Thời gian gần đây, dù các cơ quan chức năng, các đoàn thể, xã hội, địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp phòng, chống nhưng tệ nạn mua bán người vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ. Chính vì vậy, tỉnh chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền gắn với tăng cường hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống mua, bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, giai đoạn 2013 - 2023, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (nay là Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội) thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu và ban hành các văn bản phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. 

nan nhan.jpg
Tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân hưởng các chế độ hỗ trợ và ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Chi cục đã tổ chức 57 lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân trở về; 4 hội thảo về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân cho cán bộ cấp huyện, thành phố, thị xã, cấp xã với hơn 860 người tham dự; 34 hội nghị tuyên truyền về công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, với trên 1.100 người tham dự; sản xuất 105 panô tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; in 2.800 quyển sổ tay tuyên truyền và phát cho các cán bộ làm công tác phòng, chống mua bán người; 20.000 tờ rơi phát trong các buổi tuyên tuyền đến từng thôn, xóm, bản.

Đồng thời, hằng năm Chi cục phối hợp với Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lao động và Xã hội xây dựng 66 tin, bài viết, phóng sự, clip thông điệp; 01 hội nghị trao đổi, tọa đàm về phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có nội dung tuyên truyền về chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về); tuyền truyền 42 lượt tin, bài trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã về công tác phòng, chống mua bán người.

Trong năm 2023, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tích cực phối hợp với các sở, ngành, cơ quan truyền thông, UBND các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người và phổ biến các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, phù hợp với đặc điểm, tình hình, phong tục tập quán của từng địa phương, vùng, miền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, hệ thống phát thanh từ xã đến huyện nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7; xây dựng panô, tin bài, phóng sự, tổ chức các hoạt động hội thảo, tập huấn, tuyên truyền về phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, Sở cũng làm tốt công tác tham mưu và ban hành các văn bản phối hợp với UBND các huyện, thành phố về việc tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, với các hoạt động cụ thể như: Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 69 Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống mua bán người và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với 150 người tham dự; sản xuất in ấn và lắp đặt 29 chiếc panô tuyên truyền về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn các huyện, thành phố. Do đó, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không có nạn nhân nào bị mua bán trở về.

Bà Đỗ Thị Huế, Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán người, đồng thời thực hiện tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tăng cường công tác phối hợp, nắm bắt tình hình nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nạn nhân (nếu có) được tiếp cận với sự trợ giúp và hưởng các chế độ hỗ trợ, góp phần giúp nạn nhân ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng một cách bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người để chủ động phòng ngừa; tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Cùng với đó, lồng ghép công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với việc thực hiện các đề án khác của Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người, các chương trình kinh tế - xã hội khác như phòng, chống tệ nạn xã hội, dạy nghề, việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Quỳnh Nga

Thành Huế và nhóm PV, BTV