Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2030 là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học, công nghệ để có năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, đặt trong tổng thể phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa.
Phát triển theo chuỗi giá trị, kết hợp nông - lâm - thủy sản với các ngành phi nông nghiệp, trước hết là du lịch được xác định như là một trong các hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình những năm tới. Phát triển theo chuỗi tạo sự kết nối giữa sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ nông sản, một mặt, giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định; mặt khác, tạo điều kiện nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, đồng thời tạo khả năng mở rộng phát triển các ngành công nghiệp, trước hết là tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến. Kết hợp giữa nông nghiệp với du lịch, một mặt, tạo thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông - lâm - thủy sản có sức mua cao; mặt khác, tạo lập sản phẩm du lịch từ các hoạt động nông nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch. Tiềm năng tự nhiên về du lịch của tỉnh Thái Bình không nhiều.
Tuy nhiên, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa với hệ thống các đình, chùa, đền, như chùa Keo, quần thể di tích lăng mộ nhà Trần, đền Tiên La, đền A Sào, đền Đồng Bằng, đền Bà Chúa Muối,... rất linh thiêng và hấp dẫn đối với khách du lịch. Khai thác hệ thống các điểm du lịch tâm linh cần có sự kết hợp với phát triển nông nghiệp, các làng nghề để phục vụ du khách về nhu cầu ẩm thực, hàng lưu niệm. Ngược lại, nông nghiệp có thể phát triển theo hướng khai thác du lịch, tận dụng các tour, tuyến khách du lịch tham quan các di tích để phát triển các hoạt động du lịch nông nghiệp.
Để thực hiện định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, cần quy hoạch phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ và xem xét đến khai thác du lịch, ví dụ, tại các vùng ven biển Tiền Hải, Kiến Xương về thủy hải sản, vùng ven sông của huyện Vũ Thư về hoa cải, cây ăn quả,... gắn với các tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh của hệ thống các đình, chùa, khu lăng mộ các vua Trần...
Bên cạnh đó, tổ chức giới thiệu sản phẩm, cung ứng nông sản cho du khách theo từng hoạt động nông - lâm - thủy sản gắn kết với du lịch. Ví dụ, vùng hoa cải Hồng Lý kết hợp giữa hoa cải, cây cải sạch và chế biến hạt cải thành cải mầm, nghiên cứu chế biến tinh dầu cải cay thành mù tạt cung cấp cho khách du lịch, gia tăng thu nhập (hiện vùng cải chủ yếu mới khai thác cảnh quan cho khách đến chụp ảnh).
Muốn làm được điều đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, du lịch, thông qua liên kết chuỗi từ quy hoạch đến tổ chức triển khai quy hoạch. Tổ chức kết nối chuỗi nông sản, ngành hàng nông sản với các sản phẩm chủ lực trong tỉnh: lúa, cây thực phẩm, gia cầm, thủy sản. Ngành nông nghiệp quy hoạch vùng nguyên liệu, kết hợp với ngành công thương quy hoạch hệ thống chế biến và thị trường nông sản, tạo sự gia tăng sản phẩm nông - lâm - thủy sản và hình thành các cơ sở chế biến và tiêu thụ mới.
Mặt khác, chú trọng tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các vùng nông - lâm - thủy sản kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch.