Chị Lồ Dìn Phủng ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai), cho biết chị đã bán rất nhiều sản phẩm tương ớt qua kênh thương mại điện tử. Từ khi làm quen với hình thức livestream bán hàng, chị đã mạnh dạn đưa sản phẩm của nhà làm được lên mạng. Nhờ đó, gia đình chị có thêm một nguồn thu nhập.

Chị cho hay, nhờ có thanh toán không tiền mặt nên khách mua hàng online rất thuận tiện. Bản thân chị cũng không phải lo tiền mặt để trả lại cho khách hàng. Sản phẩm giao hàng thành công, tiền thu về cũng sẽ chuyển vào tài khoản của chị. 

Đưa sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử là một mục tiêu của tỉnh Lào Cai. Tỉnh phấn đấu năm 2023, với sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử. 100.000 số lượng đơn hàng (giao dịch) thành công. 

dan toc dien thoai.jpg
Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt ở khu vực vùng sâu vùng xa.

Tổng doanh thu của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ các sàn thương mại điện tử đạt 7 tỷ đồng. 100% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm OCOP được tạo gian hàng số và có tài khoản thanh toán điện tử.

Lào Cai đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động (ví điện tử, mã Qrcode,...) trong mua sắm trực tuyến.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.

Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Trong đó, kênh thanh toán không tiền mặt của ngân hàng, ví điện tử,… góp phần quan trọng. Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều tiện ích với cả người mua và người bán. Đối với người bán, việc thanh toán theo hình thức này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt; hạn chế rủi ro, dễ dàng quản lý dòng tiền và góp phần gia tăng doanh số. Với người tiêu dùng, sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giúp việc thanh toán trở nên đơn giản, nhanh chóng và an toàn.

Từ 2015, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho một số đơn vị phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, đặc biệt là dịch vụ Mobile Money. Đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chỉ cần có sóng điện thoại.

Mobile Money đang được tích hợp với các sàn giao dịch điện tử để nhanh chóng phổ cập thanh toán số cho nông dân trong chương trình Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đánh giá, Mobile Money không chỉ là một giải pháp kinh tê số mà còn là một giải pháp xã hội số với những tác động to lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên khắp Việt Nam, từ thành thị cho đến những vùng núi, hải đảo, giúp người dân hưởng lợi từ các hoạt động tài chính số dù ở bất cứ nơi đâu.

Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Chủ tịch Chi hội thẻ Hiệp hội Ngân hàng, cho rằng, việc sử dụng dịch vụ ở khu vực phát triển về kinh tế thì tốc độ tăng cao, còn vùng sâu, vùng xa, vùng núi mức độ thấp hơn. Do đó, chúng ta cũng cần chia ra phù hợp với giai đoạn phát triển. Song song với đó, cần sự phát triển của truyền thông, cáp quang, wifi thuận tiện, phục vụ cuộc sống vùng sâu, vùng xa trong thời gian tới để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông cho biết, thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi số cũng như ứng dụng các phương tiện thanh toán đa dạng và tiện ích cho khách hàng, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cân nhắc việc ưu đãi phí đối với khu vực vùng nông thôn hoặc có thể miễn giảm thuế, ưu đãi thuế đối với các đại lý chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Bên cạnh đó, việc kết nối với Mobile Money ở các ngân hàng cũng đã bắt đầu triển khai rất tích cực để khách hàng được tự do lựa chọn ứng dụng. Ở các vùng có thể không phủ sóng hết các điểm giao dịch của các ngân hàng thì có thể phát triển thông qua liên kết với Vietnam Post.

Một điểm nữa mà các ngân hàng đang hướng đến là gia tăng tiếp cận với các khách hàng ở vùng thành thị, đặc biệt là các khu công nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa tới gia đình, người thân của họ đang ở vùng nông thôn. Nếu những đối tượng này sử dụng 100% thanh toán không dùng tiền mặt thì số lượng người dùng kéo theo ở vùng thôn, vùng sâu vùng xa cũng sẽ rất cao.

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, các hoạt động trong giai đoạn II của “Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo” đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn để đẩy mạnh xuất khẩu, ứng dụng thương mại điện tử, khuyến khích tham gia vững chắc vào tiến trình hội nhập đối với khu vực miền núi, hải đảo. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển hàng hóa có thương hiệu của khu vực này vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Bà Hoàng Thị Huyền, Trưởng phòng Kinh doanh Online, Trung tâm kinh doanh và phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, trong năm 2024, Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai Đề án về logistics cho nông sản, nhất là nông sản tươi Việt Nam tại 63 đơn vị trên 63 Bưu điện tỉnh tại Việt Nam để chung tay góp sức xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản của địa phương.

Ngọc Dũng và nhóm PV, BTV