- "Câu hỏi mở là điểm ấn tượng nhất với em khi nói đến việc thế hệ thanh niên hiện nay cần làm gì để tăng tinh thần đoàn kết đại dân tộc" - Bùi Thị Vân Anh hào hứng. Các giáo viên cho rằng, với đề thi này, học sinh có cơ hội để trình bầy suy nghĩ của mình.

Nhiều học sinh nhận định chung đề thi môn Sử năm nay có tính phân loại cao. Em Đinh Phương An (THPT) nhận xét đề thi năm nay dài và khó hơn so năm ngoái.

{keywords}
Ảnh: Lê Văn

An chia sẻ: Cấu trúc đề cũng như năm ngoái thôi nhưng các ý dẫn vào để yêu cầu học sinh phân tích không được cho rõ ý như đề năm ngoái. Bản thân An còn một câu chưa làm kịp mà theo em là quá khó khi đề yêu cầu nêu ý kiến của bản thân về quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị. An dự kiến được khoảng 6 điểm.

Em Bùi Thị Vân Anh (Trường THPT Minh Khai, Quốc Oai, Hà Nội) nhận xét, đề thi phân loại rất tốt. Khi có những câu khó nhưng cũng có những câu rất dễ để các bạn chỉ thi để xét tốt nghiệp kiếm được 3 điểm.

Theo Vân Anh, với học lực khá học sinh không khó có thể kiếm được 6-7 điểm. Bản thân Vân Anh làm hết đề trong vòng 150 phút và có dư 30 phút để khảo bài. Câu hỏi mở là điểm ấn tượng nhất với em khi nói đến việc thế hệ thanh niên hiện nay cần làm gì để tăng tinh thần đoàn kết đại dân tộc. Bởi Vân Anh cho rằng đây là một vấn đề rất thời sự trong bối cảnh hiện nay gắn với học sinh, sinh viên.

Thí sinh Huỳnh Đức Thanh Bình, Trường THPT Hòa Bình cho biết đề thi rất mở, các câu hỏi dàn đều và cân bằng giữa phần lý thuyết và phần lý luận đòi hỏi sự phân tích của thí sinh. “Em tâm đắc và tự hào khi làm câu “phân tích chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”- Bình cho biết. Bình tự chấm được khoảng 7.

Thí sinh Trần Quang Hòa, TTGDTX Tân Bình cho rằng, so với năm trước đề thi năm nay có 60% là câu hỏi lý thuyết. Một số câu hỏi đòi hỏi yêu cầu vận dụng tư duy và phân tích như “thực hiện đại đoàn kết dân tộc”. Quang Hòa mong muốn những câu hỏi này được ra nhiều hơn vì đây là những câu hỏi bộc lộ khả năng cũng như sự hiểu biết của bản thân về lịch sử. “Em tin sẽ được 8 hoặc 9 điểm”.

{keywords}
Thí sinh hào hứng vì làm được bài (Ảnh: Lê Văn)

Còn thí sinh Nguyễn Thị Anh Thư - thí sinh tự do, đề thi được ra theo xu hướng hiểu và vận dụng. Thư cho biết “Em học bài đúng đề nhưng đề yêu cầu phần tích nên hơi run. Vì vậy không biết phản ứng của em đúng hay sai, nhất là câu hỏi về sự tương tác giữa chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Đông Xuân, mặc dù viết rất nhiều và hay nhưng không dám chắc đúng chuẩn. Hi vọng em được 7 điểm để xét vào ĐH Sư phạm”- Thư nói.

"Học sinh được trình bầy suy nghĩ"

Cô Lương Thị Hạnh (Tổ trường tổ Lịch sử, Trường THPT Hoằng Hóa 4, Thanh Hóa) cho rằng, đề thi Lịch sử năm nay tiếp tục được ra theo hướng đổi mới, không yêu cầu học sinh nhớ máy móc, học thuộc kiến thức SGK.  Bên cạnh đó, cấu trúc đề thi có sự phân hóa rõ ràng đối với học sinh thi xét tốt nghiệp và xét đại học. 

Học sinh có học lực trung bình sẽ làm tốt câu 1, câu 2 vì đã có bảng dữ liệu. Đây là những câu hỏi yêu cầu học sinh hiểu rõ sự kiện mà không cần học thuộc. 

