Với mục tiêu xây dựng “Thành phố môi trường”, công tác bảo vệ môi trường được cộng đồng dân cư, người dân thành phố Đà Nẵng quan tâm, đồng hành và tham gia tích cực. Do đó, nhiều mô hình, các sáng kiến bảo vệ môi trường được cộng đồng, khu dân cư, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện như ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng rừng, tham gia dọn rác bãi biển, lô đất trống, tham gia giữ gìn các giá trị bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học,…
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TƯ của BCH TW Khoá XI được tổ chức vào tháng 7 năm 2023, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng cho biết: Để đạt được kết quả này, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đã được chính quyền các cấp triển khai từ rất sớm, bằng nhiều hình thức truyền thông phong phú, lôi cuốn. Các phong trào BVMT trở nên thân thuộc, diễn ra rộng khắp như: “Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp”; “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Mô hình phân loại CTRSH tại nguồn”, “Phong trào Giảm thiểu rác thải nhựa”… Minh chứng hết sức cụ thể: Tháng hành động vì môi trường hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt người tham gia tích cực.
Theo đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, Thành phố luôn ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, cấp thiết về BVMT, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đến nay, các công trình, hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường của thành phố đã được đầu tư cơ bản và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng nâng cấp và đồng bộ về cơ sở hạ tầng chung của thành phố, cải thiện chất lượng môi trường. >89% nước thải sinh hoạt đô thị của thành phố (>180.000 m3/ngày) đã được thu gom, xử lý tập trung tại các trạm xử lý nước thải sinh hoạt; 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCKTMT) (TC 20.000m3/ngày), lắp đặt quan trắc tự động, liên tục và kết nối về trung tâm điều hành; >60% cơ sở, doanh nghiệp thuộc đối tượng đảm bảo lắp đặt, kết nối quan trắc tự động sớm hơn so với quy định; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đáp ứng QCKTMT >95%);
Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo sát sao, nhất là các trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các Sở, ngành chủ động tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải, khí thải các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm và các trạm xử lý nước thải.
Đặc biệt, Thành phố chủ động tạo lập sự hợp tác, tiếp nhận sự hỗ trợ, đa dạng hóa nguồn vốn, nguồn lực kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Trong khu vực, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng là Chủ tịch Mạng lưới các chính quyền địa phương của Tổ chức các đối tác Biển Đông Á (PEMSEA) nhiệm kỳ 2022-2025. Thành phố thiết lập hợp tác hỗ trợ kỹ thuật chặt chẽ về môi trường với 03 chính quyền thành phố (Boras - Thụy Điển, Yokohama - Nhật Bản, Daegu - Hàn Quốc) và nhiều tổ chức trong khu vực và thế giới để hỗ trợ công nghệ, nguồn lực. Giai đoạn 2020-2024, thành phố đã huy động sự hỗ trợ kỹ thuật môi trường với các cơ quan hợp tác quốc tế và các đối tác như: USAID, JICA, DANIDA, WB, ADB... với kinh phí gần 100 tỷ đồng từ các hợp tác này; đặc biệt tập trung vào các giải pháp quản lý chất thải rắn, giảm thiểu chất thải nhựa…
Từ kết quả trên có thể thấy, mục tiêu xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường đã trở thành nội dung được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Để phát triển thành phố theo hướng dịch vụ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, tiên tiến và bảo đảm môi trường chung, thành phố đã có nhiều chủ trương không đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất công nghệ cũ, lạc hậu; từ chối các dự án khi xét thấy nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm.
Xuyên suốt hơn 15 năm qua, những thông tin về bảo vệ môi trường, chủ trương xây dựng thành phố môi trường, tình hình giải quyết các vấn đề môi trường của thành phố được triển khai dưới nhiều hình thức, giúp người dân tiếp cận qua nhiều kênh (tập huấn, nói chuyện, họp tổ dân phố, các phương tiện thông tin đại chúng, phong trào, sự kiện, chiến dịch…), qua đó có sự tham gia tích cực, tạo sức lan tỏa mạnh và đạt hiệu quả nhất định. Đặc biệt, tỷ lệ chi ngân sách về môi trường đạt trên 2% trong tổng chi ngân sách thành phố hàng năm.