Rác thải sinh hoạt đang được xem là vấn nạn tại nhiều đô thị trên đà phát triển. Tại trung tâm TP Đông Hà (Quảng Trị), mỗi năm lực lượng chức năng phải xử lý hàng trăm tấn rác thải bị người dân vứt lăn lóc dọc đường hay trôi theo các dòng cống.

Sau khi kiểm tra mức nước trong cống, bước đầu đội sẽ nạy nắp cống

Một buổi trưa giữa tháng Tư, đang lúc ăn cơm thì có tin báo cống thoát nước tại chợ Đông Hà (phường 1, TP Đông Hà) gặp sự cố về dòng chảy. Ngay lập tức, đội công nhân xử lý nước thải thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị (MT&CTĐT) TP Đông Hà đặt vội bát đũa, mang đồ phòng hộ và có mặt tại nơi gặp sự cố.

Sau đó, họ sẽ xuống kiểm tra 21 điểm cống/ngày

Sau khi mang đầy đủ đồ bảo hộ, 2 người cùng nhau bật nắp cống và đợi khoảng 20 phút cho không khí vào, thoáng khí. Sau đó họ tiến xuống nơi mà được người đi chợ ví rằng “chết đi còn sướng hơn xuống dưới đó” để khai thông dòng chảy.

Kiểm tra lượng nước trong cống qua thiết bị hiện đại

Mùi dưới đấy quả thực là quá kinh khủng, nhiều người còn không dám đến gần nhưng những người công nhân này thì chui xuống một cách không đắn đo.

Đội công nhân khom người đi đến nơi xảy ra sự cố bên trong cống
Từng xô đất đá bùn lầy được họ chuyền tay nhau đưa ra khỏi cống

Để tránh tuyệt đối rủi ro xảy ra nên đội công nhân có ca trực chiều đó sẽ luân phiên nhau xuống cống. Cứ vài phút sẽ thay đổi người xuống một lần.

Khi gặp sự cố cấp bách, họ thậm chí phải đục cả lớp bê tông để có chỗ vào

Dụng cụ các anh mang theo lúc xuống là một chiếc bay nhỏ, một cái thau nhỏ để vớt rác thải lên. Do mới nạo vét ít ngày trước nên giờ cống hiện đã sạch sẽ hơn. Chỉ là do người dân vứt bao bì không đúng nơi quy định nên khi gặp mưa, rác sẽ cùng dòng chảy trôi xuống gây tắc nghẽn cống.

Rác thái theo dòng chảy ứ đọng về các miệng cống với khối lượng lớn khiến công việc của những công nhân môi trường rất vất vả

Khom người đi trong cống vài mét, cuối cùng họ cũng đã đến được nơi tắc nghẽn. Đội công nhân không ai bảo ai, lập tức bắt tay vào việc, người thì bới móc, người dùng bay xúc đất cát, người cầm xô truyền tay nhau đổ ra ngoài.

Những công nhân môi trường không kể giờ giấc, bất chấp thời tiết mưa nắng hàng ngày vùi mình trong các cống nước để xử lý rác thải bị ùn tắc.

Những người công nhân làm công việc này 24/24h. Cứ hễ chỗ nào gặp trục trặc thì họ liền có mặt. Bất kể nắng mưa, giữa trưa hay đêm tối. Cứ khi nghe điện thoại reo họ sẽ có mặt.

Chị Nguyễn Thị Chi (SN 1987, tiểu thương tại chợ Đông Hà) niềm nở: “May có các chú chứ không thì khi cống tắc nghẽn, mùi hôi thối nồng nặc như này chúng tôi không biết kêu ai”.

Lượng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều cùng với ý thức một bộ phận người dân chưa tốt khiến công việc của công nhân môi trường ngày càng vất vả.

Ông Nguyễn Đình Quang Văn - Đội phó Đội Chiếu sáng - Thoát nước, Công ty CP MT&CTĐT TP Đông Hà) cho biết: “Hiện nay, trong thành phố vẫn đang còn một bộ phận người dân chưa có ý thức trong việc vứt rác dẫn đến việc rác ứ đọng khiến cống bị tắc nghẽn. Rất mong người dân có ý thức trong việc vứt rác, vì một thành phố xanh - sạch - sáng”.

Bảo Lâm - Quang Thành