Những tháng cuối năm trời trở rét nhưng trong ngôi nhà của chị Kiều Thị Liễu (SN 1979) ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) luôn ngập tràn sự ấm áp. Hơn 2 năm được trở về đoàn tụ cùng gia đình, cuộc sống của chị đã đổi khác, tinh thần phấn chấn, sức khỏe ổn định. Mặc dù giọng nói chưa thực sự rõ ràng nhưng chị Liễu cởi mở hơn với khách đến thăm nhà.

Ngược dòng ký ức, chị cho biết, mình bị bán sang Trung Quốc từ khi 20 tuổi. Ngày ấy, gia đình nghèo, chị học đến lớp 4 rồi nghỉ, đi làm thuê trong huyện. Đến tuổi đôi mươi, chị có mối tình với thanh niên cùng xã. Khi chị có thai, người yêu chối bỏ. Chị lặng lẽ sinh con một mình nhưng đứa trẻ vắn số cũng bỏ chị mà đi.

{keywords}
Chị Liễu cùng mẹ những ngày mới đoàn tụ. 

Giữa lúc chị buồn chán, một người quen rủ rê chị lên biên giới làm ăn. Vì muốn trốn chạy nỗi đau đầu đời, chị gật đầu đồng ý. 

Một năm xa nhà, thi thoảng chị vẫn về thăm bố mẹ. Tuy nhiên, giữa năm 1999, mọi người bỗng nhiên mất liên lạc với chị. Mặc dù bố mẹ đã cậy nhờ người quen, các mối quan hệ của chị để dò la nhưng tin tức vẫn là con số 0. Ngày nào, bố mẹ chị cũng ngóng tin con đến mòn mỏi, héo úa. Mỗi cái Tết trôi qua, gia cảnh vốn nghèo đói càng thêm hiu hắt.

Về phần chị Liễu, chị bị người bạn bán sang Trung Quốc làm vợ người đàn ông lớn hơn mình nhiều tuổi. May mắn, người chồng này rất tốt bụng, yêu thương, trân trọng chị. Ba năm chung sống hạnh phúc với chồng, chị sinh với anh được 2 đứa con. Mặc dù ấm êm bên chồng con nhưng nỗi nhớ cha mẹ luôn thổn thức trong tim.

Chồng chị hiểu được điều đó nên khi con thứ 2 được tròn năm, anh chuẩn bị đồ cho chị về thăm quê. Gia đình chồng cho tiền và đưa chị đến thị trấn Bằng Tường, TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây để chị tiếp tục đến cửa khẩu về quê.

Thế nhưng, sau đó chị bị một nhóm người bắt cóc, đánh đập, ngược đãi, cưỡng bức. Chị lần lượt mang thai 8 lần với những người đàn ông cưỡng bức mình. Tuy nhiên, tất cả 8 đứa trẻ đến lúc lọt lòng là bị chúng đưa đi.

Khi sinh đẻ, chị không được đưa đến cơ sở y tế, không được chăm sóc, lại cộng thêm những trận tra tấn đến kinh hoàng khiến sức khỏe chị mỗi ngày càng trở nên suy kiệt. Quãng thời gian 20 năm bị bắt cóc đó, chị hoàn toàn mất liên lạc với chồng con. Trận đòn roi khủng khiếp để lại trên thân thể chị những vết sẹo chằng chịt.

Năm 2016, lợi dụng nhóm bắt cóc sơ hở, chị bỏ trốn và được công an Trung Quốc đưa đến một Trung tâm bảo trợ xã hội ở tỉnh Quảng Châu.

Do tinh thần bị ảnh hưởng sau những trận tra tấn khủng khiếp, chị mất dần trí nhớ, không nhớ rõ quê mình ở đâu. Đến khi có người Việt Nam từng làm việc ở Trung Quốc biết chị và đăng thông tin về chị nên người nhà nhận ra liền tìm cách đưa chị trở về. Đó là ngày 13/8/2019.

Theo anh Kiều Văn Xuân, anh trai chị Liễu, khi biết tin em gái còn sống, anh mừng mừng tủi tủi. Tuy nhiên, điều kiện nghèo, không thông thạo về đường đi lối lại, gia đình anh loay hoay không biết phải làm sao. Đúng lúc đó, anh Phạm Xuân Thành, người quen thân với gia đình biết chuyện đã chủ động làm thủ tục, hướng dẫn anh Xuân sang Trung Quốc đón em gái.

Bên Trung Quốc, anh Xuân được bạn bè anh Thành giúp đỡ, đến ngày 26/12/2019, anh mới đón được chị Liễu về Việt Nam. Hành trình đón em gái đoàn tụ mất đến cả tháng trời nhưng anh kiên nhẫn chờ đợi vì cả gia đình đã đợi ngày này rất lâu rồi.

Lần đầu bước chân vào cổng nhà, chị Liễu đi thật chậm để cảm nhận sự quen thuộc, sự gần gũi mà chị đã ấp ủ trong tim bấy lâu. Mặc dù tinh thần chưa thực minh mẫn nhưng mọi ký ức dần ùa về, đủ để chị bật khóc nức nở như đứa trẻ lên 3.

Mẹ chị Liễu cầm tay con, đưa đôi bàn tay già nua xoa đầu, sờ khuôn mặt đứa con gái bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt. Bên cạnh niềm vui, bà cũng có biết bao điều trăn trở vì con gái bà giờ không còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn như trước. Rồi đây, tương lai con sẽ thế nào khi không công ăn việc làm, không thu nhập, không lao động tay chân được…

Nhiều ngày sau, chị vẫn chưa dám bước ra khỏi cửa vì mặc cảm, vì ám ảnh về chuỗi ngày bất hạnh đã qua. Mãi đến gần đây, sau sự nỗ lực của cả gia đình, họ hàng, chị dần hòa nhập với cộng đồng, cười nói vui vẻ và tiếp chuyện mọi người. Chị nuôi vài lứa gà tăng thu nhập, cải thiện bữa ăn, phụ giúp gia đình việc nhà hay trồng rau xanh…

Trong câu chuyện đứt quãng, chị mong những cô gái trẻ, những người phụ nữ cần cảnh giác trước mánh khóe của các đối tượng buôn người. Chúng có thể lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và sự khó khăn của mọi người để lôi kéo lên vùng biên viễn. Khi đó, ngày về sẽ rất xa xôi…

Bích Thủy