Hôm 27/9, các cuộc đụng độ quân sự giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát trở lại ở vùng tự trị Nagorno-Karabakh, khu vực nằm trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng lại có dân cư và thành phần lãnh đạo chủ yếu là người Armenia.

Dù đây không phải cuộc xung đột vũ trang đầu tiên giữa hai nước thuộc vùng lãnh thổ Liên Xô cũ này, song nó vẫn được xem là cuộc giao tranh khốc liệt nhất kể từ sau các cuộc chiến trong giai đoạn 1988-1994, với những ghi nhận về hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có cả dân thường, cùng hàng trăm người khác bị thương.

{keywords}
Xe tăng Azerbaijan trúng đạn và bốc cháy trong cuộc giao tranh hôm 27/9. Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia

Trong một bài viết trên Business Insider, chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou cho rằng, yếu tố khiến cuộc đụng độ lần này trở nên phức tạp hơn là sự can thiệp từ trực tiếp đến gián tiếp giữa các nước lớn như Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, và Nga.

Thế cờ phức tạp

Armenia từ lâu đã được Nga hậu thuẫn. Quốc gia này có đặt căn cứ quân sự Nga, và là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow đứng đầu, một tổ chức quân sự tương tự NATO.

Trong khi đó, Azerbaijan lại là một đồng minh thân cận với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều phức tạp nằm ở chỗ, quốc gia này cũng có mối quan hệ rất tốt với Nga, dựa trên những nét tương đồng giữa hai nước trong thời kỳ Liên Xô cũ.

Theo ông Atlamazoglou, điều khiến các bên thứ ba lo ngại trong cuộc xung đột vũ trang lần này là sự an toàn của các đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên chạy dọc từ vùng Caucasus đến châu Âu. Một vài trong số những đường ống dẫn dầu của nước này nằm chạy dọc theo biên giới giữa Armenia và Azerbaijan.

Lo ngại về tình hình chiến sự leo thang giữa Armenia và Azerbaijan, cùng những hậu quả có thể xảy đến từ nó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo rằng "việc các lực lượng bên ngoài can thiệp vào vấn đề bạo lực đang leo thang là vô ích và chỉ làm căng thẳng khu vực thêm trầm trọng."

Dù vậy, theo cựu Thượng sĩ Hải quân Mỹ James Stavridis, tác động của NATO với vấn đề Armenia-Azerbaijan là rất hạn chế, do phần lớn khu vực này nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Thế đối đầu Nga – Thổ Nhĩ Kỳ

Các loại thiết bị bay không người lái được bán cho Azerbaijan bởi Israel và Thổ Nhĩ Kỳ, như TB2 Bayraktar, ThunderB, Orbiter 3, SkyStriker hay IAI Harop…. đang chứng minh tác dụng của chúng trong việc tấn công, trinh sát và thu thập thông tin tình báo.

Nhiều đoạn phim từ cuộc xung đột cho thấy quân đội Azerbaijan đang sử dụng rất hiệu quả các thiết bị bay không người lái này trong việc tấn công những khẩu đội pháo hay các đoàn xe tiếp tế, làm rối loạn hệ thống phòng không và gây thương vong lớn đối với các binh sĩ Armenia.

Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp đỡ Azerbaijan bằng cách chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ hậu cần cả trên không lẫn dưới mặt đất, nhưng quan trọng hơn cả, là cử lính đánh thuê từ Syria đến cùng chiến đấu và hỗ trợ cho quân đội Azerbaijan.

Thực chất, việc sử dụng lính đánh thuê vốn không phải là điều mới mẻ trong các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ankara đã triển khai gần 4.000 lính đánh thuê từ Syria, trong đó có một số quân nhân là cựu binh từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tới Libya để ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) của nước này.

Nhưng theo chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou, sự hiện diện của các loại thiết bị bay không người lái, cùng những hỗ trợ khác về mặt quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, dù có đem lại nhiều lợi thế trên chiến trường đối với Azerbaijan, song chúng có thể sẽ là cái cớ để Nga đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc xung đột này.

Ông Atlamazoglou cho rằng, lợi ích của Nga là duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các bên tham chiến, vì chỉ một sự thay đổi mang tính có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ hoặc một đối thủ khác cũng có thể gây hại cho vị thế của nước này trong khu vực.

Nếu sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại lợi thế cho Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia, hay bất kỳ cuộc tranh chấp chính trị hoặc ngoại giao nào khác, thì Moscow có thể nhảy vào hỗ trợ Armenia mà không cần đưa quân tham chiến.

Ví dụ, Nga có thể dựa trên những thỏa thuận an ninh để hỗ trợ Armenia về mặt quốc phòng. Nhờ đó, quân đội Armenia có thể triển khai nhiều hệ thống phòng không hiện đại hơn của Nga tới các khu vực đang xảy ra tranh chấp để đối phó với các thiết bị bay không người lái của Azerbaijan.

Ngoài ra, Nga có thể được phép bán khẩn cấp cho Armenia các loại vũ khí được thiết kế riêng để đối phó các mối đe dọa trên không từ nước láng giềng.

Hơn nữa, Moscow rất có thể tận dụng tình hình hình bất ổn để kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc chạy đua về tài chính và quân sự. Từ kinh nghiệm học được trong những lần đối đầu cả trực tiếp lẫn gián tiếp với Ankara ở Libya và Syria, Tổng thống Vladimir Putin có thể nhân cơ hội này để gây thêm bất ổn đối với nền kinh tế đang điêu đứng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chấm dứt tham vọng bành trướng của nước này tại khu vực Trung Đông.

Việt Anh

Vũ khí “làm mưa làm gió” trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan

Vũ khí “làm mưa làm gió” trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan

Máy bay không người lái đang chiếm vai trò lớn trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh, là vũ khí gây thiệt hại lớn nhất cho xe bọc thép, bệ phóng rocket đa nòng và tổ hợp phòng không Armenia.

Hình ảnh loạt pháo phản lực BM-21 của Armenia bị phá hủy

Hình ảnh loạt pháo phản lực BM-21 của Armenia bị phá hủy

Theo trang tin Azertag, ít nhất 8 hệ thống pháo phản lực BM-21 của Armenia bị các máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan tiêu diệt hôm 30/9.