{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Quê nội tôi là một huyện miền núi nghèo ở Nghệ An. Cuối năm thường là một dịp mua sắm thịnh soạn: nhà nhà sẽ cố gắng phóng tay một chút vào những phiên chợ cuối để ăn Tết được tươm tất. Kí ức của tôi về những phiên chợ Tết miền quê là những sắc màu sặc sỡ của vải vóc và quần áo, âm thanh náo nhiệt từ tiếng người và tiếng gà lợn, cùng với hàng đoàn người chen chúc trong khu chợ lấm lem bùn đất. Đứa trẻ nào cũng chờ bà hay mẹ đi chợ về, để được thêm mấy món đồ ngọt khác với ngày thường. Đó là kí ức của những ngày thiếu thốn nhưng nhiều niềm vui, những ngày thực sự “có không khí Tết”.

Những khu chợ Tết ở quê tôi – hay có lẽ ở nhiều miền quê khác trên cả nước – ít nhiều không còn không khí đó nữa. Ngày nay đi chợ Tết, người bán nhiều hơn người mua. Hàng hóa không khác mấy so với ngày thường. Chợ đa phần là người lớn tuổi, bởi thanh niên đều đi làm ăn xa và chỉ về quê một, hai hôm trước Tết. Đến trẻ con cũng không mong kẹo khi mẹ đi chợ về, bởi đồ ngọt không còn là một mặt hàng xa xỉ.

Hình ảnh phiên chợ quê phần cho thấy biến chuyển xã hội lớn trong vòng chục năm trở lại đây. Đời sống kinh tế, dù ở thành thị hay nông thôn, khá giả hơn trước nhiều, khiến cho việc mua sắm Tết không còn là một nhu cầu quá lớn. Người ta không còn phải chờ đến Tết để được ăn những gì mình muốn, mặc những gì mình thích.

Nhưng thứ gì cũng có hai mặt: sự khá giả của nông thôn phần nhiều đến từ những người con bỏ làng đi kiếm sống. Những thanh niên dứt áo nâu sồng để mặc vào những bộ cổ cồn trắng hay cổ cồn xanh tại thành phố và khu công nghiệp, dần dần mất đi sợi dây liên lạc với làng quê. Thế hệ F2 – những đứa trẻ nông thôn được sinh ra ở thành thị - sẽ là người thành phố, dù thậm chí nhiều đứa không có hộ khẩu nơi này. Các làng quê từng tràn trề nhựa sống, giờ chỉ là mảnh đất của những người già và đôi đứa trẻ bị bố mẹ chúng để lại, héo mòn trước làn sóng di dân thời đô thị hóa.  

{keywords}
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Ở thành phố, những đứt gãy xã hội cũng diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Những cộng đồng dân cư chen chúc nhau trong các tòa chung cư giống như chiếc tổ ong với hàng nghìn lỗ, nhưng mỗi lỗ lại không liên quan gì đến nhau. Cuộc sống chung cư khiến người ta chỉ nhớ đến hàng xóm khi tiếng karaoke quá to, trẻ con nhảy nhót gây ồn ào, hay vệ sinh hành lang chung không sạch sẽ. Bởi thế, tôi thấy rất thông cảm với những hình ảnh tại các khu tái định cư, nhiều bữa tất niên với hàng xóm được tổ chức ngay tại hàng lang chung. Đó hẳn là hành vi không đúng với quy tắc sống tại các tòa chung cư, thậm chí còn được coi là không văn minh, nhưng chúng thể hiện phần nào sự le lói cuối cùng của một thứ tình cảm láng giềng nguyên sơ đang dần mất đi.   

Tết ở thành phố cũng bị thương mại hóa nhiều hơn. Nó không chỉ đến từ những chiếc bánh chưng làm sẵn ở siêu thị, mà còn từ xu hướng hưởng thụ Tết khác biệt so với ngày xưa: nhiều gia đình lựa chọn đi nghỉ Tết theo các tour du lịch trong nước hoặc nước ngoài. Điều này giúp họ bớt đi nhiều phiền toái của một cái Tết truyền thống: từ thăm hỏi, quà cáp cho đến lễ nghi, thủ tục, nhưng đồng thời khiến ý nghĩa “đoàn viên” của Tết không còn nhiều. Tết đơn thuần là một kỳ nghỉ dài.  

Nhưng với những đại đô thị - như Hà Nội hay TP. HCM – Tết cũng có lẽ là dịp duy nhất cho những ai hoài cổ hưởng thụ lại chút không khí xưa cũ của “ngày xưa”. Phố xá đột ngột chuyển trạng thái từ ồn ào, náo loạn sang những góc yên ả và dịu dàng. Sáng mùng Một Tết, thậm chí bạn còn có thể nghe tiếng pháo nổ lách tách từ những cậu bé nghịch ngợm mua trộm pháo lậu. Chọn một chỗ ngồi ưng ý ở một quán café vỉa hè, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp của “Hà Nội không vội được đâu”, chứ không phải cuộc bon chen kinh hoàng trên đường về mỗi ngày trước Tết.

Ở bất kỳ đâu trên mọi miền tổ quốc, Tết đã đến trước cửa nhà. Đây là dịp để gia đình sum vầy, những người cả năm vất vả làm lụng có cơ hội ngồi lại nghỉ ngơi, tâm sự với nhau, trao bù cho nhau những yêu thương bị trì hoãn bởi cuộc sống bộn bề. Tết cũng đang dần đổi thay, cùng với những biến đổi chóng mặt về đời sống kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Những giá trị cũ mất đi, những giá trị mới lên ngôi, đó là điều không thể tránh khỏi. Tôi chỉ mong với tất cả mọi người, Tết sẽ là một khoảng nghỉ ngơi giá trị để sạc đầy năng lượng cho một năm Kỷ Hợi được dự đoán có nhiều biến động sắp tới.   

Nguyễn Khắc Giang