Dùng điện hoang phí, người khác không có điện

Nhiều năm nay, trong gia đình tôi luôn có một nguyên tắc chung, ai sinh hoạt ở đâu bật điện ở đó, ra khỏi thì phải tắt điện; điều hòa chỉ bật 27 độ và nóng bật thêm quạt. Lúc đầu bọn trẻ con khó khăn nhưng rồi quen đi, thậm chí, nhiều đêm mùa hè này, chúng chỉ bật quạt ngủ.

Tôi không bắt các con phải sống khắc khổ. Tôi chỉ nói một điều đơn giản với chúng: “Con dùng điện hoang phí thì người khác không có điện để dùng”.

Có lẽ đại đa số các gia đình đều cố gắng tiết kiệm điện vì đơn giản là không muốn hóa đơn tiền điện tăng cao trong khi cuộc sống hôm nay còn đầy khó khăn sau Covid và suy giảm kinh tế.

Nhưng trong nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè, hàng xóm về việc tiết kiệm điện, tôi thường bị phản ứng vì làm chuyện bao đồng. Tại khu chung cư tôi ở, điện ở hành lang bật sáng suốt ngày đêm dù ánh nắng chan hòa. Tôi tắt đèn đi, người khác lại bật lại ngay, thậm chí có lúc người ta còn phản ứng với tôi nữa.

Hầu hết các gia đình đều cố gắng tiết kiệm điện vì đơn giản là không muốn hóa đơn tiền điện tăng cao

Trong nhiều cuộc họp ở các khách sạn lớn, các trung tâm hội nghị, các đại biểu rét run cầm cập vì điều hòa để quá thấp bất chấp trời nóng như đổ lửa bên ngoài. Những cánh cửa văn phòng gần như không bao giờ được đóng kín trong khi điều hòa ngốn điện khủng khiếp. Nói thẳng ra, dùng điện ở các đơn vị hành chính Nhà nước, ở khu vực tư nhân còn lãng phí lắm.

Nhiều người có thể cười nhạo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh về việc cán bộ hạn chế mặc vest để tiết kiệm điện, nhưng đó là chỉ đạo của những người lãnh đạo có trách nhiệm với tiền thuế của dân, với nền kinh tế và với cả ngành điện. TP.HCM tiết kiệm được  2,4 tỉ đồng mỗi ngày từ tiết kiệm điện là bài học rất quý giá.

Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình ở các tỉnh biên giới phía Bắc xa xôi, ở miền Trung nắng gió, hay Tây Nam bộ nghèo khó chỉ dám thắp một ngọt đèn để chiếu sáng. Ai cũng thích tiện nghi, nhưng họ chỉ có thể trả tiền như vậy mà thôi.

Đến nay, gần 100% người dân Việt Nam đã được tiếp cận với điện, chỉ những đồng bào sống ở vùng núi cao, rừng sâu có lẽ mới không có điện. Đây là một thành tích mà rất ít quốc gia đang phát triển có thể làm như chúng ta. Song, dân còn nghèo lắm!

Xin nêu một số liệu cho thực trạng này. Có tới hơn 8 triệu hộ trong tổng số gần 29 triệu hộ ở nước ta đang sử dụng điện dưới 78 số điện trở xuống mỗi tháng. Nói cách khác, mỗi người trong số hộ gia đình trên chỉ tiêu chưa đến 1.000 đồng mỗi ngày cho điện. Dân còn nghèo như thế cơ mà. (Xem bảng).

Tiêu dùng điện theo hộ ở Việt Nam năm 2022. Nguồn EVN.

Mùa hè này, nhiều nơi mất điện, nói thẳng ra như vậy cho đúng vấn đề. Không có điện, đời sống của dân khổ sở thế nào; bệnh viện, trường học bị ảnh hưởng ra sao; sản xuất của doanh nghiệp ngắt quãng thế nào… có lẽ không cần nói nữa.

Tôi đặt câu hỏi một câu hỏi cho Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An rằng, mùa hè năm nay thiếu điện, vậy mùa hè năm sau và các năm sau có thiếu điện nữa không sau khi Quy hoạch điện 8 đã được phê duyệt?

Thứ trưởng An, nhà quản lý có kinh nghiệm bậc nhất hiện nay trong ngành điện, dành phần lớn câu trả lời nói về giải pháp… tiết kiệm điện, bên cạnh một số giải pháp khác như nhập khẩu điện, duy trì và tăng cường công suất phát điện…

Có thể do thời gian hạn hẹp nên ông không nói nhiều về giải pháp căn cơ nhất là phải xây mới được nguồn cung cấp điện, mà các nhà đầu tư ngoài EVN đã chiếm tới hơn 50% tổng công suất.

Cơn khát nguồn điện mới chưa chấm dứt

Nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành điện, các tài liệu tham khảo đều đưa ra một đáp án: Để đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế, giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất phải là phát triển được nguồn điện.

Xin nêu một dẫn chứng hệ số đàn hồi điện. Hệ số này là tỷ lệ giữa mức tăng trưởng về nhu cầu điện năng và mức tăng trưởng của GDP.

Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm trung bình khoảng 6% thì sản lượng điện thương phẩm luôn gia tăng ở mức cao từ 8% đến 14%, theo dữ liệu của EVN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ số đàn hồi điện dao động ở mức trung bình 1,67. Nói cách khác, tăng trưởng điện phải là 10% mới đáp ứng được nhu cầu của tốc độ tăng trưởng GDP 6%. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để minh họa con số này cho dễ hiểu, xin lấy một ví dụ cụ thể. Ở Hà Nội, đánh đùng một cái, các nhà đầu tư bất động sản có thể xây nguyên cả hàng chục khu chung cư với hàng nghìn căn hộ, mỗi căn hộ có ít nhất 2-3 điều hòa, một bếp điện, một tủ lạnh...

