Chưa bao giờ có chuyện ‘lỗ vẫn phải bán’

Câu chuyện thứ nhất liên quan đến giá điện, được kìm suốt 4 năm nay bất chấp sự thay đổi lớn trong cơ cấu sản xuất ngành điện như tỷ trọng điện tái tạo là điện gió, điện mặt trời tăng cao và nhất là giá nguyên, nhiên liệu đầu vào đã biến động rất cao trên thế giới.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải kêu lên rằng, họ gặp "khó khăn chưa từng có" vì càng sản xuất càng lỗ. Báo cáo của EVN tháng 1/2023 cho biết, năm 2022 số lỗ lên tới 28.876 tỉ đồng. EVN cho rằng, nếu giá điện vẫn giữ như hiện hành thì năm 2023 sẽ tiếp tục lỗ 64.941 tỉ đồng.

Như vậy mức lỗ cho cả hai năm lên tới 93.817 tỉ đồng. Tập đoàn này bày tỏ lo ngại đến hết tháng 5-2023 công ty mẹ - EVN - sẽ không còn tiền trong tài khoản và đến tháng 6 sẽ thiếu hụt tiền thanh toán.

Phải nói thẳng, những thông tin trên là rất đáng lo ngại, đòi hỏi sự hiểu biết, dũng khí của các nhà hoạch định chính sách để xử lý.

Một mặt, người dân sẽ rất khó chấp nhận việc tăng giá điện, cũng như tăng giá nhiều loại hàng thiết yếu khác vì chi phí cuộc sống đã trở nên rất đắt đỏ và việc làm, thu nhập của họ đã bị ảnh hưởng lớn sau đại dịch và suy giảm kinh tế. Nhưng mặt khác cũng vô cùng quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định, là nếu không tăng giá điện thì ảnh hưởng đến an toàn hệ thống hiện nay và không ai dám đầu tư vào ngành điện bởi càng làm càng lỗ.

Tương tự, câu chuyện thứ hai liên quan đến cung ứng xăng dầu bị đứt gãy đáng báo động ở nhiều thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM vừa qua.

Tại cuộc hội thảo được VCCI tổ chức mới đây, người ta tính toán, không kể các doanh nghiệp nhà nước, cả nước hiện có khoảng 950 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu với hơn 9.000 cửa hàng, chiếm khoảng 53% tổng số cửa hàng bán lẻ. Tính từ tháng 3/2022 đến nay, số doanh nghiệp này có thể chịu lỗ lên đến 3.000 - 4.000 tỷ đồng.

Thực tế trên là hệ quả của các nghị định liên quan. Cơ quan quản lý không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa; song lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng các quy định giá bán lẻ tối đa và thanh tra, kiểm tra, xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.

Khi các cây xăng ngưng bán, cơ quan quản lý nhà nước lấy thanh tra xử phạt, rút giấy phép như là một công cụ quản lý nhằm đe nẹt thị trường thay vì tìm hiểu, giải quyết những nút thắt thị trường.

Phó Tổng thư ký VCCI ông Đậu Anh Tuấn đúc kết: “… Trong vài chục năm qua chưa bao giờ có chuyện doanh nghiệp lỗ vẫn phải bán, bỏ tiền nhà ra để duy trì bán hàng”.

Tất nhiên, còn rất nhiều các câu chuyện tương tự khác, ở ngành khác, lĩnh vực khác, xin không nêu ra ở đây vì quá dài.

Nội hàm của các câu chuyện đó, thật trớ trêu, đi ngược lại những quy luật giá trị, cung cầu – những quy luật cơ bản của nền kinh tế thị trường mà Việt Nam theo đuổi hơn 30 năm nay.

Đổi mới tư duy 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập. Định hướng này, thêm một lần nữa, minh định những tư duy quản lý đã được nêu ra trong các văn kiện của các kỳ đại hội sau Đổi mới.

Quá trình đổi mới kinh tế ở Việt Nam, về bản chất, là chuyển đổi nền kinh tế từ nền kinh tế đơn thành phần sở hữu về tư liệu sản xuất (sở hữu nhà nước, sở hữu toàn dân) sang nền kinh tế đa thành phần sở hữu.

Trước đó, nền kinh tế chỉ có một thành phần sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất thì mọi hoạt động, từ sản xuất cho đến lưu thông phân phối, tiêu dùng cuối cùng đều do nhà nước quyết định.

Ví dụ, ở tầm doanh nghiệp, cơ quan nhà nước quyết định: Doanh nghiệp được tuyển bao nhiêu công nhân, bao nhiêu công nhân nam, bao nhiêu công nhân nữ, bao nhiêu công nhân nội tỉnh, bao nhiêu công nhân ngoại tỉnh, trả lương cho họ ra sao… Doanh nghiệp được mua bao nhiêu nguyên vật liệu, nhiên liệu, ở đâu, lúc nào, với giá bao nhiêu. Sau khi làm ra sản phẩm, doanh được phép bán cho ai, bao giờ, bán với giá bao nhiêu. Nhà nước định giá từ cây kim, sợi chỉ trở đi; tất cả đều do Nhà nước quyết định.

