Vào cuối tháng 11/2017, võ sĩ Harumafuji vẫn là một nhà vô địch sumo tại Nhật Bản với thứ hạng 70 trong trong lịch sử của danh hiệu cao nhất có tên "yokozuna", hay "Hinoshita kaizan" với hàm nghĩa chỉ những người lực sĩ "thiên hạ vô song".
Nhưng do anh đã ra tay tấn công một đồng nghiệp trẻ hơn trong quán bar vào ngày 25/10 vừa qua, khiến nạn nhân bị nứt sọ nên giới truyền thông Nhật Bản mới nhanh chóng đưa tin về sự việc nghiêm trọng này.
Cơ quan cảnh sát cũng buộc phải điều tra chi tiết trước khi có phát ngôn chính thức trước báo chí và dư luận. Điều đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Harumafuji.
Mới đây, đứng giữa hàng chục phóng viên đang tác nghiệp liên tục, võ sĩ danh tiếng ở xứ hoa anh đào tuyên bố sẽ chấm dứt sự nghiệp với đôi mắt đẫm lệ: "Từ bây giờ, tôi chính thức giải nghệ! Tôi thành tâm xin lỗi các bạn rất nhiều!".
Vụ bê bối trên gây tổn hại nặng nề tới hình ảnh của bộ môn thể thao truyền thống lừng danh tại Nhật Bản, song nó cũng không phải là trường hợp đầu tiên khiến công chúng phải quan tâm như vậy.
Đúng 10 năm trước, một võ sĩ 17 tuổi đang trong thời gian huấn luyện đã tử vong sau khi bị nhóm đàn anh cùng lò đào tạo tấn công dã man bằng vỏ chai bia và gậy bóng chày.
Giải đấu sumo chuyên nghiệp ở quốc gia này cũng dính vào nghi án dàn xếp kết quả nhằm phục vụ cho "công việc làm ăn" của các tổ chức băng đảng yakuza hoạt động trong lĩnh vực cá độ bất hợp pháp vào năm 2010.
Cùng năm đó, nhà vô địch sumo Asashōryū – vị "yokozuna" thứ 68 và cũng là thầy giáo của Harumafuji buộc phải tuyên bố giải nghệ sau cuộc ẩu đả xảy ra bên ngoài hộp đêm thuộc địa bàn thủ đô Tokyo.
Liệu những điều ấy có phải là dấu hiệu cho thấy bộ môn "quốc hồn quốc túy" đang chết dần trên chính quê hương của nó, khi mà khía cạnh kỷ luật vốn từng được coi trọng dường như đã không còn tồn tại.
Hay đây chỉ là một góc tối cố hữu của loại hình thể thao có tuổi đời lên tới 1.500 năm luôn được người trong cuộc cố tình che giấu?
Sự trỗi dậy của người Mông Cổ
Dù bắt nguồn từ nghi lễ truyền thống bên trong những ngôi đền của Nhật Bản vào khoảng 1.500 tới 2.000 năm trước, song các võ sĩ hiện nay lại không thể giữ được sự thống trị đối với bộ môn thể thao này khi mà chỉ có tổng cộng bốn võ sĩ "yokozuna" còn hoạt động cho tới cuối tháng 11 vừa qua.
Và ba người trong số đó, bao gồm cả Harumafuji đều là người gốc Mông Cổ. Nhiều quốc gia hay vùng lãnh thổ khác trên toàn thế giới cũng thường xuyên gửi đô vật tiềm năng tới các lò đào tạo sumo nội trú ở xứ hoa anh đào.
Mọi võ sĩ khi lựa chọn bộ môn sumo đều phải tuân theo hệ thống luật lệ vô cùng gắt gao được đặt ra từ xa xưa ở cả bên trong lẫn bên ngoài sàn đấu. Và việc có xuất xứ từ nước ngoài cũng không hề đem lại cho các học viên bất cứ đặc quyền nào cả.
Cụ thể, họ sẽ mặc trang phục truyền thống khi xuất hiện tại nơi công cộng, bao gồm việc búi tóc theo phong cách samurai.
Nếu phát sinh giao tiếp với người đối diện, các võ sĩ luôn phải thể hiện sự khiêm tốn và trang nghiêm, hay nói cách khác là cố gắng ép mình vào khuôn khổ của một "hinkaku" - con người có phẩm giá.
Hiệp hội Sumo Nhật Bản cũng đưa ra quy định mang tính bảo thủ rằng tất cả 45 lò đào tạo được công nhận trên toàn quốc chỉ có thể tiếp nhận tối đa một "gaikokujin", có nghĩa là người ngoại quốc vào bất kỳ thời điểm nào.
Và trong quá trình huấn luyện tại đây thì những người trẻ này, thường chỉ trong độ tuổi từ 15 đến 23 luôn phải cố học tập cách ăn uống, nói chuyện, thi đấu cũng như mặc trang phục theo đúng chuẩn truyền thống.
