ap18104556372119.jpg
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia

Dự thảo nghị quyết này có thể xem là một lời kêu gọi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đáng báo động tại Dải Gaza. Dự thảo cũng lên án bạo lực, kêu gọi các bên ngừng bắn, thả con tin, đảm bảo việc tiếp cận viện trợ, và tạo điều kiện cho việc sơ tán dân thường khỏi khu vực chiến sự.

Theo kết quả kiểm phiếu, 5 quốc gia ủng hộ bao gồm Nga, Trung Quốc, Gabon, Mozambique và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất; 4 quốc gia phản đối gồm Pháp, Nhật Bản, Anh và Mỹ; 6 quốc gia bỏ phiếu trắng gồm Albania, Brazil, Ecuador, Ghana, Malta và Thụy Sĩ.

Hội đồng Bảo an có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực. Để được Hội đồng Bảo an thông qua, nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu thuận và không nước nào trong số 5 thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc) phản đối.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nói rằng, kết quả bỏ phiếu cho thấy "Hội đồng Bảo an một lần nữa trở thành con tin cho những tính toán ích kỷ của phương Tây" và không gửi được thông điệp chung nhằm giảm leo thang "vụ bùng nổ bạo lực nghiêm trọng nhất những thập niên qua".

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính là dự thảo không đề cập trực tiếp đến vai trò của Phong trào Hồi giáo Hamas, hay gọi nhóm này là tổ chức khủng bố. Trên thực tế, những quốc gia phản đối dự thảo cũng cho rằng đây là lý do họ không ủng hộ nghị quyết này.

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho rằng Hamas đã tấn công Israel, nhưng dự thảo nghị quyết của Nga không đề cập lực lượng này. "Hành động của Hamas đã dẫn đến khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng mà người dân Gaza phải đối mặt", bà Thomas-Greenfield nói. Còn theo Đại sứ Anh Barbara Woodward, "chúng tôi không thể ủng hộ nghị quyết không lên án các cuộc tấn công của Hamas".

Tuy nhiên, kết quả này cũng cho thấy những ảnh hưởng của tình hình địa chính trị toàn cầu đến quá trình đưa ra quyết định cũng như tính hiệu quả của Liên hợp Quốc trong thế giới ngày nay.

Việc phương Tây bác bỏ nghị quyết của Nga phản ánh tình trạng các nước này thiếu tin tưởng vào những đề xuất của Moscow, bất kể là đề xuất có tính nhân đạo. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần hai năm nay có thể là một trong những lý do chính khiến tình trạng này thêm trầm trọng. 

Kết quả bỏ phiếu cũng làm nổi bật mối lo ngại lớn hơn, đó là việc các vấn đề nhân đạo bị chính trị hóa tại Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo an dường như đã lãng quên các trách nhiệm nhân đạo trong cuộc cạnh tranh địa chính trị. Việc từ chối dự thảo trong bối cảnh xung đột leo thang tiếp tục cướp đi sinh mạng của dân thường cho thấy sự bất hòa giữa các lý tưởng căn bản của Liên Hợp Quốc khi thành lập và tâm lý chính trị thực dụng thúc đẩy các quyết định ngày nay.

Hội đồng Bảo an là cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc, chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Nhu cầu về một cách tiếp cận công bằng, ít bị chính trị hóa, và mang tính nhân đạo trong quá trình ra quyết định của Hội đồng Bảo an chưa bao giờ cấp bách hơn lúc này.

Ý nghĩa của những quyết định mang tính chính trị như vậy có thể vượt ra ngoài cuộc xung đột Israel-Hamas, có khả năng ảnh hưởng đến tính hiệu quả của Hội đồng Bảo an trong việc giải quyết các xung đột khác trên thế giới.

Nếu sự đối đầu địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến việc đưa ra quyết định, điều này có thể dẫn đến sự thiếu đồng thuận trong cộng đồng quốc tế, khiến việc tìm ra giải pháp chung cho những vấn đề căn bản nhất trở nên khó khăn hơn. Từ đó, khả năng ứng phó hiệu quả của thế giới với các cuộc khủng hoảng sẽ bị cản trở, kéo dài xung đột và làm trầm trọng hơn vấn đề nhân đạo ở những nơi như Gaza.

Theo kế hoạch, hôm 18/10, Brazil sẽ đưa ra dự thảo nghị quyết thứ hai. Dư luận quốc tế đang trông đợi vào cách các bên sẽ giải quyết ra sao với đề xuất tới từ một quốc gia được đánh giá là trung lập hơn như Brazil. Các nhà ngoại giao cho biết, nghị quyết thứ hai do Brazil đề xuất với các ngôn từ lên án Hamas dường như nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.