Theo ông Yoshino, thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 1980, điều đã khiến cho kinh tế Nhật suy thoái và kéo theo hệ lụy “nhiều thập kỷ suy thoái” của tăng trưởng kinh tế yếu.
Chính sách tiền tệ được nới lỏng của Nhật Bản trong những năm 1980 đã tạo ra “một bong bóng kinh tế”, sau đó bong bóng vỡ và khiến cho nền kinh tế thứ hai thế giới ở thời điểm đó rơi vào sự suy thoái kéo dài khoảng 25 năm. Hậu quả tới nay là Ngân hàng Nhật Bản vẫn phải tiếp tục giữ lãi suất ở mức 0%, thậm chí là âm để kích thích cho lạm phát.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "vỡ bong bóng”. Ảnh: voiceofdjibouti |
Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản là tấm gương để Trung Quốc có thể tránh sự suy thoái của thị trường nhà đất. Vì điều này sẽ gây bất lợi cho ngành tài chính, cũng như lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc, theo ông Yoshino. “Tôi rất lo ngại rằng, nếu giá đất tiếp tục tăng và dân số bắt đầu thu hẹp cùng với nhu cầu, thì Trung Quốc sẽ gặp tình trạng tương tự như Nhật Bản”.
Đã có một số dấu hiệu rõ ràng về bong bóng nhà đất tại Trung Quốc theo ông Yoshino, trước hết là sự biến động mạnh về giá bất động sản trong những năm gần đây. Cụ thể, giá trung bình một ngôi nhà ở Bắc Kinh đã tăng vọt trong những năm qua, từ khoảng 4.000 NDT/m2 (14 triệu VND) vào đầu những năm 2000, lên 60.000 NDT/m2 (210 triệu VND) hiện nay, gấp khoảng 15 lần, theo dữ liệu của tổ chức Creprice.cn.
Một điều đáng lo ngại khác, theo ông Yoshino, là ngành tài chính Trung Quốc đã cho vay nhiều hơn đối với lĩnh vực bất động sản so với các ngân hàng Nhật Bản trong thời kỳ bong bóng. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay đầu tư vào bất động sản ở Trung Quốc so với GDP của nước này luôn cao hơn Nhật Bản khoảng ba lần.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu tiến hành áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi tháng 7/2018, nhiều sự lo ngại đã trở nên lớn hơn vì bong bóng bất động sản và mức nợ kỷ lục của lĩnh vực nhà đất sẽ làm kinh tế Trung Quốc dễ dàng bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt kinh tế đang gia tăng, và dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.
Bất chấp chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giải quyết các khoản nợ xấu trong nhiều năm qua, giá nhà đất và các khoản vay để đầu tư vẫn tiếp tục tăng, đẩy giá nhà vượt quá mức mà đại đa số người dân nước này có thể chi trả, cũng như khiến nhiều nhà phát triển bất động sản chìm sâu hơn vào nợ nần.
Theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, nợ của các công ty Trung Quốc ở mức 155% GDP trong quý 2 năm 2018, cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế khác, chẳng hạn mức nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP và 74% đối với doanh nghiệp Mỹ. Các khoản nợ của doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu là các khoản vay tín dụng với sự bảo đảm ngầm từ chính quyền trung ương và địa phương, theo SCMP.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Macquarie Capital dự đoán rằng, thâm hụt ngân sách của Trung Quốc sẽ tăng cao trong năm 2019, ở mức 6,6% GDP, so với mức 4,7% vào năm 2018. Lý do vì Bắc Kinh đang phải chống lại sự suy thoái kinh tế, cùng với cuộc thương chiến với Mỹ. Điều này sẽ càng làm cho nguy cơ rơi vào khủng hoảng của kinh tế Trung Quốc trở nên gần hơn.
Tuấn Trần