- Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ với Góc nhìn thẳng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp Tết. Theo ông, Tết tiết kiệm là người dân nên chia sẻ khó khăn với đất nước.

Chúng ta đang chào đón một Tết Đinh Dậu 2017 đầy ấm cúng với tinh thần nổi bật, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Đây cũng là dịp Tết cổ truyền mà khắp nơi không bắn pháo hoa, không trang trí loè loẹt, không biếu quà Tết lãnh đạo...

Và thậm chí, cũng trước thềm năm Đinh Dậu, chúng ta còn chứng kiến cuộc tranh luận chưa hồi kết về việc gộp Tết âm, Tết Dương làm một cũng nhằm tới ý nghĩa này.

Nhân một ngày xuân đầu năm mới, chuyên mục Góc nhìn thẳng mời quý bạn đọc cùng trao đổi trò chuyện với nhà sử học Dương Trung Quốc mạn đàm chuyện Tết năm nay.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, cảm giác của không ít người trong chúng ta là Tết xưa tuy nghèo nhưng đẹp, ít phô trương khiến cho người ta luôn thường hay hoài niệm. Nhưng ngày nay, đời sống vật chất khá lên thì Tết lại khiến người ta mệt mỏi vì các tục lệ cổ truyền như thăm hỏi, biếu xén... Trong con mắt của ông, ông thấy vì sao, người Việt chúng ta lại khiến cái Tết trở nên như vậy?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng, tâm trạng mà bạn vừa nêu chính là vấn đề của quy luật tâm lý thôi. Ai cũng luôn nghĩ tới quá khứ bao giờ cũng đẹp, kể cả khi người ta đã phải trải qua bao khó khăn.

Nhưng với tôi, tôi không nghĩ rằng, cứ nghèo là đẹp. Đó chỉ là một tâm lý. Đã nghèo thì không thể đẹp được.

Có điều quan trọng là, ứng xử của người xưa trong hoàn cảnh Tết nghèo thì ta không còn thấy trong ngày hôm nay nữa, nên chúng ta cảm thấy nuối tiếc, hoài niệm.

Tôi nghĩ rằng, qua thời gian, mọi thứ đều thay đổi và phát triển, kể cả là những phong tục, tập quán. Nhưng vấn đề là chúng ta có thay đổi kịp theo không, có sẵn sàng trước sự thay đổi đó hay không, hay chúng ta vẫn bị níu kéo bởi những giá trị trong quá khứ, như thể không có cách lựa chọn nào khác.

Tôi ví dụ, chúng ta luôn nói Tết là dịp để đoàn tụ, nhưng tại sao, các bạn trẻ vẫn thấy việc đoàn tụ này nhiều khi chỉ là thứ yếu và thấy Tết chính là cơ hội để đi ra ngoài, đi du lịch, mở rộng giao tiếp...?

Đó là những thay đổi rất căn bản về ngày Tết.

Vì thế, theo tôi, chúng ta cần sẵn sàng ứng xử trước việc ngày Tết đã, đang và sẽ phải thay đổi. Chúng ta cần làm sao để những sự thay đổi đó vẫn nối tiếp các giá trị truyền thống, để không có sự đứt đoạn khiến cho chúng ta băn khoăn, phân tâm, hoài niệm...

Tôi cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng của đời sống hôm nay.

Nhà báo Phạm Huyền: Trong cái Tết ngày nay, chúng ta cũng đã nhìn thấy nhiều sự lãng phí, lãng phí cả về vật chất, thời gian, sức lực. Cá nhân ông có cái nhìn thế nào về điều này?

Ông Dương Trung Quốc: Có lẽ, tâm lý của người xưa coi ngày Tết là một cơ hội để có thể thoả mãn mọi nhu cầu chưa được đáp ứng sau một năm lao động vất vả. Người ta có thể coi đây là dịp để được bù đắp lại điều đó.

{keywords}
Ông Dương Trung Quốc nói chuyện với Góc nhìn thẳng về quan niệm Tết tiết kiệm

Chúng ta có câu "giỗ cha không bằng ba ngày Tết", người xưa có quan niệm như vậy.

Nhưng theo tôi, khái niệm tiết kiệm là như thế nào, cần phải bàn lại. Theo tôi, tiết kiệm không phải là dè xẻn, không phải là bủn xỉn. Tiết kiệm là cách tư duy hiện đại, mang ý nghĩa về mặt kinh tế học, hướng tới tính hiệu quả. Tức là, hiệu quả của việc tiết kiệm đó phải tương ứng với một giá trị nào đó.

