Để “Chủ động nắm bắt cơ hội và thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung vào 6 nhóm giải pháp phù hợp tình hình thực tế. Đó là, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế; chú trọng công tác an sinh xã hội; phục hồi, phát triển các ngành kinh tế; kích cầu đầu tư công; tăng cường quản lý điều hành, cải cách hành chính và chuyển đổi số; tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thành phố Huế

Để khơi thông dòng vốn, thu hút đầu tư, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin thêm, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thành lập mới, tạm ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19 nhằm bồi dưỡng các nguồn thu bền vững cho ngân sách. Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT- XH nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh có khả năng tự chủ, tự cân đối ngân sách địa phương và trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Hồ Dần, đến tháng 8/2021, có trên 25.000 người lao động từ các tỉnh miền nam trở về, với 75% người có nhu cầu vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm. Sở đã phối hợp với các các địa phương khảo sát, đánh giá cụ thể lao động có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm, vay vốn, đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay tỉnh đã giải quyết việc làm trên 16.000 người. Phấn đấu 100% người lao động trở về từ vùng dịch có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm được đào tạo nghề nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

Hoài Thanh