- “Có thể ngày mai mình không còn tiền nhưng hôm nay mình đã kỳ vọng vào những dự án mình muốn làm thì tôi không tiếc tiền” – Thành Lê chia sẻ.
Hứng thú là không đủ...
Lần đầu tiên nhận lời mời tham gia hòa nhạc “Điều còn mãi” và có sự kết hợp với Lê Anh Dũng để làm mới tác phẩm “Tình ca Tây Bắc”, cảm xúc của chị thế nào?
- Tôi rất phấn chấn khi lần đầu tiên được mời tham gia chương trình này. Nói thế để thấy bản thân tôi rất trân quý cơ hội như thế này. Vì ý nghĩa và đẳng cấp của chương trình, sau khi nhận lời tôi lập tức suy nghĩ xem làm sao để mình hát hay nhất. Bên cạnh màn kết hợp với Lê Anh Dũng, một người bạn diễn của tôi trong 16 năm nay kể từ khi chúng tôi bước chân vào Học viên âm nhạc Quốc gia, tôi còn hát Bài “Tình ca Tây Bắc”. Tác phẩm này đẹp từ ca từ cho đến giai điệu, trách nhiệm của người nghệ sỹ là hát cho thật cảm xúc và tốt nhất trong khả năng của mình.
Các nghệ sĩ trong dòng nhạc chính thống luôn mong có được cơ hội được hát trong “Điều còn mãi” |
Là một giọng ca được đào tạo hát thính phòng cổ điển, những từ khi ra nghề chị theo đuổi dòng nhạc dân gian và trừ tình. Khi được mời hát trong một hòa nhạc như “Điều còn mãi”, chị có thấy áp lực gì không?
- Áp lực thì không, vì dù theo đuổi dòng dân gian nhưng tôi có nhiều cơ hội hát với dàn nhạc. Khi hát với dàn nhạc, đòi hỏi người nghệ sĩ rất nhiều yếu tố về về bản lĩnh và giọng hát khi không có gì hỗ trợ mình trên sân khấu cả. Tôi là một người được đào tạo hát thính phòng nhưng cũng rất may mắn các ca khúc tôi thể hiện trong chương trình này như “Tình ca Tây Bắc” và “Quảng Bình quê ta ơi!” đều là những giai điệu đẹp, nhẹ nhàng, không thiên về kỹ thuật thanh nhạc kinh điển.
Bạn cũng biết, thế mạnh giọng hát của tôi là trữ tình, nhẹ nhàng, bay bổng vì thế áp lực nếu có chính là hát cùng nhưng ca sĩ có bề dày hoặc có giọng hoành tráng. Nhưng tôi tin, những người nghệ sĩ chuyên nghiệp, khi lên sân khấu họ sẽ khẳng định dấu ấn cá nhân và cùng hòa quyện, nâng đỡ nhau nhau nhờ văn hóa hát song ca.
“Điều còn mãi” là chương trình hòa nhạc duy nhất “made in Vietnam” từ nghệ sĩ đến tác phẩm được chơi, chị có thấy hứng thú với sự độc đáo này không?
- Chỉ hứng thú e là không đủ (cười). Tôi thấy rất hãnh diện, trong thời khắc của Ngày Quốc khánh mà được hát trong một chương trình mang đúng tinh thần như “Điều còn mãi”. Tôi nghĩ sự tự hào này không phải chỉ riêng tôi đâu mà tất cả các nghệ sĩ trong dòng nhạc chính thống cũng mong có được cơ hội được hát trong “Điều còn mãi” vì thực ra Việt Nam vốn dĩ đã ít những chương trình hòa nhạc như thế này.
Thiếu tiền thì đi vay để đầu tư cho âm nhạc
Kể từ khi đoạt giải Sao Mai 2007, năm nào chị cũng ra album, động lực nào giúp chị làm album nhiều vậy?
