Người dân Sri Lanka nhận hàng hóa viện trợ. Ảnh: Reuters

Mặt trời mọc, các hàng quán tại thủ đô Colombo lục tục mở cửa. Những người bán hàng này đang ở tuyến đầu – nơi bị ảnh hưởng nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử Sri Lanka.

Các sạp báo trống trơn vì Sri Lanka không đủ giấy in. Những người bán đồ ăn không có đủ nguyên liệu để chế biến. Đối với một số người bán hàng, ngay cả việc đi vệ sinh cũng rất đắt đỏ.

“Mỗi lần vào nhà vệ sinh là mất 20 rupee. Không phải tôi không hài lòng với thu nhập của mình nhưng lạm phát quá cao, số tiền chi tiêu vượt quá số tiền kiếm được”, I Karunasinghe – một người bán vé số chia sẻ.

Lạm phát tại Sri Lanka đã đạt mức 18,7% trong tháng Ba. Điều này dẫn đến tình trạng cắt điện luân phiên, thiếu hụt thuốc men và các sản phẩm thiết yếu như gạo, sữa. Sri Lanka không thể trả cho những mặt hàng thiết yếu nhập khẩu vì món nợ khổng lồ.

Quyết định tai hại

Các nhà kinh tế cho rằng quyết định cấm phân bón hóa học của chính phủ vào năm ngoái và biến Sri Lanka trở thành quốc gia đầu tiên chỉ trồng trọt theo phương pháp hữu cơ là một thảm họa.

Các nhà chức trách khẳng định sẽ không có tác động nào nếu đột ngột từ bỏ các phương thức canh tác truyền thống. Nhưng 6 tháng sau khi chuyển sang sản xuất hữu cơ, quốc gia từng tự chủ về sản xuất gạo đã phải nhập khẩu hơn 600 triệu USD gạo nước ngoài.

Lệnh cấm đối với phân bón đã khiến năng suất cây trồng giảm mạnh, gây ra lạm phát và đè bẹp xuất khẩu chè, cao su của Sri Lanka. Chỉ tính riêng ngành chè - mặt hàng xuất khẩu chính của Sri Lanka - đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 573 triệu USD.

7 tháng sau quyết định chuyển sang sản xuất hữu cơ, chính phủ đã dỡ bỏ lệnh cấm phân bón hóa học. "Chúng tôi không phải là một chính phủ cố chấp", thành viên quốc hội Dullas Alahapperuma nói về cuộc thử nghiệm thất bại.

Tuy nhiên, hậu quả đối với một nền kinh tế mong manh như Sri Lanka vẫn tiếp diễn. Lạm phát khiến những người Sri Lanka như ông Karunasinghe hàng ngày đứng trước lựa chọn bất khả thi. "Thu nhập của tôi bây giờ không đủ sống. Một tách trà giá 100 rupee. Vì vậy, nếu tôi kiếm được 2.000 rupee mỗi ngày, thì gần như toàn bộ số đó được dùng để nuôi gia đình".

Đợi từ sáng đến tối để đổ xăng

Người dân chờ đổ đầy bình gas nấu ăn. Ảnh: Reuters

Từ sáng sớm, hàng dài người dân đã xếp chờ ngoài các trạm đổ nhiên liệu. Có người đổ xăng cho phương tiện di chuyển, có người đổ bình gas nấu ăn. Tình trạng này đã kéo theo nhiều kết cục đau lòng.

Rechard, chồng của bà Rani Chandra Pereira, là một trong số ít nhất 7 người đã thiệt mạng khi xếp hàng chờ đổ xăng.

“Mỗi ngày, ông ấy thường xếp hàng hàng giờ đồng hồ để mua xăng vì công việc của ông là lái xe kéo. Đợi cả tiếng đồng hồ dưới trời nắng nóng, trong một lần bơm xăng, ông ấy đã ngã gục và tử vong trên đường đến bệnh viện”, bà Rani nói chồng bà không có bệnh lý nào trước đó và thậm chí còn cho rằng cuộc sống bây giờ còn tệ hơn khi Sri Lanka xảy ra nội chiến.

Năm 2019, Ngân hàng Thế giới xếp hạng Sri Lanka là quốc gia có thu nhập trung bình. Quốc gia này đã vượt qua một cuộc nội chiến và một cuộc tấn công khủng bố để trở thành niềm tự hào của Nam Á. Vì vậy, công dân phần lớn không quen với tình cảnh họ đang sống.

Trong tháng này, Sri Lanka đã phải hủy bỏ kỳ thi của hàng triệu học sinh vì nước này không đủ giấy. Bà Achala Samanamali Munusinghe, hiệu trưởng một trường tiểu học, cho biết vào những lúc mất điện, lớp học sẽ thắp nến để không bị gián đoạn việc học.

Một dịch vụ thiết yếu khác bị ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra ở Sri Lanka là hệ thống y tế. Bộ Y tế Sri Lanka cảnh báo tình trạng thiếu thuốc sẽ gây ra "những cái chết thảm khốc" nếu không được giải quyết sớm.

Giới kinh tế cho rằng chính phủ quản lý yếu kém là một phần nguyên nhân gây ra khủng hoảng, nhưng các nhà chính trị vẫn chưa thể thống nhất về cách khắc phục.

Hai vị trí quyền lực nhất của Sri Lanka - tổng thống và thủ tướng - do hai anh em Gotabaya và Mahinda Rajapaksa nắm giữ. Cả hai nhà lãnh đạo đều cho biết họ không chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng.

Tổng thống Gotabaya Rajapaksa (phải) và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa. Ảnh: Reuters

Theo Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, các yếu tố đẩy Sri Lanka vào tình trạng vỡ nợ là do ngành du lịch bị ảnh hưởng trong đại dịch cũng như các khoản nợ từ các đời chính phủ trước. "Các khoản nợ của các chính phủ trước đây phải được hoàn trả kèm theo lãi suất. Những vấn đề này không xảy ra do lỗi của tôi hay của chính phủ", ông nói.

Trong bối cảnh các thành viên nội các từ chức, tổng thống đề nghị thành lập một chính phủ thống nhất với các thành viên đối lập song họ đã bác bỏ đề xuất này và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra, không rõ liệu Sri Lanka có đủ khả năng để đi bỏ phiếu sớm hay không.

Nguy cơ khởi đầu một Mùa xuân Ảrập châu Á? 

Người dân đổ ra đường biểu tình phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters

Cứ 5h chiều hàng ngày, đường phố Colombo lại chật kín các đoàn biểu tình. Kể từ tuần trước, đã có hơn 100 cuộc biểu tình bùng nổ trên toàn quốc. Phần lớn các cuộc biểu tình diễn ra trong hòa bình, song một vài người đã tìm cách đột nhập nhà Thủ tướng. Cảnh sát buộc phải dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka cảnh báo nước này sẽ cần khoảng 3 tỷ USD hỗ trợ từ bên ngoài trong vòng 6 tháng tới để giúp khôi phục các hạng mục thiết yếu. 

Bất chấp sự phản đối của chính phủ để nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào đầu năm nay, các cuộc đàm phán hiện bắt đầu thảo luận về một gói cứu trợ.

Một số nhà phân tích gọi phong trào phản đối diễn ra ở Sri Lanka là "Mùa xuân Ảrập của châu Á", sau khi phong trào cách mạng này ở Trung Đông lật đổ các chính phủ và dẫn đến sự thay đổi mang tính hệ thống. Phần lớn những người xuống đường biểu tình là người trẻ, chiếm 1/4 dân số Sri Lanka.

Theo Báo tin tức