Thanh Hóa lên kế hoạch kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Việc kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm thiểu yêu cầu giấy tờ cá nhân khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (Ảnh minh họa: thanhhoa.gov.vn)

Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư là là một trong những CSDL quan trọng, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Trong tuần này, Bộ Công an dự kiến chính thức khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống CSDL quốc gia về dân cư cùng với hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. 

Hệ thống CSDL quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP và Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của các CSDL chuyên ngành.

Để có căn cứ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch sẵn sàng kết nối, khai thác, sử dụng hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư tại Thanh Hóa.

Kế hoạch nhằm đảm bảo sẵn sàng điều kiện kết nối các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư để tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả CSDL quốc gia này, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính quyền điện tử và các dịch vụ thành phố thông minh trên địa bàn.

Tại kế hoạch mới ban hành, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị như Công an tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh; các Sở: TT&TT, Nội vụ, Tài chính, KH&ĐT và các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các UBND huyện, thị xã, thành phố.

Cụ thể, Sở TT&TT Thanh Hóa là cơ quan được giao chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện của các đơn vị, báo cáo UBND tỉnh, Bộ TT&TT theo quy định.

Căn cứ nhiệm vụ quản lý các hệ thống thông tin được giao, Sở TT&TT Thanh Hóa được yêu cầu phải khẩn trương rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh để đảm bảo sẵn sàng kết nối, khai thác hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh được dễ dàng, thuận tiện, hiệu quả. Thời hạn phải hoàn thành nhiệm vụ này là trước ngày 30/5/2021.

Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp hệ thống Một cửa điện tử cấp tỉnh và các hệ thống thông tin khác được giao quản lý đảm bảo sẵn sàng kết nối, khai thác hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện; hoàn thành trước ngày 30/5/2021.

Cũng trong thời gian từ nay đến trước ngày 30/5/2021, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ rà soát, chuẩn hóa, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý đảm bảo sẵn sàng kết nối với CSDL quốc gia về dân cư phục vụ xây dựng chính quyền điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh.

Đồng thời, rà soát thủ tục hành chính để kịp thời phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc hủy bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp nhằm cắt giảm về thời gian, tài chính, đơn giản hóa về thành phần giấy tờ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giấy tờ công dân. 

Theo Sở TT&TT tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, tỉnh đã đầu tư nâng cấp các Trung tâm Dữ liệu của tỉnh đặt tại Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT đáp ứng nhu cầu khai thác, vận hành và đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh

Trục tích hợp, chia sẻ dữ liệu nội tỉnh (LGSP) cũng đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được triển khai đến 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đã được triển khai tại 320 điểm cầu, đang tiếp tục triển khai đến cấp cấp xã.

Cùng với đó, hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai, đưa vào sử dụng tại 100% các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã và đang cung cấp 802 dịch vụ công trực tuyến (gồm 174 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 628 dịch vụ công trực tuyến mức 4) kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.

M.T