- Có lẽ nó đến từ tính cách con người tôi. Tôi là người thích lao động, luôn tự tay làm từ những việc rất nhỏ bởi sự cầu toàn và tỉ mỉ. Dù sống một mình, nhưng tôi duy trì thói quen này đến giờ đã là 16 năm từ ngày bước chân ra Hà Nội. Tôi nghĩ tính cách sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới công việc của mình.
Tôi luôn trăn trở, có thể mình làm chưa tốt nhưng tôi phải làm để người ta biết thời điểm này mình đang hát ra sao. Người ta thường nhìn vào sản phẩm của nghệ sĩ để đánh giá bạn. Có thể bạn hát chưa hay nhưng bạn không ngừng cố gắng, vận động về tư duy, làm mới hình ảnh. Tôi luôn tin, nghệ thuật rất công bằng. Hãy lao động và cống hiến bền bỉ, bạn sẽ được mọi người ghi nhận.
Các album của chị rất trau chuốt từ âm nhạc đến hình ảnh, đây là điều rất hiếm trong lứa các ca sĩ nhạc đỏ. Chị là người duy mỹ hay chị muốn làm sản phẩm phải mới mẻ, cập nhật với hơi thở đời sống âm nhạc hiện nay?
- Có lẽ là cả hai lý do như bạn đề cập. Nghệ sỹ mà, luôn yêu cái đẹp và hướng đến sự hoàn hảo. Trong khả năng và thẩm mỹ của mình, tôi luôn muốn đầu tư kỹ lưỡng. Tôi nghĩ, một phần do tính cách, một phần khác là bởi ý thức làm nghề. Từ khi mới bước chân vào nghề, sau khi đoạt giải Sao Mai 2007 cát xê của tôi mới khoảng 1,5-2 triệu đồng, và cho đến bây giờ đã gấp rất nhiều lần thì trong tư tưởng của tôi luôn xác định, âm nhạc không làm thì thôi, nếu đã làm thì phải đầu tư, nghiêm túc. Sản phẩm âm nhạc cũng giống như đứa con tinh thần, dù thiếu tiền mình có thể đi vay để mang lại những gì tốt nhất.
Sau một vệt dài với những sản phẩm âm nhạc, và khán giả riêng, đến thời thời điểm này, Tôi tin mình có thể sống được bằng nghề hát, tôi tin vào giọng hát của mình, tin vào những sự đam mê và thái độ nghiêm túc của mình trong nghề nghiệp. Với tâm thế đó, dù không dám nhận là người hát hay, làm thỏa mãn được tất cả khán giả nhưng họ sẽ ghi nhận trong lòng và không ngừng dõi theo, kỳ vọng.
Với tính cách của tôi thì bất cứ việc gì trong cuộc sống mình đều phải tâm huyết chứ không phải chỉ trong chuyện làm album nhạc. Tôi luôn xác định, kể cả sau này không đi hát được nữa, nhưng đã làm album nào thì phải đặt hết tâm hồn, cầu toàn và sự đam mê của mình vào đó.
Anh Trọng Tấn và chị Anh Thơ, hai giọng ca hàng đầu của dòng nhạc đỏ, sống quá tốt được với nghề. |
Nhìn những sản phẩm được đầu tư công phu của chị, nhiều người thấy khá nể, bởi người ta quan niệm ca sĩ nhạc đỏ cát xê thấp, không có điều kiện đầu tư cho sản phẩm? Sự thật có phải vậy không chị?
- Tôi từng đọc một bài báo về vấn đề này, là người trong dòng nhạc đỏ, tôi không thích lạm bàn nhưng quan điểm của tôi, đã là âm nhạc không có cao thấp, sang hèn. Mọi sự định lượng trong cuộc sống và các giá trị tinh thần chỉ là tương đối. Tùy vào đời sống, thị trường và sự phát triển kinh tế, xã hội, mỗi giai đoạn sẽ khác nhau.