Câu 3 và câu 4 yêu cầu học sinh ở mức cao hơn, không chỉ nhận biết mà còn phân tích, đánh giá được sự kiện. Đặc biệt, cả hai đều có câu hỏi mở nhưng đều cần học sinh nắm rõ kiến thức cơ bản, không đánh đố học sinh.  Hai câu này yêu cầu học sinh có năng lực trình bày, phân tích, đánh giá sự kiện.

{keywords}
Ảnh: Lê Văn

Theo cô Hạnh, đề thi tưởng chừng không có tính thời sự khi không nhắc đến một sự kiện lịch sử nào. Tuy nhiên, câu hỏi về chính sách đại đoàn kết dân tộc không mới nhưng luôn là vấn đề nóng bỏng, được nhà nước quan tâm, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Thông qua đề thi, học sinh có thể thấy được tầm quan trọng của chính sách đại đoàn kết. Nếu thường xuyên quan tâm đến những vấn đề thời sự gần đây của đất nước, các em làm phần này sẽ càng tốt hơn.

Cô Hạnh đánh giá,với đề thi này, học sinh có cơ hội để trình bầy suy nghĩ của mình. Điểm số ở những phần này có thể ít nhưng là cơ sở quan trọng để đánh giá học sinh giỏi. Cùng với đó, đáp án sẽ linh hoạt trên cơ sở kiến thức chuẩn. Trên thực tế, sẽ có những học sinh có vốn hiểu biết xã hội rất rộng và sâu sắc. Vì vậy, với những câu hỏi mở, những gì học sinh trình bày có thể còn vượt ra ngoài đáp án khiến giáo viên ngạc nhiên.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Trường THPT chuyên Sư phạm (Hà Nội) nhận xét, đề thi Sử đang dần dần tiệm cận với việc đổi mới cách ra đề. Đề năm nay nhẹ nhàng hơn và khả năng đạt điểm 8 của học sinh không khó. Câu 1 và 2 thuần túy là lý thuyết nhưng không cần học thuộc. Với học sinh chuyên, giỏi Sử, các em hoàn toàn có thể đạt 8,5- 9 điểm.

Cô Hà ủng hộ cách ra đề thi có sử dụng bảng dữ liệu để học sinh không nhớ máy móc dữ kiện và tăng khả năng vận dụng kiến thức. Cô cho biết, ở trường có nhiều học sinh rất yêu thích môn Lịch sử, đặc biệt là học sinh các lớp chuyên Toán. thậm chí, các em còn lập các câu lạc bộ Lịch sử để cùng tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản Lịch sử nhiều nguồn. Các chính khách, các nhà Sử học về trường trò chuyện, chia sẻ về lịch sử và nhiều vấn đề của đất nước hiện nay cũng khiến các em thay đổi nhận thức, chú trọng đến tích lũy hiểu biết xã hội.

Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên môn Sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết, đề thi đã đáp ứng được 2 mục tiêu của 2 đối tượng thí sinh xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào đại học khối C.

 Yêu cầu của các câu hỏi của đề thi đáp ứng “ma trận đề” của Bộ GD-ĐT theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dung cao với các cụm từ “trình bày”, “kể tên”, “nêu” đến “phân tích”, “cho biết ý kiến”, “phát biểu suy nghĩ”. Đề thi có tính phân loại, phân hóa cao.

Tôi tâm đắc câu 3 và câu 4. Đây là 2 câu hỏi mang tính tư duy, có khả năng phân hóa cao để tìm ra được những bài thi đạt điểm cao vì nó rèn luyện cho thí sinh kỹ năng vận dụng, liên hệ, khả năng chọn lọc, trình bày và nhận xét kiến thức lịch sử.

Đặc biệt là câu 4, theo tôi đây mới là điểm sáng, điểm nhấn của đề thi vì câu hỏi này giúp các em học sịnh có cơ hội trình bày khả năng nhận xét và nêu quan điểm, chính kiến của mình về chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh của tình hình quốc tế và trong nước đã và đang diễn ra nhiều thay đổi phức tạp, khó lường liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia dân tộc, chủ quyền biển đảo ở Biển Đông. ...

Đáp án đề thi môn Lịch sử THPT quốc gia năm 2016

Đáp án đề thi môn Lịch sử tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016. Cập nhật đáp án gợi ý môn lịch sử cho phụ huynh và sĩ tử tham khảo trong khi chờ đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT.

Nhóm phóng viên