Nói gọn lại, mọi hoạt động kinh tế đều làm theo ý chí của con người, chứ không theo bất kỳ một quy luật khách quan nào cả. Giá cả hàng hóa chỉ là ký hiệu kế toán.

Cơ chế quản lý như vậy được gọi tên là “kế hoạch tập trung, quan liêu, bao cấp”. Cơ chế quản lý đó là một trong những nguyên nhân trọng yếu đẩy đất nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng hàng chục năm…

Trong khi đó, kinh tế thị trường là phạm trù kinh tế khách quan. Phạm trù kinh tế này chỉ được hình thành và vận động trong điều kiện kinh tế đa thành phần sở hữu về tư liệu sản xuất. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hàng hóa trước khi đi vào tiêu dùng phải qua mua và bán. Và vì vậy, giá cả hàng hóa trong điều kiện kinh tế thị trường do quy luật giá trị và do quy luật cung cầu quyết định chứ không phải do ý chí chủ quan con người quyết định.

Những kết quả thực chứng sau Đổi mới có thể kết luận: Con người không thể sáng tạo ra quy luật khách quan, mà chỉ có thể và cần phải vận dụng các quy luật khách quan làm công cụ quản lý kinh tế, quản lý đất nước. Nhà lãnh đạo nào vận dụng tốt thì nền kinh tế phát triển, dân được nhờ và ngược lại.

Giá cả hàng hóa cần tuân theo quy luật cung cầu

Giá cả (và vô số tên gọi khác của nó: cước, phí, lệ phí, chiết khấu, tỷ giá, lãi suất cho vay, lãi suất huy động,…) là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa. Như vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường, sự hình thành và vận động của giá cả lệ thuộc vào hai yếu tố: Giá trị hàng hóa và thước đo của nó là tiền tệ. Giá cả được hình thành và vận động theo quy luật giá trị và thực sự là tấm gương phản chiếu toàn hộ quá trình phát triển kinh tế, xã hội,

Nhà nước (không phải chỉ nước ta mà cả thế giới) đều vận dụng quy luật khách quan làm công cụ quản lý kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực độc quyền tự nhiên. Cụ thể là bằng nhiều cách khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp, nhà nước có sự can thiệp vào quá trình hình thành và vận động của giá cả. Tất nhiên, sự can thiệp đó chỉ trong giới hạn quy luật “cho phép”, chứ không phải muốn làm gì thì làm.

Những bài học cần ghi nhớ

Khi chiến tranh Iraq cách đây 2 thập kỷ, hay giá dầu thế giới lên đến gần 140 đô trong cuộc khủng hoảng cách đây hơn một thập kỷ, thì cung ứng xăng dầu cũng không bị đứt gãy.

Tương tự, trong cơ chế, luật pháp còn bị trói chặt hơn hiện nay, mà chúng ta đã có được tổ hợp khí-điện-đạm Phú Mỹ, đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành năng lượng, và sau đó là sự phát triển của hàng loạt các tổ hợp nhà máy điện khác.

Để chống lạm phát hoặc giữ lạm phát theo mục tiêu đương nhiên phải bằng con đường giảm giá bán hàng hóa. Nhưng giảm giá bán như vừa qua là phi quy luật, không thực chất, có hại trước mắt và lâu dài đối với sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế.

Giá trị thặng dư (M) trong cơ cấu giá hàng hoá là cực kỳ quan trọng để giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh và dùng để đầu tư tái sản xuất mở rộng.

Để tăng được M, lẽ ra, phải tiến hành bằng con đường cơ cấu lại sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, tăng năng suất lao động để giảm chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm,… Trên cơ sở đó, giảm giá hàng hóa, kéo được chỉ số lạm phát xuống mà vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà sản xuất để thực hiện tái sản xuất mở rộng.

Trong khi đó, chúng ta chủ yếu dùng biện pháp hành chính để kìm giá, để kéo giá xuống, làm cho doanh nghiệp kinh doanh càng làm càng thua lỗ.

Kìm giá, nén giá đến mức “lỗ thì ai làm” như hiện nay thì làm gì có tái sản xuất mở rộng, làm gì còn có cái gọi là nuôi dưỡng nguồn thu, làm gì hấp dẫn được các nguồn đầu tư mới cho phát triển!

Giá cả hàng hóa cần tuân theo quy luật cung cầu, quy luật giá trị là bài học đã được thực tiễn kiểm nghiệm suốt hơn ba chục năm nay.

Tất nhiên, công tác thông tin, truyền thông cũng cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần chủ động cung cấp thông tin và thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình để tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong nhân dân.

Hải Lộc - Tư Giang

Nghịch lý 'lỗ vẫn phải bán'Ai dự hội thảo về xăng dầu do VCCI tổ chức hôm qua mới ngấm nỗi cay đắng, thậm chí oán thán mà các doanh nhân bán lẻ xăng dầu trải qua suốt cả năm qua. Có doanh nhân vừa kể lại cảnh khốn khó vì lỗ, vẫn bị buộc phải bán với giọng tức tưởi.