- Thầy là "sát thủ" với "khuôn mặt thánh thiện vô cùng" vì cực kỳ nghiêm khắc trong việc kiểm tra bài học của tụi em. Thầy cực vui tính, những tiết học có lẽ sẽ rất tẻ nhạt nếu không có những câu chuyện, cách nói đùa rất tự nhiên và lôi cuốn. Nói chung, thầy rất là dễ thương.






Nghề không giàu có, nhưng giàu tình cảm


Tình cảm chân tình và giọng văn rất "teen" này là của một cô học trò lớp 11CD4, trường THPT Nguyễn Khuyến, Q10 (TPHCM) ghi nhanh vào một mẩu giấy cho phóng viên VietNamNet, viết về thầy giáo dạy môn Toán Nguyễn Quốc Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 11CE1, một trong những giáo viên đạt danh hiệu "Trái tim người thầy" của Sở GD-ĐT TP.HCM năm nay.


Mặc dù đã được nghe thầy Hùng tâm sự về việc lý do vì sao theo đuổi nghề giáo trong chương trình "Trái tim người thầy" phát trực tiếp trên Đài Truyền hình TP.HCM, nhưng đến khi tận mắt chứng kiến thái độ của học trò đối với thầy ở trường, tôi mới thấy rằng, có rất nhiều những người thầy đang rất gần chúng ta, toả ra vẻ đẹp đích thực của nhà giáo dục mà ít người biết đến.


"Thực ra lúc đầu tôi không định theo nghề giáo, nhưng cha mẹ và anh chị em trong gia đình có nói: làm nghề này không giàu có, nhưng có rất nhiều tình cảm, vì thế, tôi đã quyết định theo nghiệp nhà giáo mà 5 anh chị em tôi đã chọn", thầy Hùng chia sẻ. Thầy nói vui, mỗi lần anh chị em tôi gặp nhau cuối tuần là cứ như họp hội đồng, vì ngoài 6 anh chị em làm nghề giáo, còn thêm hai dâu, rể nữa cũng làm nghề giáo.


Cơ duyên khiến thầy quyết định gắn bó với nghề cách đây 23 năm, lúc bắt đầu về nhận công tác ở huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.


Ở mảnh đất nghèo, giáp biên giới Campuchia đó, các em học sinh yêu mến thầy tha thiết ngay từ buổi đầu gặp gỡ, đến mức thầy cũng không nỡ chuyển công tác.


Có gia đình bán phở, dù có con không học thầy nhưng bao giờ cũng giảm giá bát phở cho thầy để tỏ lòng quý mến thầy giáo. Lứa học sinh đầu tiên thầy dạy những năm đó bây giờ ai cũng thành đạt và vừa qua mới bằng được gia đình thầy về Kiên Lương ôn lại kỷ niệm xưa. Về sau, do mẹ thầy ốm nặng, thầy mới chuyển công tác về Sài Gòn.


Không nỡ từ chối học sinh cá biệt


Ngẫm ra, trong gần 20 năm đứng trên bục giảng, điều níu kéo thầy Hùng ở lại với nghề giáo đến hôm nay là tình cảm sâu đậm của phụ huynh và học trò. Chính tình cảm của họ làm thầy thêm yêu nghề, nhiều đức tính mà thầy có là nhờ học trò "dạy" mình.


Thầy Hùng kể một kỷ niệm không bao giờ quên: Cách đây 10 năm, một cô học trò được thầy mời lên phát biểu trước lớp, nhưng nhắc thế nào, em học trò đó cũng chỉ nói lí nhí. Thầy bực mình quá nên la mắng và cho điểm thấp, em đi về chỗ và nhìn thầy vừa như trách móc, vừa như tủi thân.


Mấy ngày sau đó, thầy mới biết rằng, em học trò này bị phẫu thuật khối u ở cổ và không thể nói to được. Thầy nhớ lại hành động của mình, trào cả nước mắt và hôm sau, thầy đứng trước lớp, xin lỗi em học trò đó.



