Trong chất vấn Bộ trưởng Nhạ hôm qua, một ĐBQH đã dẫn một câu chuyện khiến cả hội trường cười rộ lên. ĐB kể rằng, trong phòng thi sẽ có một thí sinh nắm vai trò làm bài chính. Hễ thí sinh này ho một tiếng tức là đáp án 1, ho 2 tiếng là đáp án 2...

Xem lại bài 1: Cái chong chóng đang thử thách Bộ trưởng Nhạ

Tại nghị trường hôm 16/11, các vị đại biểu đã chất vấn kỹ lưỡng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ quanh câu chuyện thi cử. 

Hẳn nhiều người còn nhớ, khi trình bày về phương án đổi mới thi cử trên VietNamNet tháng 9 vừa rồi, một vị khách mời từ ĐHQG Hà Nội (không giới thiệu tên) đã khoe, trường này có hẳn một ngân hàng câu hỏi với số lượng lớn.

Về cái gọi là “ngân hàng câu hỏi”

Có điều khác thường, vẫn theo vị khách này, các câu hỏi trong đó đươc “chuẩn hóa” mà “không cần thi thử” để đảm bảo các tiêu chí cốt lõi của chất lượng câu hỏi. Làm như vậy e rất chủ quan. Quy trình “chuẩn hóa” các câu hỏi như vị khách mô tả đã quen từ xa xưa mỗi khi soạn đề thi, song chúng đo lường như dự định hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

{keywords}
Thi trắc nghiệm đang được dư luận xã hội quan tâm trao đổi. Ảnh minh họa: thanhnien

Vì thí sinh không phải là người biên soạn thu nhỏ về các phương diện tâm lí lứa tuổi, mức nhận thức, v.v … Cái gọi là “quy trình chuẩn hóa” đó hoàn toàn do chủ quan người viết câu hỏi, né tránh các khâu vô cùng quan trọng có vai trò đảm bảo chất lượng cho câu hỏi. Chính vì lí do đó người ta phải thi thử mọi câu hỏi trước khi nạp vào ngân hàng, chứ không chỉ thi thử một số câu chiếu lệ.

Với quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi như vậy và trích xuất ra cho mỗi thí sinh một đề thi “tương đương” là chuyện hài hước. Hơn nữa, chỉ hơn kém nhau ½ điểm là quá đủ để được vào đại học hoặc đứng ngoài cổng trường. Độ khó phải như nhau cho mọi thí sinh thi cùng đợt, chứ không thể “tương đương”.

Lâu nay, đến trường nào người ta cũng được nghe câu tương tự về cái gọi là “ngân hàng câu hỏi”: “Trường chúng tôi có hàng vạn câu hỏi trong ngân hàng,” v.v... Song, bên trong chúng như thế nào là một câu hỏi còn to hơn cả cái ngân hàng kia.

Tôi cho rằng sau ba năm triển khai theo quy trình “đi tắt đón đầu” như vậy và chưa có công bố kết quả nghiên cứu được kiểm chứng về chất lượng câu hỏi, như độ khó, độ tin cậy, khả năng phân loại, … thì khó có thể khẳng định được ngân hàng câu hỏi (IB) có chất lượng. Nếu thiếu khâu thi thử và phân tích để đảm bảo chất lượng từng câu hỏi, thì IB này của ĐHQG Hà Nội không khác gì các IB của các trường khác trên khắp cả nươc.

Được biết, UCLES của Vương quốc Anh có gần 200 năm kinh nghiệm đánh giá giáo dục, ETS của Mĩ có gần 70 năm kinh nghiệm vẫn tiến hành thi thử các câu hỏi (tất cả các môn) khi xây dựng IB, gửi câu hỏi đến các nhà chuyên môn khắp nơi, trong đó có Việt Nam, thuê góp ý tránh thiên lệch văn hóa (culture bias), …

Ai cũng biết số lượng câu hỏi càng nhiều càng có lợi cho TS; thí sinh vì lí do nào đó yếu ở nội dung này còn có cơ hội ở nội dung khác, độ bao quát chương trình cũng rộng hơn, và càng cho phép đo tin cậy hơn … Bài thi ngoại ngữ gồm 40 câu hỏi là quá ngắn để “đánh giá năng lực”, càng không thích hợp để tuyển sinh cho các trường, khoa chuyên ngoại ngữ.

Vậy bao nhiêu câu là vừa cho bài thi này? Hãy hỏi các thầy cô đang dạy môn này; giáo dục càng phải tôn trọng dân chủ?

Khái niệm “năng lực” cần định nghĩa

Cụm từ “Đánh giá năng lực” (ĐGNL) gần đây đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Tôi không rõ bao nhiêu người trong số đó thật sự hiểu nội hàm của cụm từ này hay chỉ là … nói theo.

Có bài thi “đánh giá năng lực” tức là có bài thi “không đánh giá năng lực”. Đó là phép so sánh liên tưởng.

Tôi “lọ mọ” tìm hiểu và so sánh bài thi môn tiếng Anh ĐGNL của ĐHQG Hà Nội với bài thi THQG của Bộ GD-ĐT. Với kiến thức hạn hẹp của mình, tôi cố gắng đối chiếu mà không thấy sự khác biệt giữa hai đề thi này về “năng lực” cần đánh giá.

Thiết nghĩ, khái niệm “năng lực” trong trường hợp này cần được định nghĩa tường minh để các nhà giáo dục, giáo viên và học sinh được biết, vừa tốt cho quá trình dạy và học, và tránh được việc ông nói gà, bà nói vịt.

Với sự bất cập của việc gộp hai mục đích trong một đề thi, thiết nghĩ nên tách thành 02 bài thi. Với thí sinh có nhu cầu tốt nghiệp làm bài riêng kiểm tra kết quả học tập phổ thông. Bài thi này nên giao cho các Sở GD tổ chức toàn bộ. Bài thi tuyển sinh đại học nên duy trì hình thức “ba chung”. Trong mục thăm dò ý kiến về kỳ thi trung học quốc gia trên báo VietNamNet, người viết bài này bỏ một phiếu cho phương án “Giao các sở GD-ĐT xét tốt nghiệp, tổ chức tuyển sinh đại học theo phương thức ‘ba chung’” (31.49%).

Song, với cơ cấu các môn thi trung học quốc gia như dự kiến, rất có thể một số trường đại học sẽ yêu cầu thí sinh làm bài “kiểm tra đầu vào” vì đặc thù chuyên ngành.

Cái chong chóng sẽ còn quay! Người thì bảo ngành giáo dục sắp có cái.... chìa vôi?*

Nguyễn Phương

* Chìa vôi là một dụng cụ ăn trầu của người Việt. Sau khi vôi được lấy từ trong bình ra, người ta dùng chìa vôi để quết lên mặt lá trầu.