Thói quen nguy hiểm

Xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, trẻ em không có kiến thức về giới, không có kỹ năng phát hiện, bảo vệ bản thân trước các dấu hiệu bị xâm hại. 

Câu chuyện của bé gái L.H.A. (12 tuổi, Nghệ An) là một ví dụ. Khi A. lên 3 tuổi, bố em thường rủ bạn tên Q. (37 tuổi) về nhà ăn nhậu vào mỗi cuối ngày. Trong lúc bố mẹ A. chuẩn bị rượu thịt, Q. chơi đùa với bé gái.

Khi đã thân quen, bé A. thường ngồi lên đùi Q. trong lúc người này uống rượu. Q. cũng thường thơm lên má của bé gái. Bố mẹ A. cho rằng, đây là hành động bình thường nên không can ngăn.

Lên lớp 7, A. vẫn ngồi gần Q. khi người này đến nhà chơi. Lúc bố bé A. ra ngoài mua thêm rượu, Q. dụ dỗ bé đến ngồi vào lòng mình.

Khi A. nghe lời, Q. có hành vi đụng chạm vào cơ thể của bé gái. Tuy nhiên, bé gái vẫn chưa nhận ra mình bị bạn nhậu của bố xâm hại.

xam-hai.JPG
Nhiều bậc phụ huynh ngỡ ngàng khi phát hiện, không ít vụ xâm hại trẻ em đến từ những người quen biết.

Một lần, bé gái tham dự buổi chia sẻ kiến thức nhận diện, phòng chống xâm hại trẻ em của Thạc sĩ Công tác xã hội Trần Minh Hải, người có hơn 10 năm làm công tác bảo vệ trẻ em và 30 năm hoạt động xã hội.

Sau buổi học, bé gái nhận biết Q. có hành vi xâm hại mình. Bé lập tức liên lạc, nhờ Ths Hải hỗ trợ, tìm cách giải quyết vấn đề.

Ths Hải kể: “Tôi hướng dẫn bé kể sự việc cho mẹ. Sau đó, mẹ bé âm thầm quan sát, thu thập bằng chứng. Sau đó, chị phát hiện và thông báo với chồng về việc bạn nhậu có hành vi xâm hại con gái của mình.

Sự việc khiến bố bé A. hối hận, đau lòng. Sau đó, ông quan tâm đến con gái hơn. Ông cũng cắt đứt mối quan hệ với bạn nhậu tên Q. và không bao giờ uống rượu hay tổ chức nhậu ở nhà nữa".

Từ câu chuyện trên, Ths Hải cho rằng, việc nâng cao nhận thức phòng, chống xâm hại tình dục cho trẻ em rất quan trọng. Anh liên tục thực hiện các buổi nói chuyện, chia sẻ kiến thức về chủ đề trên cho các em nhỏ ở nhiều địa phương trên cả nước.

Thông qua các buổi trò chuyện này, anh mong muốn trẻ sẽ biết đâu là hành vi mang tính xâm hại. Từ đó, trẻ biết cách bảo vệ bản thân, bạn bè của mình.

Anh cũng cung cấp cho các em khái niệm về hành vi được luật pháp hiện nay quy định là xâm hại, bạo hành… Hai hoạt động này giúp các em hiểu biết về thực trạng xâm hại, bạo hành trẻ em ở nước ta.

Công thức KBC

Bước tiếp theo, Ths Hải chia sẻ cho trẻ những hoàn cảnh, nguy cơ có thể dẫn đến việc bản thân bị bạo hành, xâm hại. Sau bước này, anh hướng dẫn các kỹ năng để các em có thể tự bảo vệ mình.

Cuối cùng, anh hướng dẫn các em cách xử lý khi đã xảy ra sự việc bị xâm hại, bạo hành hoặc chứng kiến bạn bè bị xâm hại, bạo hành.

Ths Hải chia sẻ: “Tôi thường nói với các em rằng, dù tình trạng bạo hành, xâm hại xảy ra với bất kỳ ai, các em cũng không được im lặng mà phải lên tiếng, báo cáo với người mình tin cậy.

