Hàng trăn nghìn người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập
Chiều ngày 10/12, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vũ Thị Hương cho biết trong năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không đạt như kỳ vọng.
Theo bà Hương, mặc dù tình hình việc làm, quan hệ lao động chưa nảy sinh vấn đề phức tạp nhưng đã tác động đến đời sống của nhiều người lao động.
Toàn tỉnh hiện có trên 340.000 người lao động đang làm việc tại 16.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Lũy kế từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp, 60.000 hộ kinh doanh phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của khoảng 194.000 người lao động.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Báo Thanh Hóa |
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng khẳng định đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó nhiều người lao động bị giãn việc, mất việc làm.
Theo số liệu ông Hưng thông tin, toàn tỉnh có trên 330.000 lao động làm việc ngoại tỉnh. Từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đời sống của hàng chục triệu lao động đã bị ảnh hưởng, dẫn đến một làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm về quê.
34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm
Theo thống kê của tỉnh, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 205.000 người Thanh Hóa trở về từ vùng dịch, với gần 161.000 người trong độ tuổi lao động.
Trong số đó, có 42.566 lao động có nhu cầu giải quyết việc làm, đào tạo nghề với tổng số vốn đề nghị vay là trên 169 tỉ đồng.
Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã sớm có chỉ đạo và nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương, trong đó có Phương án số 198/PA-UBND ngày 2/9/2021 của UBND tỉnh về đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa |
Bà Vũ Thị Hương cho biết căn cứ Phương án 198, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động trở về từ vùng dịch tìm việc làm.
Theo đó, thực hiện các Nghị quyết số 68, 116, 126 của Chính phủ và các Quyết định số 23, 28, 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu ban hành đầy đủ các kế hoạch, quyết định, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo; tham mưu đề xuất đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ, tạo thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận, thụ hưởng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ tại cơ sở; tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế tại 20/27 huyện, thị xã, thành phố; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cơ sở để kịp thời tham mưu, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội , UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ.
Đến nay, đã có trên 13.200 lượt người sử dụng lao động, hộ kinh doanh và trên 527.000 lượt người lao động được phê duyệt hỗ trợ, với tổng kinh phí là gần 612 tỉ đồng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức 8 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 lao động trở về từ vùng dịch tại một số huyện miền núi; tổ chức tư vấn việc làm trực tuyến cho trên 6.000 lượt lao động; phối hợp với các tỉnh, thành khu vực phía Bắc tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối trên 1.500 lao động với các doanh nghiệp có nhu cần tuyển dụng…
Đến nay, đã có 34.230 lao động trở về từ vùng dịch được tạo việc làm; 1.080 lao động được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; trên 24.500 lao động trở lại làm việc ở tỉnh ngoài; hỗ trợ 346 dự án vay vốn giải quyết việc làm.
Người lao động cần trang bị kỹ năng để có việc làm ổn định
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Đây là một trong những nội dung trong Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung vào 7 vấn đề gồm: Hỗ trợ tiền mặt cho một số nhóm đối tượng người lao động để góp phần kích cầu tiêu dùng; Hỗ trợ tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; Nâng cao hiệu quả dịch vụ công về việc làm; Hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp; Đầu tư phát triển các cơ sở trợ giúp xã hội; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; Phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, lao động nghèo và lao động nhập cư.
Bà Hương cho biết sau khi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành chương trình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thanh Hóa sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, ông Đỗ Trọng Hưng cho biết HĐND tỉnh yêu cầu các ban, sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất là tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ, nhất là bố trí nguồn vốn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện để kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh, bảo đảm chính sách hỗ trợ được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch.
Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng và tăng độ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, lao động đi làm việc ở nước ngoài, lao động trở về từ vùng dịch…
Thứ ba là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, miền núi, thực hiện tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương cũng như người lao động trở về địa phương sau khi hoàn thành xong việc cách ly.
Thứ tư là đào tạo, trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động Thanh Hóa trên thị trường. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ, hiện đại, đào tạo lao động phù hợp với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Hưng, để có thể tìm kiếm được việc làm ổn định, người lao động cần phải trang bị cho mình các kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, tuân thủ kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm lao động. Từng bước nâng cao năng lực ứng dụng tin học, phấn đấu có biết ngoại ngữ để tự tạo việc làm cho mình trên cơ sở sự giúp đỡ của Nhà nước.
Phương Mai
Cần Thơ quyết liệt chi các gói hỗ trợ cho người lao động dịp cuối năm
Để giúp người lao động và người sử dụng lao động; lao động tự do, người nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, TP Cần Thơ đã và đang khẩn trương thực hiện chi hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn.