Việc triển khai công nghệ để phát triển thành phố thông minh, đã có nhiều nghi ngại rằng, liệu con người khi ở trong một xã hội hiện đại, sự xuất hiện của AI, Robot, các băng chuyền tự động... họ sẽ mất việc làm của mình không.
Về vấn đề này, chia sẻ tại một sự kiện về công nghệ, ông Đỗ Nguyên Hưng, Phó tổng giám đốc khối Dự án Schneider Electric Việt Nam cho biết, xét về mặt logic, sự ra đời của thành phố thông minh phải giải quyết các vấn đề xã hội là tạo ra việc làm cho công dân thay vì xóa bỏ.
"Một khi thành hình, thành phố thông minh sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp startup, nhân lực cấp cao, những ý tưởng, sáng kiến công nghệ... Tuy nhiên, sự phát triển cũng có ảnh hưởng nhất định đến lĩnh vực lao động thô. Theo xu thế, những đầu việc này sẽ dần bị thay thế bằng công nghệ, máy móc", ông Hưng nhận định.
Ông Hưng cũng cho rằng Với thành phố thông minh, mục đích cuối cùng là phát triển bền vững qua ba trụ cột gồm: Tăng trưởng kinh tế, chính quyền điều hành thành phố hiệu quả với chi phí thấp, đem lại môi trường sống tốt cho cư dân.
Có một thực tế, khi triển khai các thành phố thông minh, thì lực lượng lao động cũng cần trở nên thông minh hơn, năng lực cao hơn. Với những người lao động phổ thông sẽ gặp rào cản khi tiếp xúc với công nghệ mới, đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo và thích ứng.
Thực tế hiện nay, tại Việt Nam các kỹ năng số cũng đang được tiến hành đào tạo cho công dân thông qua các chương trình đào tạo của Bộ TT&TT, các kỹ năng này sẽ giúp cho người dân dễ dàng sử dụng các nền tảng số trong tương lai, một trong những yếu tố quan trọng cấu thành thành phố thông minh.