Sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực
Ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ rõ, bối cảnh thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất trắc từ COVID-19 (chưa thể được kiểm soát cho dù có vaccine) và các căng thẳng thương mại quốc tế song phương. Động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam thời gian tới sẽ đến từ phục hồi sức mua thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, để phát triển kinh tế tới đây, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. Điều đó đã được chứng minh trong suốt năm 2020 vừa qua khi mà trong mối tương quan với sự thay đổi của thế giới và sự tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương khi đạt mức 2,4% và Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người (Việt Nam, Đài Loan-Trung Quốc, Ai Cập và Trung Quốc).
Để phát triển kinh tế tới đây, sức bật quan trọng và hàng đầu là từ nội lực. Ảnh minh họa. |
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng khẳng định, yếu tố quan trọng là sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp Việt và chính sách đầu tư công của Chính phủ cùng với những giải pháp của Chính phủ ứng phó với dịch COVID-19 đã tác động tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế.
Đặc biệt, theo ông Lâm, vai trò của đầu tư công vô cùng quan trọng bởi đó chính là trụ cột của nền kinh tế, đầu tư công kích thích nền kinh tế trong ngắn hạn và cả dài hạn. Theo Tổng cục Thống kê, 1 đồng đầu tư công có tác động và lan tỏa đến 4,2 đồng đầu tư tư nhân. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng thêm 0,06%. Trong năm 2020 vừa qua, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh đã tác động rất tốt đến sự phát triển của nền kinh tế.
Một ví dụ cụ thể hơn là nếu giao thông phát triển sẽ giảm chi phí logistics cho nền kinh tế, giảm thời gian luân chuyển hàng hóa, từ đó tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Động lực tăng trưởng của Việt Nam tới đây là xuất khẩu
Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021 là xuất khẩu. Mặc dù dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới xuất khẩu nói chung nhưng do Việt Nam có thị trường xuất khẩu đa dạng nên thay vì sụt giảm tại các thị trường EU, ASEAN thì Việt Nam đã tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc nên đã bù đắp suy giảm.
Tóm lại, theo các chuyên gia kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát rất tốt lạm phát cũng như sự năng động, quyết đoán và linh hoạt của Chính phủ cùng với sự quyết tâm, bền bỉ, liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp Việt và tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam là những yếu tố quan trọng để Việt Nam có được thành tựu như hiện nay.
Bên cạnh các yếu tố nội lực, theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư VinaCapital, đánh giá các yếu tố ngoại lực từ bối cảnh mang lại, trên cơ sở niềm tin về sự bền vững, an toàn và không ngừng kiến tạo môi trường phát triển của Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế, các cơ hội sẽ mở ra nhiều hơn cho kinh tế Việt Nam, cho các khu vực doanh nghiệp trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, khi môi trường lãi suất ở Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đang ở mức rất thấp, các quỹ đầu tư tại các nước này sẽ xem xét chuyển hướng đầu tư vào các thị trường mới nổi, cận biên trong đó có Việt Nam, để tăng hiệu quả về lợi nhuận.
Xây dựng chiến lược trong bối cảnh mới để phát triển
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV của Deloitte Việt Nam, sức khỏe, nhận thức và tư duy của doanh nghiệp về một thế giới mới, phù hợp với mô hình quản trị và tổ chức sản xuất mới, phương thức kinh doanh mới sẽ là điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thích ứng trước các biến động cũng như duy trì sự ổn định để thực hiện thành công các mục tiêu tăng trưởng.
Để định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và thị trường cần chỉ ra những cơ hội và thách thức mà doanh nghiệp sẽ phải thích ứng và xoay chuyển nhằm đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới. Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Khu vực châu Á-TBD cho rằng, các cơ hội và lợi thế cạnh tranh đến từ các hiệp định FTA thế hệ mới đã có hiệu lực sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa ra khu vực và thế giới.
Việc 16 FTA được sở hữu bởi Việt Nam sẽ giúp Việt Nam giữ vị trí thứ hai trong ASEAN, chỉ sau Singapore về số lượng FTA thực chất và hiệu quả. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược cụ thể và phù hợp để có thể tối ưu hóa được lợi ích từ các FTA mà Chính phủ đã đàm phán thành công để tạo đà cho phát triển lâu dài và bền vững.
Thái An