Lời tòa soạn:

Có những câu chuyện về thầy cô lặng thầm nhưng mãi lưu giữ trong trái tim mỗi chúng ta - từ lời khuyên nhủ ân cần, ánh mắt động viên đến những bài học giản dị, ý nghĩa. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, VietNamNet trân trọng giới thiệu đến bạn đọc diễn đàn “Chuyện giản dị về người thầy” - để chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc, những trải nghiệm không thể nào quên với những 'người lái đò'. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang, quê Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Vật lý, là lớp phó trong lớp có 275 người. Khi tốt nghiệp, lớp thầy chỉ còn hơn 70 người vì nhiều sinh viên tới lúc gần tốt nghiệp phải ra chiến trường, cầm súng làm bộ đội...

Thầy Khang kể, thầy không may mắn được đi phục vụ chiến trường vì mắt và sức khỏe không đủ tiêu chuẩn, nếu không thầy đã lên đường như những anh em cùng học khác. Tốt nghiệp khoa Vật lý, thầy được giữ lại trường, dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên Toán, Đại học Tổng hợp - nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học Quốc tế từ những lứa đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu... Thầy gọi đó là duyên số, là điều may mắn trong cuộc đời đi dạy của mình.

Trong trí nhớ của thầy, một lớp chuyên thầy dạy chỉ trên dưới 20 học sinh, được chọn rất gắt gao từ các tỉnh về. Đa số các em đều rất khó khăn nhưng có những lớp thầy chủ nhiệm 25 học sinh thì tới 24 em đủ tiêu chuẩn nhận học bổng du học nước ngoài.

hanoi 7.jpg
Thầy Nguyễn Xuân Khang. Ảnh: Thạch Thảo.

"Thầy lúc đó rất nghèo, nghèo nhất trong số những người nghèo ở trường đại học. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn lên bục giảng. Vậy là cứ tối giặt, sáng mặc nên trong trí nhớ của nhiều học trò, thầy chỉ có một bộ quần áo đó", thầy Khang nhớ lại.

Thầy nghèo, học trò cũng nghèo. Thầy Khang nhớ mãi quãng thời gian dạy Vật lý, phụ trách một phòng thí nghiệm nhỏ, có 2 học sinh mở khoá vào lấy trộm đồ. Nghe một học sinh khác báo tin, thầy dặn: "Em đừng vội nói với ai, để thầy kiểm tra xem sao". Hôm sau, thầy kiểm tra thì biết mất mấy thứ lặt vặt như đồ chơi trẻ em, không có giá trị kinh tế. Thầy lặng lẽ gặp 2 học sinh lấy trộm:

- Các em lấy đồ ở phòng thí nghiệm của thầy?

- Vâng ạ, chúng em xin lỗi thầy.

- Mấy thứ đó đâu rồi?

- Dạ thưa, đang ở nhà em ạ.

- Chơi chán chưa, trả lại cho thầy được không?

- Dạ được, mai thầy cho chúng em mang vào ạ.

Thế rồi câu chuyện đến tai lãnh đạo khoa. Học sinh bị quy “trộm cắp tài sản”, thầy thì “bao che” tội của học trò.

Hội đồng kỷ luật họp, mời cả phụ huynh hai học sinh trộm đồ tới. Trong cuộc họp, thầy nói: "Về hiện tượng, việc này là một 'vụ trộm', nhưng bản chất thì không phải. Vì vật lấy trộm không có giá trị kinh tế, bán không ai mua, học sinh tò mò lấy về lắp ghép chơi với nhau và đã trả lại đầy đủ. Xét cho cùng, tôi có lỗi một nửa vì chủ quan không làm cho học sinh xem. Tôi xin bảo lãnh, để các em tiếp tục học ở đây". Phụ huynh khóc, học sinh cũng khóc và xin hứa sẽ chăm chỉ học tập, không tái phạm.

Hai học sinh đó được tiếp tục học ở khối chuyên toán và cuối năm đi du học ở Đức, hiện đều là những người thành đạt, nổi tiếng.

hanoi 5.jpg
Với thầy Khang, điều quan trọng hơn dạy kiến thức chính là dạy cách làm người. Ảnh: Thạch Thảo.

Cho tới bây giờ, kỷ niệm với học trò cũ vẫn im đậm trong trí nhớ người thầy 75 tuổi. Sau nhiều năm lăn lội với giáo dục, thầy Khang giờ đã tự tin khẳng định rằng mình không còn nghèo nữa. Không chỉ đơn giản tiền bạc, mà gia tài lớn nhất thầy có chính là những học sinh đặc biệt, những người được thầy đưa tay ra ôm vào lòng khi xã hội đang dần chối bỏ họ. 

Dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng với thầy Khang, còn một điều quan trọng hơn chính là dạy học sinh của mình cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế. Cuộc đời và sự nghiệp của thầy đã minh chứng rõ nét cho tinh thần giáo dục vị tha, vì học sinh và vì xã hội của những người làm thầy. Hình ảnh đó đã và đang truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học sinh và người dân Hà Nội.