Thái tử và phái đoàn Đan Mạch đứng trên cầu Thê Húc cùng ngắm Tháp Rùa, Tháp Bút, các công trình biểu tượng của thủ đô.

Nhiều người dân Hà Nội bất ngờ và thích thú khi gặp Thái tử Đan Mạch. Người dân đã vẫy tay chào Thái tử, đáp lại Thái tử cũng vẫy tay và cười tươi. Vào trong đền Ngọc Sơn, Thái tử được nghe giới thiệu về lịch sử, sự tích Hồ Gươm, tìm hiểu về tiêu bản rùa được trưng bày.

Thái tử Đan Mạch thăm đền Ngọc Sơn.

Sau đó, Thái tử Frederik đi bộ đến nhà hát múa rối nước Thăng Long, tại đây Thái tử được Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đón tiếp nồng hậu.

Thái tử đã được Phó Chủ tịch nước và các nghệ nhân giới thiệu về nghệ thuật vẽ tranh Đông Hồ. Tranh Đông Hồ là dòng tranh nổi tiếng trong các dòng tranh dân gian của Việt Nam với những giá trị nội dung và nghệ thuật độc đáo. Gần 400 năm trôi qua, dòng tranh này vẫn, đã và đang là sản phẩm văn hóa tinh thần, có giá trị nghệ thuật đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Vẽ tranh Đông Hồ hay gọi đúng là in tranh. Ván in được đặt lên giấy điệp theo cữ, dùng xơ mướp xoa lên phía sau tờ giấy để màu bắt đều nét. Cứ như vậy cho đến đủ các màu, màu đen - tức là ván nét được in cuối cùng và do người khéo tay nhất thực hiện. Sau khi được nghe giới thiệu, Thái tử Đan Mạch đã thích thú trải nghiệm làm thử bức tranh "Đàn gà mẹ con".

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các nghệ nhân giúp Thái tử Đan Mạch tìm hiểu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ.
Thái tử Đan Mạch làm tranh Đông Hồ.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch nước và Thái tử Đan Mạch cùng thưởng thức múa rối nước do các nghệ sĩ nhà hát múa rối nước Thăng Long biểu diễn. Trong buổi biểu diễn, âm thanh kỳ ảo được chơi bởi các nghệ nhân với nhạc cụ truyền thống như đàn nhị, sáo, đàn tranh, đàn bầu và các bài ca Chèo, Thái tử Đan Mạch được hiểu rõ hơn về hình thức nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Bắc bộ.

Trên sân khấu thủy đình, các tiết mục "tễu giáo trò", "sự tích trả gươm rùa vàng", "múa rồng, múa phượng", "vũ điệu tiên", "múa tứ linh" được trình diễn, những con rối gỗ sơn mài chuyển động linh hoạt trên nước đã gây được ấn tượng mạnh với Thái tử Đan Mạch.

Múa rối nước là một trong những loại hình sân khấu tiêu biểu cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ và sự thông minh, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Trong xã hội hiện đại hôm nay, múa rối nước không còn quá xa lạ với quảng đại quần chúng trong nước và trên thế giới. 

Đây là hoạt động mang dấu ấn văn hóa và trải nghiệm trong lịch trình thăm chính thức Việt Nam của Thái tử Đan Mạch. Các điểm đến thăm và các hoạt động đều là những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang hồn cốt của Hà Nội trong mắt bạn bè quốc tế. Đây cũng là những điểm đến không thể thiếu của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi tới Thủ đô.

Trong không gian trầm mặc, Thái tử Đan Mạch tìm hiểu về lịch sử văn hóa Việt Nam.
Hoàng gia Đan Mạch cũng có quan hệ lịch sử lâu đời với Việt Nam. Cha của Thái tử kế vị đã sống những năm đầu đời ở Hà Nội. Năm 2009, ông cùng với Nữ hoàng, Thái tử kế vị và Công nương đã tới thăm Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước.  
 Thái tử được nhận bức tranh Đông Hồ đã đóng khung do chính tay mình làm. 
Phó Chủ tịch nước và Thái tử Đan Mạch thưởng thức các tiết mục văn hóa dân gian Việt Nam.
Thái tử và Phó Chủ tịch nước chụp ảnh chung cùng các nghệ sĩ nhà hát múa rối nước Thăng Long.