Trung Quốc hiện vẫn đang phải trải qua một thời kỳ ảm đạm và u ám với diễn biến phức tạp của dịch virus corona, khiến cho nhiều hoạt động và nhu cầu sinh hoạt bị đình trệ, phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh. Cũng giống như nhiều nước khác, học sinh sinh viên tại đây được yêu cầu nghỉ học trong thời gian này, phần nào khiến cho xu hướng học online trở nên thịnh hành hơn. Được biết, kể từ thứ Hai vừa rồi, đã có tới hơn 100 triệu học viên cùng phụ huynh đã tham gia vào các nền tảng học online với hơn 400 lớp học khác nhau.
Thế nhưng, mọi thứ không đơn giản như mọi người từng nghĩ. Hàng loạt các hashtag và luồng tin trái chiều khác nhau đã xuất hiện trên Weibo - mạng xã hội nội địa lớn nhất Trung Quốc. Những chủ đề như "Lớp học online đang áp bức học viên", "Học online thật sự kỳ quặc" hay "Giáo viên lợi dụng lớp học để trở nên nổi tiếng" đang nổi lên ầm ầm, với hàng trăm triệu lượng truy cập và tương tác.
Một trong những sự việc dở khóc dở cười về chuyện dạy và học online được chia sẻ rầm rộ gần đây là câu chuyện được ghi lại trong một lớp sinh học. Cụ thể, khi người giáo viên đang giảng về quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng, video livestream đột nhiên bị dừng phát ngay lập tức bởi nền tảng Huya. Đây là một trong những ứng dụng có sức hút và vị thế lớn hàng đầu trong ngành livestream của Trung Quốc. Về sự cố trên, hệ thống đưa ra nguyên nhân rằng video đó đã vi phạm điều luật sử dụng dịch vụ của họ.
Mặc dù học viên không cảm thấy có vấn đề gì nhưng nhiều khán giả bình luận bên dưới rằng có thể bài giảng liên quan bị coi là nội dung phản cảm. Dẫu vậy, vụ việc này đã khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao về sự hài hước của Huya khi tự động xử lý một cách cứng nhắc như vậy mà chưa xem xét đúng tính chất nội dung. Ngay sau đó, Huya cũng đã chính thức đưa ra lời giải thích xác đáng nhất: Livestream bị chặn không phải do nội dung phản cảm, mà bởi người phát đã sử dụng các video minh họa từ nguồn khác mà chưa được công nhận.
Ở một diễn biến khác, có những trường không chỉ tổ chức các lớp học online mà còn bắt buộc học sinh phải tham gia lễ chào cờ online mới đủ. Các video livestream sẽ được trường gửi liên kết tới cho học sinh để truy cập với hình ảnh quay trực tiếp cột cờ tại trường, có thể theo dõi cả các bạn khác trong lớp đang chào cờ cùng mình theo hình thức livestream nhóm.
Không chỉ các bài học lý thuyết, lớp thực hành thể dục cũng được livestream và học sinh phải làm theo các động tác ngay tại nhà của mình. Cũng từ đây mà câu chuyện của 2 nhà hàng xóm nọ được chuyền tay nhau nhiệt liệt trên Weibo, bởi nhà tầng trên có con đang tập nhảy dây theo bài giảng thể dục khiến nhà tầng dưới cảm thấy vô cùng phiền hà mà chẳng biết làm cách nào để khác phục.
Một số vấn đề khác xảy ra khá thường xuyên khi có những học sinh gặp phải tình trạng kết nối chập chờn không thể theo sát bài giảng, hoặc tệ hơn là thầy cô gặp khó khăn trong việc làm quen với công nghệ của thời đại mới. Hài hước nhất là một post khoa về một lớp học online, trong đó giáo viên của họ vì quá tập trung đọc các tin nhắn bình luận trực tiếp của học sinh mà quên mất bật mic, cứ thế ngồi thao thao bất tuyệt trước máy quay mà chỉ có hình ảnh được phát, còn tiếng động thì... câm như hến. Chưa hết, một thầy giáo khác còn quên tắt filter trang điểm cho mình khi đang livestream, khiến mọi thứ được đem đi chia sẻ rộng rộng rãi trở thành cả một hashtag nổi bật trên Weibo.
Một số ít học sinh và phụ huynh lại có phản ứng không mấy tích cực với hình thức học online này. Theo họ, những ngôi trường đã có lệnh bắt học sinh tiến hành tham gia học online sớm hơn so với thời hạn kỳ 2 chính thức cũng như quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc trong mùa dịch, khiến cho kỳ nghỉ hay du lịch của họ bị gián đoạn. Thậm chí, có những học sinh bực tức còn rủ nhau lên đánh giá 1 sao hàng loạt cho những ứng dụng liên quan trên AppStore và PlayStore, khiến điểm số trung bình tụt giảm đáng kể.
Cuối cùng, một bất cập nữa của việc học online có thể kể đến cảm giác khó chịu, bí bách khi liên tục có bố mẹ dõi theo kè kè bên cạnh. Được biết, đã có những trường yêu cầu học sinh làm bài kiểm tra lấy điểm, vì vậy bố mẹ phải bỏ thời gian ra tự quay video theo dõi con mình trong toàn bộ quá trình bấm giờ làm bài kiểm tra, sau đó gửi lại cho giáo viên để chứng minh không có hành động gian lận hay giúp đỡ nào xảy ra.
Nhìn tổng thể, tình hình dịch bệnh corona tại Trung Quốc nói chung và Vũ Hán nói riêng vẫn chưa thể lường trước được lối đi trong tương lai gần, có thể gây ra bối rối trong cách xử lý hiệu quả triệt để cho các nhu cầu sinh hoạt, học tập của người dân.
Theo GenK