Nấu ăn, lau dọn và nhịn bữa sáng
Mỗi lò đào tạo đều có chế độ quản lý hết sức nghiêm ngặt, mà đứng đầu chính là một võ sĩ chuyên nghiệp đã giải nghệ.
Dĩ nhiên, những nơi này thường hoạt động không giống như các câu lạc bộ bóng đá khác trên thế giới, nơi bạn có thể tự do chuyển từ Manchester United sang chơi cho một đội tuyển khác ngay khi hết hợp đồng làm việc.
"Tân binh tiếp nhận chương trình huấn luyện quân ngũ lần đầu như thế nào thì đội võ sĩ sumo cũng y chang vậy. Họ sẽ phải gắn bó ở đây cho tới khi lui về hậu trường, hoặc chấp nhận từ bỏ ước mơ của một võ sĩ chuyên nghiệp.
Đồng thời, họ cũng làm rất nhiều công việc khác nhau trong ngày, bao gồm nấu nướng, dọn dẹp hay gọt vỏ khoai tây. Và tất cả đều phải học theo phong cách Nhật Bản ngay từ điều nhỏ nhặt nhất", chuyên gia về bộ môn sumo ông Mark Buckton chia sẻ.
Võ sĩ sumo đều phải nuôi tóc dài, thường là tới ngang lưng nhằm giúp các chuyên gia tạo mẫu của lò đào tạo có thể sắp xếp chúng thành những kiểu đầu truyền thống đầy phức tạp.
Bởi vậy, họ chỉ gội đầu từ hai tới bốn lần mỗi tháng và sử dụng dầu sáp bintsuke để giữ cho mái tóc luôn bóng mượt. Đây chính là nguyên nhân khiến võ sĩ sumo phải xuyên mang theo lọ đựng mùi thơm ngòn ngọt từ loại hương liệu có nguồn gốc từ đậu nành này.
Bên cạnh quá trình tập luyện hằng ngày, chế độ ăn uống của các võ sĩ sumo tập sự cũng được lò đào tạo quản lý rất nghiêm ngặt.
Ông Buckton cho biết: "Dù ăn rất nhiều, chủ yếu là lẩu thịt cùng rau xanh và thêm một bát cơm gạo lớn vào buổi trưa. Nhưng điều quan trọng nhất giúp họ nhanh chóng tăng cân là phải đi ngủ ngay sau khi dùng bữa xong.
Đặc biệt hơn, việc tập luyện của đội võ sĩ mới sẽ diễn ra vào khoảng 5 giờ sáng khi mà dạ dày vẫn còn trống rỗng. Nếu càng thực hiện sát sao theo chế độ này thì chúng tôi càng có thể tạo ra nhiều ứng viên chất lượng cao, tham gia thi đấu trong các mùa giải hàng đầu ở Nhật Bản".
Không lương, không điện thoại, không bạn gái
Tổng cộng sáu giải thi đấu sumo chuyên nghiệp quy mô lớn được tổ chức hằng năm tại Nhật Bản. Hiện có khoảng 650 võ sĩ sumo còn hoạt động và chia làm sáu hạng thi đấu khác nhau.
Họ chỉ tìm được cơ hội thăng hạng bằng cách liên tiếp đánh bại nhiều đối thủ, đồng thời giảm thiểu tối đa số lần thua trận của mình. Bởi vậy, hạng thi đấu cao nhất chỉ bao gồm 60 võ sĩ hàng đầu.
Riêng các đối tượng thuộc bốn hạng thi đấu thấp nhất đều phải làm việc không công suốt thời gian khá dài, phải diện một chiếc áo yukata truyền thống cùng đôi guốc geta cả ngày giữa trời đông lạnh giá.
Một võ sĩ thực sự tài năng phải tốn khoảng hai tới ba năm để leo lên hạng thi đấu thứ hai và bắt đầu nhận mức tiền lương tương xứng với danh vọng của bộ môn thể thao hàng đầu Nhật Bản.
Cụ thể, mỗi võ sĩ hạng hai đều thu về số tiền tối thiểu gần 1,4 triệu yên mỗi tháng (tương đương khoảng hơn 270 triệu đồng), tối đa lên tới 7 triệu yên (tương đương khoảng 1,35 tỷ đồng) đã bao gồm cả tiền tài trợ quảng cáo.
Nhưng tiền tài cũng không phải là đãi ngộ duy nhất sau khi họ chứng tỏ được năng lực trên sàn đấu danh giá: Với khối gia sản kếch xù, họ hoàn toàn có thể thuê được tài xế riêng dù bản thân bị cấm lái xe hơi!
