Vấn đề lớn là ở chỗ làm sao để phát triển bền vững kinh tế biển, không làm ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường biển; làm thế nào để huy động sự chung tay vào cuộc tích cực của Nhà nước, doanh nghiệp và đặc biệt là của cộng động nhân dân ven biển, các bên liên quan trong công tác bảo tồn biển nhằm phát triển bền vững kinh tế biển.

Liên quan tới sức khoẻ của đại dương, hôm 12/6, Hội nghị lần thứ 33 các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tiếp tục diễn ra trong các ngày từ 12-16/6 tại Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.

Hội nghị đã xem xét Báo cáo thường niên của Tổng thư ký Liên hợp quốc mang tên “Các Đại dương và Luật biển,” trong đó nhận xét “sức khỏe của đại dương tiếp tục suy giảm do nhiều tác nhân, trong đó có tăng axít hóa đại dương, thừa dưỡng chất trong nước biển, ô nhiễm rác thải nhựa, đe dọa hệ sinh thái lớn nhất hành tinh và ảnh hưởng tới sinh kế của hàng tỷ người.”

W-moitruong.png
Ảnh minh hoạ

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra một trong 05 quan điểm xuyên suốt “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển...”; 05 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó đã xác định:

Về các chỉ tiêu tổng hợp: Các chỉ tiêu về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển.

Về kinh tế biển: các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.

Về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật. Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Bên cạnh đó, còn có nhóm chỉ tiêu về xã hội, về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển.

Nghị quyết cũng yêu cầu “Mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển trên cơ sở quy hoạch không gian biển quốc gia; chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái, đặc biệt là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển; bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển”.

Đến nay, nước ta đã ký, tham gia nhiều cam kết quốc tế chung liên quan đến bảo tồn biển, kinh tế biển xanh và bền vững, trong đó phải kể đến là: (1) Mục tiêu phát triển bền vững số 14 (SDG-14): “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, vùng biển và các nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững”; (2) cam kết “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050; (iii) tham gia Liên minh Đại dương toàn cầu (GOA) để bảo vệ ít nhất 30% đại dương thế giới vào năm 2030 thông qua một mạng lưới các khu bảo tồn biển (MPAs) và các phương cách bảo tồn hiệu quả khác (OECMs); (iv) tham gia Hiệp định về Biển cả: bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia; (v) cam kết phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm; loại bỏ đánh bắt cá bất hợp pháp IUU; (vi) các Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên gắn với nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ biển.

Thu Hằng và nhóm PV, BTV