Việt Nam có tốc độ đô thị hóa nhanh! Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình cháy nổ đang có chiều hướng diễn ra ngày càng phức tạp, các vụ cháy nổ ngày càng đa dạng, từ công trình chợ, quán karaoke, kios bán hàng, nhà ở và đặc biệt là nhà ở cao tầng. Điều đó cho thấy việc tổ chức hệ thống hạ tầng phục vụ PCCC trong thiết kế, kiến trúc, quy hoạch và xây dựng cần được quan tâm đúng mức.
Hệ thống các văn bản của Việt Nam đã được ban hành rất đầy đủ để lập quy hoạch đô thị cũng như thiết kế công trình đảm bảo phòng cháy và chữa cháy hiệu quả, trong các văn bản hiện hành phải kể đến Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10; Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình QCVN 06:2010/BXD; 37 Tiêu chuẩn TCVN quy định về việc PCCC cho nhà và các công trình với các quy định về vật liệu xây dựng, trang thiết bị đảm bảo an toàn cháy nổ trong công trình…
Hiện nay ở TP Hà Nội có hơn 1.200 tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa không vào được, mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Trong số hơn 3.700 trụ nước chữa cháy hiện có ở Thành phố Hà Nội, 117 trụ không lấy được nước do bị kẹt nắp, mất nắp, hoặc bị xây lấp, 182 trụ không có nước, theo quy chuẩn hiện hành, Hà Nội còn thiếu 4.000 trụ nước. TP HCM hiện có hơn 9.600 trụ nước cứu hỏa, còn thiếu hơn 11 nghìn trụ nước chữa cháy ở các khu dân cư. Trong số đó, 668 trụ bị hư hỏng không lấy nước được do không được duy tu sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ theo quy định. Tình trạng mất nắp bảo vệ họng chờ trụ nước chữa cháy xảy ra thường xuyên.
Tương tự, nguy cơ “bà hỏa” ghé qua cũng hiện hữu với các khu tập thể, chung cư cũ, nơi phổ biến tình trạng cơi nới diện tích và lắp đặt “chuồng cọp” không lối thoát. Theo thống kê, địa bàn Hà Nội có khoảng 500.000 loại nhà dạng kiến trúc hình ống, trong đó, phần lớn nằm trong ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không tiếp cận được. Không chỉ có vậy, với những khu dân cư cũ, hệ thống cấp nước chữa cháy gần như không có, hoặc đã xuống cấp, không sử dụng được.
Chợ cũng là những nơi có nguy cơ gây cháy nổ cao, không kể các chợ tạm chưa phân hạng, ngay cả các chợ hạng 2, hạng 3 tại các đô thị đều đã xuống cấp, không đủ các tiêu chuẩn, điều kiện PCCC. TP Hà Nội và TP HCM cũng là những địa phương có số lượng chợ nhiều nhất cả nước, hằng ngày tập trung số lượng lớn tiểu thương, người dân tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức.
Thực trạng đáng lo ngại nêu trên cho thấy các đô thị lớn cần thực hiện nhiều giải pháp trong xây dựng, kiến trúc để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy và PCCC có hiệu quả.
Khi thiết kế các công trình cần tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn lắp đặt các thiết bị báo cháy cũng như PCCC. Với các tòa nhà, được yêu cầu có thêm những tầng được gọi là tầng tị nạn, đây là khu vực có không gian mở ra bên ngoài để khói không bị tích tụ một chỗ, giúp sơ tán nhanh trong trường hợp khẩn cấp.