Tại sao, có những lúc chúng ta đi hát thiện nguyện, hay những ngày đầu sinh viên đợi cả tối hát cả chục bài chỉ được vài chục ngàn lẻ mà lại hạnh phúc thế? Tôi nghĩ rằng, nếu bạn lao động và theo đuổi đến cùng, bạn sẽ nhận lại những gì xứng đáng. Ví dụ, trong dòng nhạc đỏ, như anh Trọng Tấn và chị Anh Thơ, hai giọng ca hàng đầu của dòng nhạc này, họ sống quá tốt được với nghề. Và có thể nói thu nhập của họ là một con số mà mọi người phải ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, đặc thù của các ca sĩ dòng nhạc chính thống như chúng tôi thường không lên báo PR ầm ĩ, màu mè. Nhưng tất cả đều miệt mài lao động và cống hiến, ngoài vì sinh kế còn là đam mê. Nhiều khi những cơ hội kiếm tiền đến nằm ngoài khả năng dự đoán của mình. Tôi là người đi sau, nhưng nhờ may mắn và nỗ lực cũng có những cơ hội cho mình.
Đang sống được với nghề
Đến giờ chị có tự tin vào việc mình có thể sống với nghề hát mà không cần phải bươn chải làm thêm gì nữa không?
- Đó là thực tế. Tôi cũng như các đồng nghiệp đang sống được với nghề hát, sống đủ được với những gì mình có, và với những gì mình làm ra. Dù tôi biết mình rất may mắn, may mắn trong cuộc đời, may mắn trong cuộc sống và kể cả may mắn trong sự nghiệp, dù sự nghiệp ca hát của tôi mới ngắn ngủi thôi. Cũng như các đàn anh, đàn chị, tôi đi lên từ con số 0, cũng đã đi từ những bậc rất là thấp để lên được vị trí hiện nay. Nỗ lực và hy sinh nhiều lắm, vì bản thân tôi không có gì quá nổi bật, từ hình thức đến giọng hát.
Đến bây giờ, khi đã được biết đến, tôi vẫn chưa một giây phút nào quên xuất phát điểm của mình. Tôi bước vào Học viên âm nhạc Quốc gia là một giọng hát bình thường. Nhưng nhìn các tiền bối, tôi hiểu rằng nghệ thuật, ngoài thiên bẩm là sự tôi rèn và đam mê, không ngừng cố gắng. Tôi biết, sự thải loại trên con đường nghệ thuật rất bạo liệt, nếu mình nhàng nhàng thì sẽ tụt lại phía sau và mất tên trên bản đồ. Trong khi dòng nhạc chính thống không cho phép đi lên bằng scandal, thì chỉ khẳng định bằng tài nặng, nỗ lực và khát vọng mà thôi.
Chị ra rất nhiều album từ dân gian đến bolero và sắp tới đây trữ tình. Chị muốn trải nghiệm với các dòng nhạc hay chị đang đi tìm cho mình một dòng nhạc thích hợp?
- Tôi hướng đến việc có thể hát được đa dạng các dòng nhạc vì khát vọng được chinh phục và thử khả năng mở rộng biên độ của mình đến đâu. Bên cạnh đó, sẽ thật nhàm chán cho khán giả nếu mình chỉ hát một dòng nhạc duy nhất. Tôi thực sự thích liều mình thay đổi từ dòng nhạc này đến dòng nhạc kia. Bởi âm nhạc là cảm xúc và tâm hồn, đâu có giới hạn đúng không?
Tôi vẫn luôn tâm đắc là mình sống sao hưởng vậy. |
Điều gì làm chị tự tin "liều mạng" vậy? Tôi thấy các giọng nữ dân gian ít khi bước ra ngoài đong nhạc của họ?
- Thực ra dòng nhạc dân gian vốn dĩ đã là những giai điệu mượt mà rồi, nên từ đấy, mình chuyển sang nhạc bolero, trữ tình sẽ không có sự khác biệt quá xa. Chứ bây giờ bảo tôi hát rock hát R&B thì làm sao tôi hát được? Khi muốn thử sức với một dòng nhạc mới, cũng không đơn giản. Việc thử nghiệm này tôi thường làm rất nghiêm túc, chứ không phải kiểu lên mạng lấy đại một beta nhạc nào đó về thu thử.
