Câu chuyện “Thánh Gióng đi vào rừng” tưởng như đã được cơ quan chức năng - ở đây là Bộ GDĐT và NXB Giáo dục Việt Nam – khép lại với một công văn trả lời chi tiết.
Theo công văn trả lời báo chí của NXB Giáo dục Việt Nam và GS Nguyễn Minh Thuyết thì “Mục tiêu của bài tập là rèn luyện cho HS kỹ năng liên kết các câu trong đoạn, qua đó học hỏi cách sử dụng từ ngữ linh hoạt của nhà văn”.
“Đoạn văn của Nguyễn Đình Thi có thể gợi cho học sinh những suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ câu chuyện dân gian các em vẫn nghe, từ đó kích thích trí tưởng tượng và tiềm năng sáng tạo của các em - một trong những nội dung nằm trong mục tiêu giáo dục của môn Ngữ văn, kể từ cấp Tiểu học” – lý giải trong công văn.
Đây là lời giải thích thuyết phục cho tính đúng sai của đoạn trích. Tuy nhiên, vẫn là không thỏa đáng cho câu hỏi: Có nhất thiết phải dùng một văn bản như thế không?
“Cái giá” của sự lẫn lộn mục tiêu?
Không bàn về tính chính xác của đoạn trích, mà trong sự việc này, ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học nói nhiều về sự phù hợp của văn bản khi sử dụng trong SGK.
PGS.TS Phương Chi cho rằng: Muốn đưa bất cứ chi tiết nào có liên quan đến lịch sử nên dựa trên sử sách đã ghi chép về việc này, đặc biệt trong các tác phẩm dành cho trẻ nhỏ.
GS.TS Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội nêu quan điểm không nên đưa đoạn trích của Nguyễn Đình Thi vào trong bài học đối với học sinh lớp 5 bởi các lý do: “Văn học và lịch sử là hai lĩnh vực có mối liên hệ mật thiết, một tác phẩm có thể vừa là văn học vừa phản ánh lịch sử”.
“Dẫu biết Thánh Gióng cũng là chuyện hư cấu nhưng trong tiềm thức lâu nay của người dân, sau khi dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa bay về trời là một hình ảnh đẹp.
Trẻ đang còn nhỏ tuổi, khó phân biệt đúng sai. Văn học, lịch sử nhiều khi còn mang tính định hướng cho các cháu. Nếu đưa đoạn trích của Nguyễn Đình Thi vào tôi e các cháu sẽ không biết tin ai. Khi đó, mục đích rèn luyện kỹ năng hay kích thích tưởng tượng của trẻ sẽ bị lu mờ trước những nghi ngờ của trẻ đối với câu chuyện”.
Giải quyết những chi tiết kiểu này thực sự không khó, bằng cách, theo ông Bình, là nên chọn một chi tiết khác. “Văn học không thiếu những bài hay lại phản ánh đúng lịch sử hơn chi tiết Thánh Gióng này”.
Câu chuyện về sự phù hợp
Sự việc “Thánh Gióng không bay lên trời” lần này xảy ra không lâu sau khi xảy ra tranh cãi về một vấn đề tương tự: Cách đưa trích dẫn văn học vào SGK đối với bài thơ “Thương ông” của Tú Mỡ.
Tháng 11/2014, bài thơ “Thương ông” trích thơ của Tú Mỡ ở sách Tiếng Việt lớp 2 được các phụ huynh chỉ ra là có sự “cắt ghép” một cách bất thường, khác với bài thơ được nhiều thế hệ học sinh thuộc nằm lòng. Mặc dù có được bổ sung thêm phần nội dung so với trước đây, nhưng bài thơ đã mất đi vần điệu nhịp nhàng, cũng như giảm mất sự biểu cảm như trước.
Giải thích của chủ biên cuốn sách khi đó không nhận được nhiều đồng tình. Bởi, nếu văn bản cũ được yêu mến mà có nhiều vấn đề như thế, thì thà rằng thay hẳn bằng một văn bản khác, chắc chắn là không khó tìm, thay vì “phá” bằng cách cắt ghép, giản lược kiểu như thế.
Ngoài ra, bấy lâu nay, phụ huynh cũng đã kiên nhẫn “nhặt” được khá nhiều “sạn” trong các cuốn SGK. Ví dụ như SGK Tiếng Việt lớp 2 tập 2 (NXB Giáo dục) có bài thơ "Cháu nhớ Bác Hồ" đã bị trích lược mà không có dấu (...) để phân biệt được đoạn cắt.
Ẩu hơn, trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu ở trang 131 còn bị sai chính tả. Cụ thể, câu thơ: “Lúa trổ đòng đòng” được viết dấu ngã (~) thay vì sử dụng đúng phải là dấu hỏi (?). Đáng nói là, trước bài thơ “Lượm”, học sinh đang được học về dấu hỏi, ngã.
Trong SGK Tiếng Việt 1, tập 1, nhiều bài đọc danh từ riêng không viết hoa như: “bé hà có vở ô li”, “dì na đi đò, bé và mẹ đi bộ”, “chị kha kẻ vở cho bé hà và bé lê”…
Việc lựa chọn ngữ liệu không chỉ là vấn đề đối với môn Tiếng Việt, mà với cả môn Toán ở tiểu học, với không ít bài toán khiến phụ huynh thất điên bát đảo trong thời gian qua. Ví dụ như bài toán “đầu cừu đuôi thuyền trưởng”, bài toán tính gà, bài toán dạng như “Năm nay con 7 tuổi, tuổi mẹ gấp 3 lần tuổi con, hỏi mẹ bao nhiêu tuổi?”…
Cho dù có được giải thích cách nào thì đa số cũng cho rằng những bài toán dạng đó không thật phù hợp với lứa tuổi, bậc học đó. Hay lý giải của những người làm sách về nguyên nhân tại sao không viết hoa cũng không thể làm phụ huynh yên lòng.
Tại sao không tìm ví dụ khác, đơn giản, dễ hiểu hơn, đặc biệt đối với bậc tiểu học, để các em không nhầm lẫn, lúng túng, hay mất phương hướng trong việc xác định đúng – sai?
Thực ra, NXB Giáo dục Việt Nam đã có những lần phải sửa sai khi bị phát hiện đưa những dữ liệu không phù hợp vào sách. Vụ việc mới nhất được công khai gần đây liên quan đến cuốn sách lịch sử "Trưng nữ vương khởi nghĩa Mê Linh". Trong cuốn sách được đưa lên mạng xã hội, bên cạnh hình vẽ quân lính của Mã Viện không mặc quần, còn có những câu văn như “Mã Viện liền hạ lệnh bắt quân sĩ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay mặt đi, nhuệ khí vì thế suy giảm rất nhiều...”.
"Sau khi phát hành (năm 2009), nhận thấy có một vài chi tiết chưa thực sự chính xác, hình ảnh chưa phù hợp với đối tượng độc giả nhỏ tuổi nên chúng tôi đã ngừng xuất bản cuốn sách và tổ chức kiểm điểm các biên tập viên liên quan” - công văn của NXB Giáo dục Việt Nam trả lời báo chí cho biết.
Chương trình và SGK mới đang được triển khai xây dựng và biên soạn. Chủ trương nhiều bộ SGK được đưa ra với hy vọng người dạy và học có cơ hội lựa chọn những bộ sách hay và phù hợp nhất. Tuy nhiên, nếu những người làm SGK không kỹ lưỡng, chỉn chu, thì đây cũng sẽ là "mảnh đất màu mỡ" cho những thắc mắc, tranh cãi của phụ huynh về việc “Con mình đang phải học cái gì kỳ lạ thế?”.
Ngân Anh – Văn Chung