Nếu ngày Tết mà chúng ta phải ăn kham khổ như mọi ngày, vẫn tiết kiệm đồng tiền cho việc đi lại, cho việc giao tiếp... thì đâu còn gọi là ngày Tết.

Tôi cho rằng, nói đến chữ "tiết kiệm, không lãng phí" thì chúng ta cần khai thác giá trị ngày Tết một cách kinh tế nhất, có hiệu quả nhất, đúng với giá trị của một ngày chỉ có duy nhất một lần trong một năm.

Nhà báo Phạm Huyền: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn kêu gọi thực hiện một cái Tết tiết kiệm. Như năm nay không bắn pháo hoa, không trang trí loè loẹt...Theo ông, làm thế nào để từ những chỉ đạo hành chính về tinh thần tiết kiệm đó trở thành một nét đẹp thường nhật trong mọi dịp lễ Tết cổ truyền, phù hợp với đời sống hiện đại?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ, lời kêu gọi thực hiện một cái Tết tiết kiệm, chống lãng phí là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn. Nhất là năm nay, khó khăn rất nhiều và ý thức đó là rất cần thiết.

Nhưng chúng ta hiểu thế nào một cái Tết tiết kiệm, một cái Tết không lãng phí mới là quan trọng.

Tôi ví dụ như về chủ trương không trang trí loè loẹt đường phố đô thị. Thực ra, hai chữ "loè loẹt" không liên quan nhiều đến lãng phí hay sự tiết kiệm, mà là nhằm tới cái gu thẩm mĩ, là vấn đề của trình độ nhận thức văn hoá.

Hay như chuyện bắn pháo hoa chẳng hạn, tôi nhớ một sự kiện trong lịch sử, Bác Hồ trước khi qua đời, nằm trên giường bệnh, Bác vẫn lo lắng hỏi các nhà lãnh đạo rằng, ngày Quốc khánh này, có bắn pháo hoa cho dân không? Dù lúc đó, chúng ta lúc đó khó khăn.

Tôi nghĩ rằng, tại sao chúng ta không đặt vấn đề về việc xã hội hoá vấn đề này? Chúng ta chỉ cần yêu cầu bắn pháo hoa không dùng công quỹ của Nhà nước. Như vậy, người dân cũng tự cảm thấy có trách nhiệm chia sẻ với Nhà nước trước những khó khăn của đất nước.

Ở đây, tôi cho rằng, khi đưa ra một yêu cầu cụ thể thì cần gắn rất chặt với mục tiêu cụ thể. Tiết kiệm trong Tết cần tư duy kinh tế trên phương diện tổng thể, phát huy nguồn lực trong dân mà vẫn giữ được những tập quán tốt đẹp.

Nhà báo Phạm Huyền: Cụ thể hơn, sau dịp Tết Nguyên đán sẽ có hàng loạt các lễ hội sẽ diễn ra. Ông mong muốn tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí sẽ thể hiện như thế nào trong mùa lễ hội này?

Ông Dương Trung Quốc: Phần lớn những lễ hội mà chúng ta đang bàn hiện nay với những con số được đưa ra rất khủng khiếp, có tới 6.000- 7.000 lễ hội, thực chất trước kia chỉ là hội làng. Những hội ấy xoay quanh một không gian rất cụ thể.

Nhưng với quá trình phát triển của xã hội và sự gắn kết với nhu cầu mới của đời sống tinh thần, theo tôi, việc tổ chức, quản lý hoạt động lễ hội cần phải dựa trên cơ sở một quy hoạch.

Chúng ta không có quyền thu hẹp hay cấm hội này không được làm, hội kia thì được làm bởi có những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tập quán.

Nhưng nếu chúng ta quy hoạch lại hoạt động này, tạo ra sự hợp lý cho người lao động sử dụng thời gian và đồng thời, duy trì được những giá trị tín ngưỡng ở lễ hội.

Lâu nay, chúng ta thường chỉ nói nhiều đến khâu tổ chức lễ hội, tránh những tiêu cực, gian lận, thương mại hoá nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là giáo dục được người dân, nâng cao nhận thức về hoạt động lễ hội. Chúng ta thường hay dùng đến chữ "thông minh", tức là người dân cần nhận thức rõ về việc nên đi đâu, tham gia lễ hội gì, như thế nào cho tốt nhất.

Chính sự tự nguyện của người dân đặt mình trong những khuôn phép khi tham gia lễ hội là yếu tố quan trọng, chứ không phải chỉ là những chế tài của Nhà nước. Đây là điều đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa ở hoạt động sinh hoạt mang đậm chất tín ngưỡng, chứa đựng tính văn hoá dân gian như ở hoạt động lễ hội.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Huy Phúc, Bạt Tuấn