Với một ca sĩ hoạt động chủ yếu ở miền Bắc như chị, hát bolero và trữ tình có thật sự cần thiết không hay chị đang làm theo trào lưu?
- Cách đây vài năm, tôi đã làm đĩa bolero rồi đấy chứ! Ngoài dòng chính thống, dân gian, tôi thích nhạc trữ tình và thường hát làm vui. Giai điệu cứ ngấm vào trong tôi từ bé. Nó là cái gì đó tự nhiên sẵn có trong mình để khi có dịp thì cất lên thành lời thôi. Âm nhạc là tự nhiên mà, hát giống như mình trò chuyện. Những gì tự nhiên nhất, chân thành nhất thì sẽ đến với trái tim người nghe nhạc. Giọng hát của tôi, nhẹ và mảnh, hát cũng rất hợp.
Hơn nữa, tôi cũng nghĩ đến thời điểm này nếu như tôi làm đĩa bolero thì sẽ chín muồi hơn. Người nghệ sĩ cần thời gian để trải nghiệm tất cả thăng trầm về cảm xúc, giọng hát và sự trưởng thành. Con người sống sao hát vậy. Mình đau đáu, nhiều ẩn ức thậm chí thất bại, đau khổ trong tình cảm, mình hát những bài tình cảm sẽ thấm hơn.
Vẫn biết bây giờ thì nhà nhà hát bolero. Có những người không thể hát nổi nhưng vẫn cố. Chưa bao giờ nghề ca sĩ lại nở rộ như bây giờ. Ai ai cũng đi làm ca sĩ. Và người ta nghĩ bolero là dòng nhạc dễ tiếp cận công chúng hơn cả.
Sau quãng thời gian làm nghề 8 năm chị có hài lòng với quãng đường mình đã đi không?
- Với một người cầu toàn và không ngừng khát vọng, thú thực tôi không bao giờ thôi nung nấu. Tôi luôn nhận thấy mình rất nhiều yếu kém, nhiều điều phải học. Thậm chí tôi cầm bằng thạc sĩ trên tay rồi nhưng vẫn thấy xấu hổ. Tôi là người không ngại đối diện với những gì mình chưa làm tới.
Đôi khi tôi thấy mình vẫn còn lười biếng, chưa làm việc hết khả năng và thời gian mình có. Cái được đó là mình đã dám làm. Khi mình có tiền mình dám tái đầu tư cho âm nhạc. Người khác làm được 1 triệu về cất 800 nghìn đồng đi, chỉ để 200 nghìn đầu tư cho âm nhạc. Nhưng tôi khác, tôi có thể cầm 1 triệu đó và đi vay thêm để đầu tư cho âm nhạc.
Tính tôi thế. Có thể ngày mai mình không còn tiền nhưng hôm nay mình đã kỳ vọng vào những dự án mình muốn làm thì tôi không nhấc lên đặt xuống. Tôi vẫn luôn tâm đắc là mình sống sao hưởng vậy. Mình sống vì nghiệp hát, mình đặt tất cả sự chân thành và tình yêu vào đó thì nó sẽ mang lại cho mình những điều tốt đẹp.
Chương trình hòa nhạc quốc gia "Điều còn mãi" 2016 sẽ trở lại với công chúng yêu nhạc vào 14 giờ, ngày Quốc khánh 2/9, tại Nhà hát lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV3, tiếp sóng trên VietNamNet. "Điều còn mãi 2016" dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn do báo VietNamNet tổ chức với sự đồng hành của Tổng đạo diễn, NSƯT Nguyễn Trí Dũng, Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam và dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi. Các ca sĩ Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê, Dàn hợp xướng ĐHSPNT Trung ương sẽ đồng hành cùng "Điều còn mãi 2016". |
Việt Anh