Tôi cũng hướng dẫn các em cách báo cáo sao cho đúng. Cuối cùng, tôi giới thiệu cho các em số điện thoại tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để các em ghi nhớ và trình báo khi gặp tình huống bị bạo hành, xâm hại”.

Cũng theo Ths Hải, trẻ em ngày nay hiểu biết, quan tâm đến vấn đề giới tính, tình dục nhiều và khá sớm. Vì quan tâm sớm, các em cũng thực hành sớm hơn. Do đó, việc giáo dục giới tính cho trẻ ở độ tuổi dậy thì cũng đặc biệt quan trọng.

Tuy nhiên, vấn đề này thường được xem là "nhạy cảm" và rất khó để trẻ tìm thấy tiếng nói chung với người lớn. Bởi bố mẹ, thầy cô không hoặc chưa biết cách chia sẻ với trẻ để giúp các em tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại tình dục.

tre-em-2.jpg
Ths. Công tác xã hội Trần Minh Hải thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ kiến thức nhận diện, phòng chống xâm hại trẻ em cho học sinh.

Việc này trở thành rào cản khiến trẻ ngại tâm sự chuyện thầm kín của bản thân. Trong khi đó, vì không hoặc chưa biết cách chia sẻ vấn đề giới tính, tình dục với con, các bậc phụ huynh thường có tư tưởng cấm các em yêu, quan hệ tình dục.

Anh nói: “Việc cấm đoán này không khả thi. Thay vì cấm đoán, chúng ta phải giảng giải cho các em hiểu. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải suy nghĩ đến việc an toàn là trên hết chứ không phải là cấm đoán.

Mỗi khi có dịp tiếp xúc, trò chuyện với các em, tôi đều muốn các em hiểu, áp dụng công thức KBC trong việc bảo vệ bản thân. Đây là công thức sẽ giúp các em hiểu về vấn đề giới tính và biết cách bảo vệ mình.

K có nghĩa là không. Tôi muốn các em hiểu rằng, dưới tuổi 16, các em không nên quan hệ tình dục vì còn quá sớm, sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho bản thân, gia đình, xã hội.

B có nghĩa là biện pháp an toàn. Chúng ta phải xác định rằng không thể có tỉ lệ 100% các em tuân thủ theo bước K. Bởi, trong một số hoàn cảnh, trường hợp nào đó vẫn sẽ có trẻ "vượt rào", bỏ qua bước này.

Lúc này, các em cần nhớ đến bước B là biện pháp an toàn. Ở bước này, tôi muốn các em hiểu rằng nếu buộc phải quan hệ, các em cần phải biết sử dụng các biện pháp an toàn cho mình và bạn tình.

Cuối cùng là C, nghĩa là chung thủy. Khi đã lỡ quan hệ tình dục, trẻ cần được giáo dục và hiểu là phải chung thủy, chỉ quan hệ với một người.

Bởi ở độ tuổi học sinh, nhiều em có suy nghĩ càng quen được nhiều bạn trai, bạn gái, bản thân càng đẳng cấp, càng đáng tự hào. Điều này khiến các em có xu hướng không dừng lại với một bạn tình.

Do đó, chúng ta cần phải từng bước tiếp cận và giải thích cho trẻ hiểu làm thế nào là đúng, phù hợp với các em trong giai đoạn hiện tại. Chúng ta cho trẻ một tấm lưới bảo vệ theo từng cấp độ khác nhau chứ không thể cứng nhắc, chỉ nói không và áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ”.

Trước thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, Ths Trần Minh Hải và cộng sự đã thực hiện nhiều dự án chăm sóc trẻ em. Mục đích của các dự án này là trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em, thanh thiếu niên, nhóm có nguy cơ cao.

Suốt hơn 10 năm qua, các hoạt động vì trẻ em của anh và đồng nghiệp đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng xâm hại tình dục, bạo hành ở trẻ em.