Ngày 18/7, ngành chức năng tỉnh Thái Bình phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N8 trên đàn vịt hơn 3.000 con của gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, tổ dân phố Hưng Long, thị trấn Kiến Xương.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, kết quả xét nghiệm mẫu dương tính với virus cúm A/H5N8. Toàn bộ đàn gia cầm đã được tiêu hủy ngày 19/7.
Tiếp đó, Chi cục phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi của hộ có gia cầm bị bệnh và khu vực xung quanh.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch; điều tra ổ dịch; quyết liệt ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch. Cấp phát 30 lít hóa chất, 600kg vôi bột phun tiêu độc, khử trùng nơi chăn nuôi của hộ có gia cầm mắc bệnh và khu vực xung quanh.
Ngay sau khi dịch cúm gia cầm AH5/N8 xuất hiện trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% đàn gia cầm có nguy cơ được tiêm vắc xin cúm gia cầm. Đồng thời tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm nuôi mới, chưa được tiêm phòng.
Các cơ sở chăn nuôi gia cầm cần tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Tổ chức tổng vệ sinh tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng tiêu diệt mầm bệnh. Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh hoặc vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng yêu cầu Sở NNPTNT tăng cường giám sát, xác minh dịch bệnh, lấy mẫu giám sát sự lưu hành của virus để kịp thời cảnh báo nguy cơ dịch bệnh. Chuẩn bị và cung ứng đầy đủ vật tư phòng, chống dịch bệnh. Các ngành chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Trước đó, vào tháng 6 và đầu tháng 7, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Cao Bằng. Các ổ dịch đều được kiểm soát kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân phát sinh dịch bệnh có thể do giống gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm mới mua về không được nuôi cách ly trước khi nhập đàn. Chuồng trại không đảm bảo an toàn sinh học, điều kiện vệ sinh thú y. Vị trí chuồng trại chăn nuôi thuộc khu vực đồi núi, thường xuyên có gà rừng, chim cảnh, có thể tiếp xúc với chim trời mang mầm bệnh...
Ông Long cho biết, gia cầm mắc bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao (bao gồm chủng cúm gia cầm A/H5N8) có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 - 3 ngày, có thể dài hơn tuỳ theo độc lực của virus. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
Minh Phúc