Phấn đấu đưa Hoà Thành đạt tiêu chuẩn đô thị loại III

Thời gian qua, thị xã Hòa Thành đã không ngừng phấn đấu thực hiện hoàn thành Chương trình phát triển đô thị, nâng loại đô thị theo hướng thành lập thành phố.

Năm 2018, Hoà Thành được công nhận là đô thị loại IV, đến năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công nhận là Thị xã. Thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ thị xã Hoà Thành nhiệm kỳ 2020-2025, mục tiêu trong xây dựng đô thị của thị xã Hoà Thành giai đoạn đến năm 2025 là phát triển thị xã Hoà Thành đáp ứng tiêu chuẩn về đánh giá phân loại đô thị loại III, nâng cấp Thị xã lên thành phố thuộc tỉnh. Giai đoạn đến năm 2030, thị xã Hoà Thành trở thành thành phố Hoà Thành; tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí của đô thị theo tiêu chí của đô thị loại III, phấn đấu đạt khoảng 75% tiêu chí đô thị loại II. Giai đoạn đến năm 2035, thành phố Hoà Thành phấn đấu đạt tiêu chí của đô thị loại II.

W-hoathanh.png
Một góc thị xã Hoà Thành nhìn từ trên cao

Theo các tiêu chí của đô thị loại III, qua phân tích, đánh giá hiện trạng đô thị, thị xã Hoà Thành đạt 59/63 tiêu chuẩn thành phần, đạt 88,29 điểm/100 điểm (mức điểm tối thiểu là 75 điểm). Trong 63 tiêu chuẩn thành phần, có 45 tiêu chuẩn đạt mức tối đa như: cân đối thu, chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị; các tiêu chuẩn về: nhà ở, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành, ngoại thị…

Bên cạnh đó, có 14/63 tiêu chuẩn đạt điểm tối thiểu và 4 tiêu chí chưa đạt. Hiện nay, thị xã đã lập hồ sơ Chương trình phát triển đô thị thị xã Hoà Thành đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 và Đề án phân loại đô thị Hoà Thành là đô thị loại III trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng đô thị thông minh thị xã Hòa Thành 

Việc xây dựng nền tảng đô thị thông minh của thị xã Hòa Thành được đặt ra với mục tiêu rất cụ thể là chú trọng chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh nhằm phục vụ 4 đối tượng chính là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan quản lý.

Người dân sẽ được cung cấp các tiện ích hỗ trợ tương tác với chính quyền một cách tối ưu nhất, tạo ra môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện, hiệu quả. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ được tạo môi trường thuận lợi để hoạt động, cung cấp nhiều thông tin để doanh nghiệp tương tác với nguồn dữ liệu mở và có những quyết định kinh doanh dựa trên nền tảng số và môi trường mạng.

Để đạt được mục tiêu này, đến năm 2025, thị xã cần đảm bảo duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp mức độ 4 ở cấp huyện được cung cấp thông suốt cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, 100% hồ sơ được giải quyết thông qua hệ thống một cửa điện tử. Tổi thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; 100% các hệ thống thông tin của thị xã có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; 80% khu công cộng, du lịch, công nghiệp được lắp đặt hệ thống wifi công cộng. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%...

Đồng thời, đô thị thông minh tạo sẽ ra kênh kết nối, phản hồi đa chiều để các tổ chức chính trị - xã hội có thể tham gia một cách hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng và phát triển thị xã trên nền tảng số. Đặc biệt, chính quyền đô thị thông minh giúp cơ quan quản lý dự báo phát triển chính xác hơn, cảnh báo thông tin đa chiều, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện ngày càng giảm biên chế theo lộ trình của T.Ư và của tỉnh.

Tỉnh Tây Ninh kỳ vọng, sự thành công của mô hình đô thị thông minh kiểu mẫu ở thành phố tương lai Hòa Thành thị sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị của thị xã và sự tham gia của người dân vào việc xây dựng chính quyền.