP Cần Thơ. Theo đó, do hiểu khác nhau nội dung văn bản hướng dẫn của địa phương về hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu nên chốt kiểm soát đã không đồng ý cho xe vào và yêu cầu quay đầu.
Trong khi đó, siêu thị đã cung cấp tất cả thông tin về xe, hàng hóa và tài xế/phụ lái trước 1 ngày và có đóng dấu xác nhận của Sở Công Thương trên các danh sách phương tiện đã đăng ký. Ngày 24/8, các xe của MM Mega Market phải đợi từ sáng đến tối nhưng vẫn chưa được vào thành phố.
Ông Trần Duy Đông cho hay, hàng hóa của các hệ thống phân phối là hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm cần được bảo quản nhiệt độ mát hoặc đông lạnh, không thể chuyển tải tại các điểm tập kết quy định của thành phố vì sẽ làm hư hỏng sản phẩm trong điều kiện nhiệt độ bảo quản ngoài trời, gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặt khác, hàng hóa được đai vào các pallet nên khối lượng rất nặng, từ 1 - 1,5 tấn/pallet (không phải hàng rời) nên không thể bốc tách dễ dàng cho việc chuyển tải qua xe khác nếu không có các dụng cụ/thiết bị chuyên dụng, trong khi tại các điểm tập kết không có các thiết bị chuyên dụng này.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, khi xe vận chuyển vật tư sản xuất, sản phẩm đi tiêu thụ, dù đủ điều kiện nhưng người ngồi trên xe và lái xe vẫn không đi được qua các huyện, xã, thôn mà yêu cầu phải trung chuyển bằng xe nên gặp nhiều khó khăn.
Đảm bảo tiêu thụ nông sản |
Đặc biệt, một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Cần Thơ yêu cầu nếu muốn lưu thông, ngoài điều kiện quy định thì phải có xác nhận của Sở Giao thông - Vận tải. Việc này làm hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, bế tắc.
Cùng theo ông Phùng Đức Tiến, tại tỉnh lộ, quốc lộ, việc vận chuyển lưu thông hàng tương đối tốt nhưng huyện lộ, xã lộ lại rất khó khăn. Trường hợp của Công ty Ba Huân, lái xe vào Cần Thơ để vận chuyển bao bì về đóng gói trứng, nhưng chờ 2 ngày nay vẫn chưa vào được nên không thể có bao bì đóng gói sản phẩm.
Không để "trên thông, dưới tắc"
Ông Trần Duy Đông kiến nghị, văn bản chỉ đạo của các địa phương cần thống nhất các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Không tạo ra các quy định mang tính chất “hơi vô lý” với lý do phòng chống dịch, trừ TP HCM là trường hợp ngoại lệ.
Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải rút ngắn thời gian cấp QR (phân luồng xanh) cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời chỉ đạo đơn vị quản lý phần mềm http://luongxanh.drvn.gov.vn và tự động gia hạn cho các phương tiện đã được cấp mã QR. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Giao thông - Vận tải tham mưu UBND tỉnh, thành phố thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ chủ quản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa.
“Về phía các địa phương, TP Cần Thơ cần cân nhắc bỏ trạm trung chuyển hàng hóa. Hiện, một số doanh nghiệp, trong đó có MM Mega Market vẫn đang tắc. Đề nghị địa phương tiếp thu xử lý luôn để tạo kiện cho các doanh nghiệp thuận tiện trong lưu thông phân phối”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị, phải thống nhất tất cả các hàng hóa hiện nay đều là hàng hóa thiết yếu (trừ hàng cấm) bởi không có sản xuất thì sắp tới khó khăn sẽ rất lớn. Tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy đều là luồng xanh.
Các đơn vị, UBND các cấp cần xem xét và thực hiện nghiêm Công văn số 1015 /TTg-CN ngày 25/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 5187/VPCP-CN ngày 29/7/2021 của Văn phòng Chính phủ về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Đồng thời các địa phương cần rà soát lại toàn bộ văn bản của địa phương mình để không trái với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành.
Địa phương cần chấp nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 của các địa phương, test nhanh và PCR có giá trị như nhau và có giá trị trong 72 giờ, không "đẻ" thêm các văn bản, giấp phép con. Rà soát lại, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp, hàng hóa vận chuyển. Ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe. Đối với xe ôtô vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, khi đã có mã QR không cần cấp giấy đi đường. Đồng thời yêu cầu bỏ điểm trung chuyển hàng hóa.
HHiện phần mềm cấp giấy nhận diện có mã QR, tạo luồng xanh cho phương tiện lưu thông của Bộ Giao thông - Vận tả đã nâng cấp thành công và cấp mã QR tự động mức độ 4. Trong trường hợp có trục trặc thì tối đa 12 giờ phải cấp cho doanh nghiệp.
Các bộ, ngành địa phương cần kết nối, tham gia đường dây nóng với Bộ Giao thông - Vận tải để nhanh chóng nắm bắt các vấn đề, kịp thời xử lý các vướng mắc trong phạm vi phụ trách. “Ngày 24/8/2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ôtô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Đề nghị các địa phương nghiên cứu thực hiện nghiêm để đảm bảo lưu thông thông suốt”, ông Nguyễn Văn Thể nói.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"
Bài ảnh Bảo Anh