Chiếm phần rất nhỏ tại thị trường nội

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP), dù có dấu hiệu chững lại ở nhiều thị trường lớn trong những tháng cuối năm, nhưng xuất khẩu cá tra tính đến giữa tháng 11/2022 vẫn thu về 2,23 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, con cá tra giúp nước ta thu về 2,4 tỷ USD trong năm nay. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử của ngành hàng này.

Sau 25 năm tham gia thị trường xuất khẩu, cá tra Việt Nam tung hoành khắp “chợ toàn cầu”. Con cá này của Việt Nam cũng chiếm ngôi số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu, đem về nguồn ngoại tệ lớn mỗi năm.

Song tại thị trường nội địa, hình ảnh con cá tra còn mờ nhạt với người tiêu dùng Việt, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc nước ta.

Xuất khẩu cá tra phá đỉnh lịch sử, dự kiến thu về 2,4 tỷ USD năm 2022 (Ảnh: Minh Dũng)

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho biết, mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân khoảng 35 kg/người/năm. Giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa lên đến hơn 22.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, giá trị cá tra lại chiếm một phần không đáng kể, ước tính chỉ vài trăm tỷ đồng trong "chiếc bánh" này.

Theo ông, sản phẩm cá tra đã xuất khẩu đến gần 140 quốc gia, vùng lãnh thổ với chất lượng được cả thế giới chấp nhận, nhưng tỷ lệ tiêu thụ nội địa rất nhỏ là điều bất hợp lý đối với ngành hàng này.

Mới đây, tại hội thảo thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị cá tra, TS. Huỳnh Văn Hiền (Trường Đại học Cần Thơ), dẫn kết quả khảo sát cho thấy, lượng cá tra tươi, đông lạnh và chế biến tiêu thụ tại thị trường nội địa chỉ chiếm hơn 6% trong tổng sản lượng cá tra thu hoạch của cả nước hiện nay.

Theo VASEP, ở thị trường miền Bắc, người tiêu dùng không thích sản phẩm cấp đông, trong khi để đưa con cá tra đi xa thì các kênh phân phối phải cấp đông. Ở khu vực ĐBSCL, người dân dễ dàng tiếp cận với nhiều loại thuỷ sản nên sức tiêu thụ cá tra còn ít.

Ngoài ra, việc chế biến các sản phẩm ăn liền cũng gặp khó khăn bởi khẩu vị từng vùng miền khác nhau.

Tiếp cận bếp ăn tập thể, tạo "điểm nhớ" với người tiêu dùng

Trong kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2023, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh đặc biệt quan tâm tới thị trường nội địa. Trong đó, tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm này tới người tiêu dùng nước; chú trọng đến bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, trường học, góp phần giảm áp lực cho xuất khẩu và cung cấp bữa ăn đảm bảo an toàn thực phẩm với chi phí hợp lý.

Tiêu thụ cá tra tại thị trường nội địa lại rất khiêm tốn (Ảnh: Minh Dũng)

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm theo hướng sản xuất sản phẩm tiện lợi cho tiêu dùng, trọng lượng phù hợp với bữa ăn gia đình và theo từng phân khúc thị trường.

Dưới góc độ là nhà bán lẻ, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc vận hành hệ thống siêu thị WinMart, nhận định, thị trường tiêu dùng nội địa có tiềm năng rất lớn. Theo đó, lượng cá tra tiêu thụ tại hệ thống siêu thị này thị tăng mạnh qua mỗi năm.

Cụ thể, năm 2020 sản lượng cá tra tiêu thụ trên kênh bán lẻ Winmart là 250 tấn, năm 2021 là trên 300 tấn và năm nay dự kiến khoảng trên 400 tấn. 

Với mục tiêu chiếm 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng mà ngành cá tra đặt ra, ông cho rằng, việc hoạch định chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ trong nước cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong đó, xác định cách tiếp cận cũng như chế biến các sản phẩm cá tra phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt.

Ông cũng nhấn mạnh, nhà sản xuất và chuỗi bán lẻ phải thường xuyên tổ chức các sự kiện về cá tra tại điểm bán nhằm thu hút và tạo ấn tượng tới người tiêu dùng, hình thành “điểm nhớ” trong thói quen mua sắm cũng như thay đổi cấu trúc dinh dưỡng theo hướng tốt hơn mỗi ngày của các bếp ăn gia đình Việt.