Thầy Hùng nói, sau sai lầm đó, thầy hiểu rằng, khi đứng trước một học trò "có vấn đề", trước hết phải tìm hiểu ngọn ngành đã. Nhiều em có thể nói là học sinh "cá biệt", nhưng khi vào "tay" thầy dạy dỗ, đã thay đổi rất nhiều.


Gần đây nhất là một cậu học trò là con một nữ văn sĩ, cha mẹ ly dị nên em ở với mẹ. Mẹ gây áp lực cho con trong việc học tập vì thế cậu bé chống đối, đến lớp không thuộc bài một câu nào. Cậu học trò này cứng đầu và lì đến mức mọi hình thức kỷ luật đều không "xi nhê". Thầy "chuyển tông" dỗ dành: Con thuộc được cái gì, con cứ đọc cái đó, thầy vẫn ghi nhận là con có học. Sau nhiều lần khuyến khích và động viên những nỗ lực dù nhất em đạt được, từ một cậu bé bị coi là hư, em đã trở thành học trò chăm ngoan như bao học trò khác.


Rất nhiều học sinh cá biệt đã được thầy cảm hóa, đến mức, năm nào lớp thầy chủ nhiệm, nhà trường cũng giao cho thầy vài em "đặc biệt". Thầy Hùng tâm sự, đứa trẻ nào cũng có thể giáo dục được, nếu tìm ra phương pháp thích hợp. Thầy chấp nhận thành tích thi đua của lớp mình có thể bị tụt chứ không nỡ từ chối và càng không muốn các em bị đuổi khỏi trường. Đuổi những em như vậy ra xã hội còn nguy hiểm hơn rất nhiều.


Theo thầy Hùng, bây giờ ngày càng nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt hơn. Có một hiện tượng khá phổ biến là các em hoặc chỉ sống cùng cha hoặc cùng mẹ. Có những em nhà giàu, được nuông chiều thái quá cũng rất khó dạy. Vì vậy, phải tìm hiểu hoàn cảnh của em trước thì mới tìm ra phương pháp dạy dỗ thích hợp.


Trong chuyện học thêm cũng vậy, đầu năm học các em đều hỏi thầy có dạy thêm không, thầy nói là có dạy, nhưng thường chỉ dạy các em ở trường khác đến học. Nếu các em cần, có thể hỏi thầy bất cứ lúc nào ở trường, hoặc nếu muốn học thêm thì nên học thầy cô khác. Thầy từng chứng kiến, có một em HS con nhà giàu ở trường khác đến nhà thầy xin học thêm, dù đã đóng tiền học mà không đi học cho một thầy giáo khác. Thầy Hùng cho rằng, đừng nói học trò không hiểu biết, mình làm bất kỳ điều gì không đúng thì các em cũng sẽ cảm nhận được. Khi mình đã làm không đúng thì không thể dạy các em được.

VietNamNet trích đăng vài dòng cảm xúc của các em học sinh lớp 11CD4, viết trong chừng 10 phút về thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, trường THPT Nguyễn Khuyến, Q10, TP.HCM.

"Thầy là người vui tính, nhiệt tình với HS, đôi khi rất nghiêm khắc. Giờ học của thầy luôn tràn ngập tiếng cười. Thầy là người luôn dạy em cho chúng em biết rằng luôn phải giữ gìn vệ sinh lớp mặc dù có những cô lao công, vì đó là thể hiện lối sống văn minh, tôn trọng sức lao động của người khác. Ngoài giờ học, thầy với chúng em như những người bạn, cười nói vô cùng thoải mái".


"Thầy Hùng là một người vui tính, mặc dù thầy rất nghiêm khắc và hay la nhưng tiết học của thầy rất thoải mái chứ không nặng nề và lo sợ. Mỗi tiết học thầy đều chọc cười cả lớp, bên cạnh đó chuyên môn của thầy rất tốt. Phương pháp của thầy không phụ thuộc vào sách giáo khoa nên nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn rất nhiều. Tuy thầy hay la nhưng mọi người vẫn không ghét thầy vì thầy la đúng và không chấp nhặt, qua hôm sau mọi chuyện lại bình thường, vui vẻ".

  • Hương Giang