Doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng
Đợt giãn cách xã hội kéo dài tại nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua để phòng, chống dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, gần 13 triệu người trong độ tuổi lao động của cả nước đã bị ảnh hưởng về việc làm, thu nhập. Đặc biệt, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8, các địa phương ghi nhận gần 10% số đơn vị, doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tương đương gần 4 triệu lao động phải tạm ngừng việc.
Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, chỉ số sử dụng lao động tháng 8/2021 tại các tỉnh phía Nam rất thấp. Trong đó TP. HCM là 36,7%; Bà Rịa Vũng Tàu 58,9%; Bình Dương 75,2%; Tây Ninh 69,4%; Long An 88,9%. Chỉ tính riêng trong khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. HCM đã có 244.982 người lao động ngừng việc, tại 827 doanh nghiệp.
Bảo hiểm xã hội TP. HCM cho biết, trong giai đoạn giãn cách từ tháng 5 đến tháng 9/2021 đã có 338.730 lao động chấm dứt hợp đồng lao động, 665.946 lao động nghỉ không hưởng lương. Như vậy, số lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách là 1.046.676, chiếm 41,2% của 2.439.272 lao động tham gia BHXH.
Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc khôi phục sản xuất khi một lượng lớn lao động rời thành phố, độ thị để về quê (ảnh: Phạm Hải) |
Theo các chuyên gia, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài khiến người dân rời các khu công nghiệp, nhà máy để về quê. Chỉ tính riêng từ 1- 7/10, đã có 141.462 người từ TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương về các địa phương miền Tây Nam Bộ qua cửa ngõ Long An và 43.000 người về Tây Nguyên qua cửa ngõ Bình Phước. Dự báo, dòng lao động này sẽ chậm quay trở lại làm việc.
Đến nay, dịch bệnh dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Song, đa phần các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở khu vực phía Nam rơi vào cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng. Việc này dẫn đến doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong khôi phục sản xuất.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho rằng, có tín hiệu lạc quan khi tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh, dịch bệnh đã dần được kiểm soát, tình hình giãn cách xã hội đã dần được nới lỏng. Theo đó, nhu cầu hàng hóa sẽ trở nên cấp bách với nhiều doanh nghiệp khi từ nay đến cuối năm chỉ còn khoảng thời gian ngắn. Thế nên, sau giãn cách xã hội, các doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh, từ đó, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh trở lại.
Khẩn trương phục hồi thị trường lao động
Tại một hội thảo về khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 mới đây, GS.TS Hoàng Công Gia Khánh (Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM) cho rằng, tốc độ hồi phục kinh tế sau dịch phụ thuộc lớn vào tốc độ tái tạo việc làm. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động cần nhắm đến mục tiêu giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ việc/nghỉ không lương trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại thành phố.
Riêng với TP. HCM, ông Khánh đề xuất sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng (tương đương tỷ lệ trích bảo hiểm xã hội + bảo hiểm y tế + bảo hiểm thất nghiệp) áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022, chia làm hai giai đoạn. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng tương đương 0,29% GRDP TP. HCM.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các địa phương đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, cả nước đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Toàn quốc chính thức chuyển sang giai đoạn mới, chủ động thích ứng, chung sống an toàn với đại dịch.
Từ 1/7 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội, Bảo hiểm xã hội và các địa phương đã triển khai khẩn trương và quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68.
Song, theo Bộ trưởng, dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, một lượng lớn lao động rời các thành phố để trở về các địa phương, vùng nông thôn. Điều này dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số lĩnh vực, địa bàn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ này đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Những đề xuất từ doanh nghiệp, địa phương, cơ quan ban ngành sẽ được xem xét nhằm xây dựng giải pháp giúp giữ chân người lao động, thu hút người lao động đã về quê tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và giải pháp hỗ trợ điều tiết bổ sung lực lượng lao động cho những ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn cấp bách và đặc thù cần phải ưu tiên, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Để hạn chế những nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và tác động nặng nề đến người lao động, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch từ kết dư Quỹ với tổng kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng.
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Hà Giang
Ảnh: Phạm Hải