Lời tòa soạn:

Học thêm đang trở thành một áp lực vô hình và khó tránh với nhiều gia đình. VietNamNet mở diễn đàn Sức ép học thêm với mong muốn cùng độc giả ghi nhận và thảo luận sâu về câu chuyện này.

Chúng tôi mong nhận được sự chia sẻ từ các phụ huynh, giáo viên, học sinh và các nhà quản lý giáo dục về những trải nghiệm thực tế, những bài học kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp mới cho một vấn đề đang được xã hội rất quan tâm này.

Bài viết dưới đây là góc nhìn của một giáo viên Toán tại Bắc Ninh. 

Tôi là một giáo viên Toán dạy ở trường THPT tại địa phương có truyền thống hiếu học. Thực tế, kiến thức về môn Toán của nhiều học sinh rất kém. Nguyên nhân cơ bản là nhiều em ở các cấp dưới dù học kém vẫn được lên lớp. Các em bị mất gốc kiến thức từ thời THCS, thậm chí từ tiểu học nên khi lên THPT hay muốn đỗ đại học, không còn cách nào khác là phải đi học thêm để ôn luyện, nâng cao.

Đây cũng là lý do nhiều năm trước, tôi tham gia dạy thêm để giúp học sinh của mình. Có lẽ nhờ việc luôn khơi gợi niềm yêu thích học tập, thể hiện sự tôn trọng học trò, cộng với kiến thức chuyên môn tốt, tôi luôn có rất đông học sinh theo học. Có giai đoạn, ngày Chủ Nhật, tôi dạy tới 5 ca, từ sáng tới khuya và nhiều khi phải từ chối nhận thêm học trò. 

Trong quá trình này, tôi đưa ra một số nguyên tắc đặc biệt, hy vọng có thể hữu ích phần nào với các phụ huynh - những người đang trăn trở cho con học thêm như thế nào, hay quan trọng hơn, làm sao để con không phải đi học thêm nhiều vẫn vững kiến thức:

Thầy phải tôn trọng và là bạn của học trò

Ngoài khơi gợi niềm đam mê học toán trong mỗi học sinh, tôi nghĩ việc tôn trọng các em rất quan trọng. Trong giờ học hay đời thường, tôi không áp đặt chính kiến của mình, thay vì dùng từ “phải", tôi hướng dẫn học sinh "nên làm thế này”. Nếu ý kiến của học sinh đúng, tôi thừa nhận và chúc mừng các em vì thực sự đã giỏi hơn thầy,

Không dạy trước chương trình

Bài học ở lớp dạy thêm thường bám sát bài học trên lớp, giúp học sinh củng cố và đào sâu kiến thức. Việc dạy trước chương trình có thể làm cho buổi học chính trở nên vô bổ, mất thời gian, thậm chí khiến học sinh mất tập trung, dẫn đến việc một số em có thể biết kiến thức nhưng không sâu.

Thực tế, rất nhiều học sinh và cả phụ huynh muốn con học trước chương trình để khi đi học ở lớp biết trước kiến thức, dễ kiếm điểm cao nhưng tôi luôn trung thành với nguyên tắc trên.

Dạy học là một dịch vụ 

Nên coi nghề dạy học tương tự như việc cung cấp một dịch vụ cho người có nhu cầu, muốn đạt hiệu quả cao thì dịch vụ phải hoàn hảo.

Đi học là phải đóng học phí, thậm chí phí cao

Khi thu tiền học thêm, tôi thường thu với giá cao nhất có thể vì “hãy ra giá cao nhất với trí tuệ (thực) của mình” - theo cách nói của A. Lincoln và tôi cũng muốn truyền tải thông điệp này đến học sinh mình dạy. Hơn nữa, khi thu học phí, cả người dạy và người học đều có trách nhiệm, nên dễ đạt hiệu quả cao hơn trong việc dạy và học.

Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tôi thường vẫn thu học phí nhưng đến cuối khóa sẽ hoàn lại tất cả hoặc một phần, tùy theo thái độ học tập của các em.

Dạy sao để nâng cao khả năng tự học, tự tìm hiểu của học sinh

Đây là vai trò quan trọng nhất của người thầy. Chẳng hạn, với một bài Toán khó, cả thầy và trò cùng tìm hiểu, phân tích từng bước. Khi các em tương đối hiểu, tôi yêu cầu tất cả gấp sách, trình bày lại lời giải. Khi tự trình bày xong, các em đã hiểu bài toán. Việc này diễn ra trong nhiều buổi học sẽ hình thành cho học sinh khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề.

Kinh nghiệm những năm đại học và từ thực tiễn cho thấy, khả năng tự học, tự tìm hiểu của học sinh mới là điều quan trọng nhất. Những học sinh thành đạt sau này không hẳn là những em sinh ra trong gia đình giàu có ở thành phố; rất nhiều em dù có xuất phát điểm khó khăn nhưng vẫn thành công, hạnh phúc là nhờ biết tự học, tự rèn luyện. Việc học thêm nhiều không hề tốt cho học sinh, và trong mỗi bài giảng, tôi luôn cố gắng truyền tải đến các em thông điệp này.

Học sinh có khả năng tự học không cần đi học thêm

Muốn là người có tâm, có tài, cần nhiều yếu tố, trong đó có khả năng tự học, tự rèn luyện suốt đời, mọi lúc mọi nơi, vì thế học thêm chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời, khi học sinh cần "lấp lỗ hổng" hay bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, chuẩn bị cho các kỳ thi. Ngoài ra, học sinh đang tuổi ăn tuổi lớn được quyền vui chơi giải trí; ép trẻ học suốt ngày là vô tình cướp đi tuổi thơ của các em.

Xuất phát từ những suy nghĩ như vậy, với những học sinh đã có khả năng tự học, tự tìm hiểu tốt, thay vì dạy thêm, tôi khuyên các em nên tự học và hướng dẫn thêm cách thực hiện việc này hiệu quả. Điều này có thể khiến người thầy mất đi nguồn thu nhập lớn nhưng truyền cho các em những điều tốt đẹp mới là điều quan trọng. 

Độc giả Anh Phạm (Giáo viên tại Bắc Ninh)

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
'Giáo viên cũng chịu sức ép phải cho học sinh học thêm'

'Giáo viên cũng chịu sức ép phải cho học sinh học thêm'

Nếu không đi học thêm, học sinh, phụ huynh lo sợ bị điểm thấp, không vào được trường mơ ước, không có cơ hội trong tương lai. Thầy cô giáo cũng chịu áp lực không nhỏ từ việc đánh giá, xếp loại giáo viên dựa trên kết quả các kỳ thi.