Sách luôn là nguồn cảm hứng vô tận

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có bề dày làm văn hoá, đam mê đọc sách của chị Lan được hình thành từ bé. Với chị, sách luôn là nguồn cảm hứng vô tận nên muốn lan toả văn hoá đọc tới các con và nhiều bạn trẻ Việt Nam. 

Từ một hiệu sách nhỏ xinh mang tên Blue Horizon trong khuôn viên Nhà xuất bản Thế giới, sau 7 năm chị Lan mới “rón rén” khoe thành quả của mình bằng việc ra mắt Nhà sách Quốc tế InBook (93 Thuỵ Khuê, Hà Nội) để bạn đọc yêu thích dòng sách ngoại văn có địa chỉ tin cậy thưởng thức bản gốc các tác phẩm. 

TNP01141.jpg
Chị Nguyễn Hương Lan là thành viên Hiệp hội Quốc tế các nhà sách tiếng Pháp, dịch giả của "Nhóc Nicolas" và một số tác phẩm của Marc Levy, Guillaume Musso…

Trước khi mở hiệu sách vào năm 2017, chị Lan thường xuyên tận dụng các chuyến công tác nước ngoài để mua sách cho con. Những cuốn sách này không chỉ đắt mà còn rất nặng khi mang về. Trong nước, giá sách ngoại văn thường cao gấp nhiều lần so với giá bìa.

Thời điểm đó, chỉ có một số ít công ty lớn trong nước như Fahasa, Tiki Trading, Xunhasaba mới phát hành sách ngoại văn và số lượng giới thiệu đến độc giả rất hạn chế. Phần lớn tập trung vào sách cho lứa tuổi tiểu học và các bộ sách nổi tiếng như Harry Potter, Diary of a Wimpy Kid...

Chị nghĩ, nếu làm việc trực tiếp và thiết lập mối quan hệ sâu sắc với các nhà xuất bản nước ngoài, nhập khẩu chính ngạch và tuân thủ mọi quy định pháp luật, thì độc giả Việt Nam vẫn có sách ngoại văn bản gốc với giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn một chút so với giá bìa của nhà xuất bản.

Ngoài ra, khi tiếp cận với danh mục sách phong phú và đa dạng được giới thiệu hàng tuần bởi các nhà xuất bản nước ngoài, chị khao khát mang một phần của biển sách mênh mông ấy về Việt Nam.

Và hành trình khởi nghiệp từ sách của chị Lan bắt đầu từ cơ duyên và những suy nghĩ đó.

TNP01022.jpg
Chị Nguyễn Hương Lan và chồng trong ngày khai trương không gian đọc InBook.

Chị Lan chia sẻ, từng du học nhiều năm ở nước ngoài nên nhận ra rằng, nếu chỉ học ngoại ngữ mà không đọc sách ngữ văn khó có thể thực sự giỏi và hòa nhập được văn hóa. Cũng giống như muốn học giỏi tiếng Việt cần phải đọc nhiều sách tiếng Việt, muốn hiểu và cảm nhận được văn hóa nước ngoài một trong những phương tiện thú vị và hiệu quả nhất là đọc sách ngoại văn. 

“Bạn đọc thường nghĩ sách tiếng Anh hoặc sách tiếng Pháp chỉ là công cụ học ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn giới thiệu nhiều hơn thế, mong muốn bạn đọc hiểu rằng mỗi cuốn sách là một chìa khóa mở ra vô số cánh cửa, giúp hội nhập với thế giới tri thức và tiếp cận những di sản văn hóa khác nhau. Chính nhờ niềm mong mỏi ấy mà tôi có thêm sức mạnh để làm tốt công việc của mình”, chị Lan chia sẻ.

Sách ngoại văn và xu hướng đọc của giới trẻ

Gia Linh (lớp 12) cho biết, sở thích đọc sách ngoại văn đến từ niềm vui được mở rộng vốn từ vựng tiếng Anh, cùng cảm nhận cá nhân rằng việc đọc sách dịch không "phê" bằng thưởng thức sách nguyên bản.

Tại sự kiện, nhiều đơn vị làm sách cùng chung nhận định, những năm qua sự bùng nổ của ngành xuất bản và tiện ích từ kỷ nguyên số đã giúp độc giả Việt Nam được tùy thích chọn lọc, thưởng thức các ấn phẩm trong nước và quốc tế. Ngoài lượng lớn tác phẩm được dịch ra tiếng Việt, thị trường sách trong nước ghi nhận xu hướng của phân khúc độc giả tìm đọc sách ngoại văn hoặc mua sách tiếng Anh cho con em mình. 

Thị trường sách ngoại văn Việt Nam, dù là phân khúc ngách, đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Riêng tại Hà Nội có hơn 10 hiệu sách với danh mục khá phong phú, đáp ứng sự quan tâm của độc giả trong nước cũng như cộng đồng nước ngoài sống tại Thủ đô.

Dù công nghệ số phát triển mạnh mẽ nhưng việc đọc sách giấy vẫn giữ chỗ đứng quan trọng, giới trẻ ngày nay không chỉ đọc sách ngoại văn để nâng cao khả năng ngoại ngữ mà còn để tiếp cận trực tiếp với các tác phẩm gốc, không qua phiên dịch. Điều này giúp họ trải nghiệm trọn vẹn hơn nội dung và tinh thần của tác phẩm.

Ngoài ra, việc đọc sách gốc cũng mang lại lợi ích về mặt học thuật và sự hiểu biết sâu rộng hơn về văn hóa, xã hội nước ngoài. Điều này tạo nên một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và có tầm nhìn toàn cầu, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Chị Lan cho biết, thời gian tới, ngoài việc mở rộng đồng đều danh mục các thể loại sách, dự kiến từ 7.000 lên 15.000 tựa mới nhất và được bạn đọc thế giới quan tâm nhất, InBook sẽ tiếp tục đào sâu vào các tiểu dòng của mỗi thể loại chủ lực.

“Chúng tôi sẽ chú trọng mở rộng tủ sách văn học hàn lâm với ngôn ngữ tinh tế và nội dung sâu sắc, để thỏa mãn những độc giả yêu thích sự tinh hoa của ngôn từ qua các tác phẩm đậm chất văn chương.

Ngoài các tác phẩm từ kho tàng văn học phổ biến là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp và Mỹ, thì văn học Nga, Na Uy, Đức, Tây Ban Nha, Nam Mỹ… cũng là mảnh đất văn chương rộng mở cho người yêu thích văn học hàn lâm khám phá.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng tầm nhìn đến các tác phẩm văn học đương đại từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Những tác phẩm như vậy mang lại sự đa dạng văn hóa và mở rộng tầm nhìn cho người đọc, giúp họ khám phá và hiểu thêm về thế giới đương đại qua lăng kính diệu kỳ của văn chương", chị Lan khẳng định.

Ảnh: NVCC