Quảng Ninh có 118,8 km đường bộ biên giới, 191 km đường phân định biển tiếp giáp với Trung Quốc. Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép, đưa người ra nước ngoài (Trung Quốc) trên địa bàn tỉnh diễn ra khá phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Các đối tượng thực hiện thủ đoạn ngày càng tinh vi; hoạt động của các đối tượng từ các địa phương lấy địa bàn Quảng Ninh để làm nơi trung chuyển, lừa dẫn phụ nữ, trẻ em sang Trung Quốc.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vẫn là triệt để lợi dụng sự kém hiểu biết và thiếu thông tin của nạn nhân, lợi dụng các đường mòn biên giới và những mối quan hệ sẵn có, tìm cách móc nối với số phụ nữ Việt Nam lấy chồng và làm ăn, cư trú bất hợp pháp ở Trung Quốc để quay trở về Việt Nam lừa dẫn phụ nữ và trẻ em đi Trung Quốc bán cho các chủ chứa hoạt động mại dâm hoặc bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ, hoặc làm con nuôi.

Tội phạm mua bán người còn dùng chiêu thức làm quen qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để tán tỉnh, yêu đương và lừa đưa sang Trung Quốc bán.

{keywords}
Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh tổ chức chấm giải Cuộc thi “Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”.

Trước thực trạng đó, với vai trò là một tổ chức mang tích chất về giới, có chức năng chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em trước các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đặc biệt là tội phạm mua bán người qua biên giới; nhiều năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương, thường xuyên trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong việc tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về, cụ thể như:

Đối với các trường hợp chị em phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về từ các cửa khẩu biên giới, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tích cực cùng các cơ quan, ban, ngành chức năng tiếp nhận, gặp gỡ, trao đổi, giúp đỡ về tiền mặt và một số vật dụng sinh hoạt cá nhân. Phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp đến tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ bị buôn bán trở về làm các thủ tục như cấp lại chứng minh thư, hộ khẩu, làm giấy khai sinh hoặc giúp vay vốn tạo việc làm... Phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt.

Cùng với đó, Hội LHPN các cấp còn liên hệ, kết nối với các trung tâm bảo trợ xã hội, các nhà tạm lãnh, Ngôi nhà bình yên… và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm, hỗ trợ nơi ăn chốn ở, việc làm, xây nhà mái ấm tình thương để chị em có thể sớm hòa nhập cộng đồng và có thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ nạn nhân, Hội LHPN các cấp còn tăng cường công tác tuyên truyên nâng cao nhận thức cảnh giác cho chị em phụ nữ thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt CLB, sinh hoạt chi/tổ hội viên, đặc hiệt là phụ nữ các địa phương gần biên giới với Trung Quốc như: thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Tiên Yên... tránh việc vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê để bị lừa bán. Chủ động trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán phụ nữ trẻ em; vận động người thân trong gia đình, quần chúng nhân dân mạnh dạn đấu tranh tố giác tội phạm mua bán người, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Hội LHPN tỉnh cũng tổ chức tổng kết Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại: Tiếp cận liên ngành thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ, tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân” (TMSV) và trao giải Cuộc thi "Sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật về phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại" - hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án.

Mặc dù thời gian thực hiện dự án ngắn và kinh phí cấp cho Hội LHPN Quảng Ninh còn hạn hẹp, song với tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng ngừa các hoạt động mua bán người và nô lệ thời hiện đại, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã tích cực triển khai các hoạt động theo đúng tiến độ đề ra, đảm bảo các mục tiêu của dự án, nhằm nâng cao nhận thức về các hành vi, thủ đoạn, nguy cơ mua bán người và nô lệ thời hiện đại. Từ đó có các biện pháp can thiệp giảm thiểu các vụ mua bán người. Tăng cường nhận diện về mua bán người và nô lệ thời hiện đại. Kịp thời tố giác các tội phạm mua bán người và nô lệ thời hiện đại xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao vai trò của Hội LHPN các cấp trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh xác định một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: tập trung chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tố giác tội phạm trong cộng đồng dân cư, góp phần ngăn chặn tệ nạn buôn bán người qua biên giới.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN các xã giáp biên tuyên truyền, vận động người dân không tự ý vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê, phòng tránh mua bán người. Chỉ đạo Hội LHPN các địa phương, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (Công an, LĐTBXH, Tư pháp) tuyên truyền Luật Phòng, chống mua, bán người đến hội viên phụ nữ và cộng đồng dân cư, nhằm tố giác tội phạm, đồng thời quan tâm, gần gũi, giúp đỡ, tránh kỳ thị, xa lánh với những nạn nhân bị buôn bán trở về…

Đình Thành