Một trong những giải pháp quan trọng nhất được lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đưa ra để khắc phục hạn chế tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu là tập trung triển khai và tận dụng hiệu quả nguồn lực to lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Hai huyện nghèo chiếm 1/3 số hộ nghèo toàn tỉnh
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bắc Kạn, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh còn 21,95% (giảm được 2.214 hộ nghèo, tương đương giảm 2,76% so với năm 2022).
Kết quả phân tích diễn biến tăng, giảm số hộ nghèo đa chiều hằng năm của các huyện nghèo tại Bắc Kạn cho thấy đối với huyện Ngân Sơn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đầu kỳ là 51,21%, năm 2022 giảm được 3,68%, năm 2023 giảm được 3,61% và hiện nay còn 43,92% (3.299 hộ). Trong khi đó, huyện Pác Nặm tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ 55,66%, năm 2022 giảm được 3,24%, năm 2023 giảm được 3,16%, hiện nay còn 49,26% (3.771 hộ).
Như vậy, tổng số hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tai huyện nghèo Pác Nặm và Ngân Sơn chiếm khoảng 1/3 số hộ nghèo toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện nghèo này chỉ giảm 3,38% so với năm 2022, chưa đạt so với mục tiêu đặt ra là giảm 4-5%.
Trong khi tỷ lệ hộ nghèo giảm chậm, tỷ lệ hộ cận nghèo lại tăng thêm 0,77% so với năm trước đó, hiện ở mức 13,49%. Theo đánh giá khảo sát của tỉnh, hộ cận nghèo, tái nghèo tại hai huyện này còn có chiều hướng gia tăng.
Tại huyện Pác Nặm, đến hết năm 2023, huyện giảm 3,16% hộ nghèo so với năm trước, mặc dù chưa đạt kế hoạch song kết quả này được đánh giá là nỗ lực lớn. Tại địa phương này, hộ nghèo chủ yếu phân bố tập trung ở thôn bản vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; số hộ nghèo mới phát sinh hằng năm lớn; chất lượng cuộc sống nhóm hộ thoát nghèo ở mức thấp, chưa bền vững nên khả năng tái nghèo cao…
Theo đánh giá của các cơ quan liên quan tại Bắc Kạn, nguyên nhân khiến kết quả giảm nghèo thời gian qua của Ngân Sơn và Pác Nặm vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra là do số hộ cận nghèo thiếu hụt một trong các chỉ số đo lường về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, vệ sinh, tiếp cận thông tin... dẫn đến trở thành hộ nghèo.
Tuy nhiên, nguyên nhân khác cũng được nhìn nhận là do trong năm qua, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều vướng mắc, các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ nên khó khăn trong giải ngân các nguồn vốn để hỗ trợ cho người dân. Cùng đó, đội ngũ cán bộ thực hiện chương trình chưa thực sự chủ động, năng lực còn khiêm tốn nên chính sách, nguồn lực tuy nhiều nhưng khó đến được với nhân dân.
Ứng phó với tình trạng giải ngân nguồn vốn tiếp tục chậm
Để khắc phục hạn chế tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu, tháng 4, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch số 293, trong đó đề ra 6 giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là tập trung triển khai và tận dụng hiệu quả nguồn lực to lớn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện nghèo ở Bắc Kạn năm 2024 được đánh giá là chậm.
Đơn cử tại huyện Pác Nặm, năm 2024, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện là trên 146 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn vốn từ 2 năm trước chuyển sang). Trong đó, vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 36 tỷ đồng. Huyện này phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo thêm tối thiểu 4% trong năm 2024.
Tính đến giữa tháng 7, trong tổng số 16 đơn vị, địa phương được giao vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 của huyện, có đến 4 đơn vị tỷ lệ giải ngân 0%, 3 đơn vị giải ngân đạt từ 3-10%, 5 đơn vị giải ngân đạt từ 13-20%, 4 đơn vị tỷ lệ giải ngân 26-30%.
Lãnh đạo huyện Pác Nặm cho hay việc tổ chức thực hiện và giải ngân vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 của huyện còn chậm và đạt thấp, trong đó vốn đầu tư giải ngân đạt tỷ lệ 36,7%; vốn sự nghiệp giải ngân đạt tỉ lệ 11,4%.
Để bảo đảm việc triển khai thực hiện, phát huy tính hiệu quả, kịp thời của các nguồn vốn đến đời sống của người dân, trong cuộc họp mới đây, UBND huyện Pác Nặm yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán trước tháng 8 đối với các dự án, tiểu dự án đã tổ chức triển khai thực hiện, đã được phê duyệt trong 6 tháng đầu năm 2024.
Các dự án, tiểu dự án đang trong quá trình thực hiện trình tự, thủ tục, các đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các bước để tổ chức triển khai thực hiện xong trước tháng 9/2024 và bảo đảm giải ngân đạt 100% trong năm 2024.
Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương được giao vốn cần quyết liệt, tích cực, chủ động hơn nữa trong tổ chức triển khai thực hiện; Thường xuyên họp để rà soát, nắm tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện; Chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để tham mưu tháo gỡ hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ…
Tại phiên họp thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững năm 2024 do Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 11/9, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh đánh giá thực tiễn triển khai thực hiện thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của Chương trình.
Trong đó có việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2024 đến hết tháng 6/2024 đạt thấp (23,62%), đặc biệt là vốn sự nghiệp (18,65%). Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 111/2024/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình MTQG nhưng kết quả giải ngân chưa có nhiều tiến triển so với năm 2023.