- "Thị trường âm nhạc bây giờ quá lộn xộn. Nhạc sĩ sáng tác kiểu gì cũng phải cho tim, gan, phổi, các bộ phận khác của cơ thể vào ca từ của bài hát. Còn ca sĩ trên sân khấu ăn mặc hở hang, uốn éo quằn quại để thể hiện sự giằng xé, đau đớn con tim, theo chủ đề bài hát", nhạc sĩ Hoàng Dương chia sẻ.

Gặp PGS, nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Ngô Hoàng Dương trong buổi chiều thu Hà Nội, ở tuổi 80, đã yếu nhiều nhưng khi nhắc tới âm nhạc, mắt ông vẫn ánh lên nỗi niềm trăn trở về nền âm nhạc nước nhà.

Ông bảo: "Thị trường âm nhạc bây giờ quá lộn xộn. Nhạc sĩ sáng tác kiểu gì cũng phải cho tim, gan, phổi, các bộ phận khác của cơ thể vào ca từ của bài hát. Còn ca sĩ trên sân khấu ăn mặc hở hang, uốn éo quằn quại để thể hiện sự giằng xé, đau đớn con tim, theo chủ đề bài hát.

Thêm vào đó, nhà đài vì lợi nhuận, vì những hợp đồng "béo bở" đã và đang góp phần truyền đi những ca khúc lố lăng tới khán giả bởi nhưng chương trình đó thường được phát vào giờ vàng. Trong khi đó, âm nhạc cổ điển lại bị phát vào giờ mà khán giả đã đi ngủ hết (từ 23h30 trở đi) để lấp chỗ trống. Một thị trường âm nhạc đáng buồn!".

Tuy nhiên khi người viết hỏi nhạc sĩ về chương trình Điều còn mãi mà ông là cố vấn âm nhạc, đôi mắt ông ánh lên niềm vui.

Nhạc sĩ Hoàng Dương

Nhạc sĩ Hoàng Dương là cố vấn âm nhạc cho Điều còn mãi từ những năm đầu tiên tổ chức. 3 năm trước nhạc sĩ Hoàng Dương đều có tác phẩm được trình bày trong Điều còn mãi như: Những kỷ niệm quê hương (2009), Hát ru (2010), Hướng về Hà Nội (2011). Tuy nhiên, năm nay ông chỉ tham gia cố vấn âm nhạc mà không có tác phẩm nào. Tôi hỏi ông có buồn không, ông bảo: "Cũng không buồn lắm, 3 năm liền tác phẩm của mình được các ca sĩ thể hiện trong Điều còn mãi là một vinh dự lớn lao. Năm nay, nhạc sĩ Dương Thụ chọn một số tác phẩm của nhạc sĩ phía Nam cho thêm phần phong phú. Do vậy mình phải nhường phần vinh dự này cho các nhạc sĩ khác nữa".

3 năm liền gắn bó với Điều còn mãi nhưng mỗi năm, cảm xúc của ông trước "buổi mít tinh bằng âm nhạc" này đều khác nhau. Với Điều còn mãi 2012, ông nói rất ấn tượng với Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy bởi ông coi Tình ca như "người tình" của mình. "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi, mẹ hiền ru những câu xa vời à ơi tiếng ru muôn đời.../ Tiếng nước tôi muôn ngàn năm ròng rã buồn vui khóc cười theo mệnh nước nổi trôi....Tôi yêu tổ quốc tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh...".

Với những ca từ đẹp trong bài Tình ca, nhạc sĩ Hoàng Dương cho rằng nó sẽ rất hợp với tôn chỉ của Điều còn mãi là khơi dậy lòng yêu nước của dân tộc. Nhạc sĩ Hoàng Dương cũng mừng vì đã 3 năm qua, tôn chỉ của Điều còn mãi không thay đổi và việc duy trì được chương trình hàng năm là điều đáng hoan nghênh trong lúc thị trường âm nhạc còn lộn xộn như hiện nay.

Khi hỏi nhạc sĩ Hoàng Dương có sợ Điều còn mãi sẽ không thu hút được sự chú ý của phần đông khán giả bởi chỉ toàn các sáng tác chính thống, sân khấu không bắt mắt và tuyệt nhiên không có phần "nhảy nhót" phụ họa? ông cho biết chính điều này mà Điều còn mãi càng phải duy trì. Không dám nói chỉ một chương trình Điều còn mãi sẽ thay đổi được cả một thị hiếu âm nhạc lổn nhổn như hiện nay nhưng ông chắc rằng nó đã và đang góp phần định hướng gu âm nhạc cho khán giả.

Hòa nhạc VietNamNet "Điều còn mãi" sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 14h00 ngày 2/9/2012. “Điều còn mãi” được tài trợ bởi Ngân hàng thương mại thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank (Nhà tài trợ Vàng), tập đoàn Vingroup (Nhà tài trợ Bạc), Tổng Công ty  cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (Nhà tài trợ Đồng) và công ty Cổ phần Truyền thông VMG (Đồng tài trợ).

Tình Lê