- Nguyên Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng, thẩm phán lương tháng 4-5 triệu nộp tiền học cho con đã hết, gặp đương sự ngồi mân mê nhẫn kim cương đã sáng mắt rồi, sao kìm lòng nổi.
Sáng nay, Ban Nội chính TƯ tổ chức hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
PGS TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao chỉ rõ nguy cơ tiêu cực, tham nhũng ngay trong tiếp nhận đơn khởi khiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.
Miệng nói nhưng viết khác
Theo ông Độ, đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng quan trọng. Việc thẩm phán được giao thụ lý vụ án có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng vòi vĩnh.
PGS TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao |
“Khâu nhận đơn là giai đoạn dễ nảy sinh các tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ tòa án”, ông Độ lưu ý.
Hơn nữa, việc quy định không chặt chẽ tạo ra nhiều khoảng hở cho hành vi tham nhũng. Như việc phân công trách nhiệm không rõ ràng giữa người có trách nhiệm trong tòa án trực tiếp nhận đơn và thẩm phán thụ lý dẫn đến tình trạng thẩm phán lựa chọn vụ án để thụ lý.
“Nhiều trường hợp miệng nói nhưng viết nội dung khác, nhiều trường hợp phải có bôi trơn mới nhanh. Có tình trạng thẩm phán tư vấn cho đương sự cứ nộp đơn khởi kiện đi, đằng sau đó là tớ thụ lý”, nguyên Phó chánh án tòa tối cao nói.
Ông cho rằng, việc phân công thẩm phán hiện nay không khách quan mà theo chủ quan theo phân công của Chánh án. Do đó dẫn đến tình trạng chánh án phân công thẩm phán “dễ bảo, dễ nghe” theo ý mình.
“Đó chính là tham nhũng”, ông Độ nhấn mạnh và so sánh với nhiều nước, thẩm phán phân công bằng bấm nút, bấm phải nút vụ nào thì xử vụ đó.
“Ở ta, thụ lý và xét xử là một, cho nên đương sự chỉ cần theo từ lúc thụ lý là đi đến cuối cùng vụ án, còn ở nước ngoài thụ lý khác với xét xử để không tạo điều kiện cho đương sự bám theo, như thế là độc lập và kiểm soát lẫn nhau”.
Nguyên Phó chánh án tòa tối cao cho rằng, phải đảm bảo độc lập của thẩm phán, độc lập ngay trong nội bộ tòa án với đương sự và người tham gia tố tụng.
“Thẩm phán lương tháng 4-5 triệu nộp tiền học cho con đã hết rồi, gặp đương sự ngồi mân mê nhẫn kim cương đã sáng mắt, sao mà kìm lòng nổi”, ông Độ diễn giải và cho rằng đạo đức thẩm phán phải liêm chính nhưng nhà nước đảm bảo liêm chính mới quan trọng, đảm bảo tính độc lập.
Đến án cũng chạy thì cái gì không chạy được
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thực trạng chạy quyền, chạy tội, chạy án…Đến án cũng chạy thì không có cái gì không chạy được.
Ông cho rằng ở Việt Nam vẫn "chạy" được là do hệ thống tố tụng chưa bít kín những lỗ hổng.
"Nếu kín tôi đố mà chạy”, ông nói.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội |
“Trong đời làm thẩm phán, tôi thấy sung sướng vì chưa từng nhận 1 cú điện thoại hoặc 1 ai đó, kể cả gia đình, bà con thân tín nhờ tôi một vấn đề gì trong hoạt động xét xử”, ông cũng nêu thực tế ở Việt Nam bị tác động để làm thay đổi bản án.
Ông cho rằng, từ quy tắc đạo đức đến quy định pháp luật phải ngăn cấm tuyệt đối mối quan hệ giữa luật sư với hội đồng xét sử, trong đó có thẩm phán và kiểm sát viên.
Nếu khắc phục được việc này cũng là bịt kín được lỗ hổng phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
Lỗ hổng làm thay đổi bản án
GS Trần Ngọc Đường cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa các cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm chưa độc lập tạo, dễ móc ngoặc với nhau làm thay đổi bản án.
Để giảm bớt tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp, phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc chế ước lẫn nhau giữa cơ quan điều tra, truy tố, xét xử.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng hoạt động tư pháp vẫn là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân so với các ngành khác như hành chính nhà nước.
Ông kiến nghị cần đẩy mạnh minh bạch hoá hoạt động tư pháp, chống bóp méo cạnh tranh bằng những thủ thuật tố tụng hơn là phán quyết về nội dung.
“Về cơ bản, nền tư pháp hiện nay là xét xử tập thể, hội thẩm nhân dân ngang quyền thẩm phán. Điều này bất công, khó tiếp cận công lý”, ông nhấn mạnh.
Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng Đặng Bá Cường cũng nhìn nhận, tư pháp là lĩnh vực khó phòng ngừa tham nhũng nhất vì hoạt động này khép kín.
“Nếu không ngăn chặn được tham nhũng trong tư pháp thì không thể ngăn tham nhũng trong các lĩnh vực khác”, ông Cường lưu ý.
Theo ông Cường, tình trạng tham nhũng trong hoạt động tư pháp không chỉ ảnh hưởng niềm tin của nhân dân với công lý, với chế độ chính trị mà còn dẫn đến mối quan hệ cộng sinh của cán bộ tư pháp với giới tội phạm.
'Tham nhũng nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật'
ĐB tỉnh Bến Tre băn khoăn khi Nhà nước có đầy đủ cơ chế, cán bộ, chỉ đạo mạnh mẽ nhưng tham nhũng vẫn nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật.
Bí thư Xuân Anh: Chỉ phát hiện tham nhũng vài trăm triệu
Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh cho hay, đến nay, Đà Nẵng mới chỉ phát hiện tham nhũng vài ba trăm triệu, chưa có vụ án lớn.
Loại kẻ tham nhũng khỏi bộ máy lãnh đạo
Cử tri mong những người được bầu giữ các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền có đủ đức, đủ tài.
Người nhổ tận gốc điểm đen tham nhũng ở TQ
Vương Kỳ Sơn phụ trách UB Thanh tra Kỷ luật TƯ TQ (CCDI) từng thề sẽ triệt tận gốc những vi phạm trong chính CCDI.
Thu Hằng