Đó cũng chính là biểu tượng cho địa vị cấp cao mà võ sĩ tài năng sỡ hữu, hoặc đôi khi cũng là điều cần thiết bởi đa phần họ đều sở hữu vòng hai khổng lồ gây khó khăn trong việc điều khiển phương tiện giao thông.
Về lý thuyết, việc sở hữu điện thoại di động cũng như có bạn gái đều không được tồn tại với các võ sĩ thi đấu từ hạng ba trở xuống.
Phụ nữ cũng bị cấm sinh sống bên trong khuôn viên của lò đào tạo. Nói cách khác, nếu thuộc bốn hạng thấp nhất, họ sẽ chẳng có cơ hội kết hôn với người mình yêu trừ khi quyết định giã từ sự nghiệp.
Nghiêm trọng hơn, nếu một võ sĩ hạng hai bị thương trong quá trình thi đấu dẫn tới việc rớt xuống hạng ba thì anh ta buộc phải "bỏ rơi" vợ con bên ngoài để quay lại những lò đào tạo với kỷ luật thép.
Vậy hình phạt gì sẽ chờ đợi những võ sĩ trẻ tuổi không thể đạt tiêu chuẩn mà người đứng đầu mong muốn, hoặc khi dám lên tiếng phản đối về chế độ luyện tập cùng cuộc sống vô cùng hà khắc tại đây?
"Bạn có thể dễ dàng bắt gặp những học viên với hàng loạt vết roi đỏ chót hằn trên lưng, đó là sự trừng phạt cho việc họ chưa chịu cố gắng hết mình trong quá trình luyện tập. Đồng thời, việc hành hạ các võ sĩ non nớt là chuyện xảy ra như cơm bữa.
Dẫu một võ sĩ sumo từng nhận được khoản tiền bồi thường lên tới 32,4 triệu yên (tương đương hơn 6,5 tỷ đồng) sau khi phải chịu đựng việc bị hành hạ mỗi ngày tại lò đào tạo vào năm 2006, song anh này lại bị mù lòa vĩnh viễn một bên mắt", ông Buckton nhấn mạnh.
Sau khi võ sĩ 17 tuổi Takashi Saito bị đánh chết vào năm 2017, nhà vô địch đạt danh hiệu "yokozuna" thứ 69, anh Hakuhō đã chia sẻ về những trải nghiệm của chính bản thân khi mới gia nhập làng sumo.
"Bạn có thể nhìn vào tôi bây giờ, đó là khuôn mặt tràn đầy sự hạnh phúc. Vậy mà tôi từng phải khóc mỗi ngày khi phải chịu đựng những trận đòn như tra tấn kéo dài hơn 45 phút từ các đàn anh ở lò huấn luyện.
Dù biết họ chỉ muốn tốt cho tôi nhưng cơn đau đớn cứ dồn dập ập đến vào khoảng 20 phút đầu tiên. Sau đó, mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn bởi cơ thể tôi dần chai lì hơn với mọi thứ", anh Hakuhō kể lại.
Phá vỡ sự im lặng
Vì sao bộ môn thể thao với truyền thống trừng phạt học viên này lại có thể gây sức ép khiến Harumafuji phải giã từ sự nghiệp sau khi hành hung một võ sĩ trẻ tuổi?
Ông Buckton nhận định: "Với truyền thống tồn tại hơn 1.500 năm thì nguyên tắc giữ im lặng trong giới võ sĩ sumo đã trở nên vô cùng mạnh mẽ. Và do vụ hành hung xảy ra ngay bên trong một quán bar đông người nên anh ấy mới gặp rắc rối nghiêm trọng tới mức đó.
Cũng bởi vậy, việc đào tạo đầy khắt khe cùng những hình phạt nặng nề về mặt thể xác mới có thể tồn tại bên trong các lò đào tạo suốt nhiều thế kỷ qua mà không gặp phải sự phản đối nào từ phía dư luận".
Dù gặp nhiều vấn đề nan giải, song loại hình sumo vẫn chưa hết sức nóng ở Nhật Bản ngay cả khi gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các môn thể thao mới du nhập vào nước nhà như bóng chày hay bóng đá.
Hiệp hội Sumo thuộc xứ hoa anh đào cũng đưa ra nhiều chương trình quảng bá thông minh nhằm tăng sức hút cho bộ môn "quốc hồn quốc túy" từ dân tộc mình.
"Hiện chưa phải là lúc để lo lắng cho tương lai của sumo. Tuy nhiên, chúng tôi phải lên tiếng khẳng định những giá trị cốt lõi của bộ môn thể thao này và kịch liệt phản đối trước hành vi phản cảm từ phía võ sĩ.
Nếu không làm được điều đó thì các vận động viên tiềm năng sẽ rời bỏ hết, bởi chẳng ai có thể chấp nhận khi phải làm việc lâu dài trong một môi trường đầy tai tiếng như vậy", ông Buckton kết luận.
Theo GenK