Theo thống kê của lực lượng chức năng TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 2.000 chung cư mini. Trong đó nhiều tòa nhà vi phạm trật tự xây dựng, nâng tầng. Điều này khiến người dân lo lắng về việc đảm bảo an toàn phòng cháy cho chung cư mini.
Trung tá Lê Minh Hải - Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, đã là nhà chung cư được thẩm định phê duyệt, phải đảm bảo về PCCC. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các yêu cầu này.
Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng chung cư mini "biến tướng", chức năng là nhà ở nhiều căn hộ, loại hình này chủ yếu là nhà ở riêng lẻ. Ban đầu được xây dựng ở riêng lẻ, nhưng sau đó do nhu cầu nên chuyển đổi cho thuê và bán lại. Loại hình nhà này còn nhiều vấn đề về an toàn phòng cháy, chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, lối thoát nạn cho loại hình nhà này rất nan giải. Đặc biệt, chung cư này bố trí cầu thang trong nhà, tại tầng 1, tầng hầm sử dụng để xe và phòng công năng khác để máy phát điện, hoặc là phòng để kĩ thuật điện… nên khi xảy ra cháy nổ, khói sẽ lan lên, người phía trên ngạt khói và nguy cơ tử vong. Chưa hết, việc triển khai công tác cứu nạn đều khó khăn.
Ngoài ra, với hình thức nhà riêng lẻ rất ít người ở, nhưng khi chuyển sang chung cư mini, số hộ dân đông hơn rất nhiều; công suất điện tăng lên, nếu không cải tạo dây điện, dễ gây quá tải và chập điện.
Đặc biệt, vào dịp cao điểm buổi tối, các hộ gia đình tập trung đông, khi có vấn đề, việc thoát nạn rất khó khăn. Các hộ dân sinh sống trên tòa nhà này cũng chưa nắm được kĩ năng phòng cháy chữa cháy, thậm chí việc để xe máy cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.
Trung tá Lê Minh Hải cho biết, từ năm 2021, lực lượng chức năng đã tập trung tuyên truyền đến từng hộ gia đình, người dân về công tác phòng cháy chữa cháy.
Các mô hình được triển khai đều nhằm mục đích giúp người dân trong tòa nhà cùng khu vực có thể liên kết, hỗ trợ nhau chữa cháy, thoát nạn.
Tuy nhiên, có tình trạng thờ ơ, xem nhẹ việc tham gia tập huấn kỹ năng, việc tổ chức công phu nhưng người dân tham gia rất hạn chế.
Khi lực lượng chức năng làm công tác tuyên truyền, có cuộc chỉ 20-30% người dân tham gia. Có gia đình không thấy chủ nhà mà toàn cử người giúp việc đi thay.
Có gia đình chỉ có chồng đi, khi lực lượng chức năng đến hỏi, người vợ không biết gì về kiến thức phòng cháy chữa cháy. “Vậy khi hỏa hoạn xảy ra, chồng không có nhà thì sẽ ra sao?”, Trung tá Lê Minh Hải băn khoăn.
Theo Trung tá Lê Minh Hải, qua một số vụ cháy và qua nhiều đợt tập huấn, người dân đã có kỹ năng cơ bản khi có đám cháy xảy ra. Ví dụ, khi xảy ra cháy, mọi người đã biết đóng cửa, chèn thêm chăn để khói không vào được phòng, đổ nước để giảm nhiệt độ trong phòng, sàn và sau đó thoát nạn an toàn.