Tình trạng lắp điều hòa phổ biến như vậy là điều đáng mừng, cho thấy đời sống vật chất của người dân được cải thiện, nhưng là thách thức vô cùng lớn với ngành điện.

Ảnh minh hoạ

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc xây dựng các khu dân cư và sử dụng điều hòa phải được xin phép, tính toán rất kỹ trong tương quan với cung ứng điện chứ không đơn giản như ở nước ta. Đó là chưa kể đầu tư của khu vực tư nhân và dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam tăng cao trong suốt thời gian qua cũng tạo áp lực vô cùng lớn.

Tuy vậy, hệ số đàn hồi điện đang giảm đi. Ví dụ năm ngoái, ngành điện chỉ có thêm khoảng 1.400 MW so với năm 2021, đạt tổng công suất nguồn điện khoảng 77.800 MW. Theo hệ số đàn hồi nêu trên, lẽ ra ngành điện cần phát triển thêm được 7.600 MW trong năm 2022.

Nêu con số trên để cung cấp thông tin cho nhiều người cho rằng, xây điện hạt nhân có thể giải quyết được vấn đề thiếu điện. Nhà máy điện hạt nhân mà chúng ta từng nghiên cứu có tổng công suất 4.000 MW, không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề cung điện.

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh được phê duyệt tháng 3/2016, trong giai đoạn đến 2030, nguồn nhiệt điện than tăng trưởng trung bình khoảng 21,6%/năm và tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các loại nguồn truyền thống; nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, từ gần 41% đến hơn 55% về công suất và từ hơn 49% đến 55% về sản lượng theo các mốc 2025 hoặc 2030. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, nguồn điện này chỉ chiếm 33% tổng công suất.

Đầu tư một tổ hợp điện than lên tới hàng tỷ đô la, cần tới cả thập kỷ từ đàm phán tới phát điện, cần bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh mua điện và nhiều cam kết khác vượt lên trên khung khổ pháp luật hiện hành.

Suốt từ 2016 đến giờ chúng ta hưởng thành quả của những nhà máy điện chủ động lớn đã được khởi công ào ạt từ trước và lần lượt đi vào vận hành: cụm Vĩnh Tân, cụm Duyên Hải, Hải Dương, Thái Bình, cụm Nghi Sơn, Vũng Áng 1... Cho đến gần đây, chỉ có 1 nhà máy lớn được khởi công ở Quảng Bình. Tức là đã hơn 7 năm qua, chúng ta đã không phát triển nguồn điện này như nó cần có trong Quy hoạch.

Phát triển nguồn điện mới là sống còn

Trong ngành điện, hệ số đàn hồi đã quan trong, nhưng công suất khả dụng còn quan trọng hơn nhiều. Công suất khả dụng là công suất mà nhà máy điện có thể phát và cung cấp lên lưới tại thời điểm nhất định.

Ví dụ, một nhà điện có công suất 4.000 MW nhưng dừng hoàn toàn để bảo dưỡng, sửa chữa thì công suất khả dụng là 0. Với các nhà máy thủy điện thì công suất khả dụng phụ thuộc vào lượng nước về hồ; với nhà máy điện khí thì phụ thuộc vào cung cấp khí; với nhà máy điện mặt trời thì phụ thuộc vào mặt trời, vào mây và đến đêm là về 0. Công suất khả dụng bao giờ cũng nhỏ hơn hệ số đàn hồi, hay nói một cách dễ hiểu hơn là một nhà máy điện không bao giờ có thể cung cấp được lượng điện như công suất thiết kế của nó.

Vì sao thiếu điện mà EVN chưa mua điện gió?Để các dự án năng lượng tái tạo được sớm phát lên lưới, trách nhiệm không chỉ nằm ở EVN mà còn của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh và nhất là các chủ đầu tư.

Theo EVN, năm 2022 tổng công suất nguồn điện khoảng 77.800 MW nhưng công suất khả dụng chỉ là 46.000 MW. Điều này có nghĩa, nền kinh tế chỉ được tiêu thụ điện từ ngưỡng này trở xuống mà thôi.

Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, những mục tiêu và giải pháp đã được ban hành. Hi vọng rằng, sẽ có những nỗ lực quyết liệt, hiệu quả và phù hợp với quy luật thị trường để phát triển được nguồn điện tốt hơn hiện nay và chấm dứt tình trạng thiếu điện mà nhiều địa phương trong cả nước đang trải qua trong mùa khô này.

Chúng ta là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển mà các quốc gia thu nhập cao đã từng trải qua. Tiêu dùng năng lượng của Việt Nam hiện nay còn rất ít và sẽ còn tăng cao hơn nữa, như họ. Chính vì thế, ngoài giải pháp tiết kiệm điện, nhiệm vụ quan trọng sống còn là phải xây dựng được các nguồn phát điện ổn định và có giá phù hợp với đại đa số người dân.

Tôi sẽ tiếp tục tiết kiệm điện và chắc chắn rất nhiều người khác cũng vậy. Tiết kiệm điện cần trở thành thói quen vì không thể khác được. Nhưng đó chỉ là nỗ lực từ một phía; còn phía kia – phát triển nguồn điện – mới là sống còn.

Tư Giang

Ai bù lỗ cho điện?Dư luận đang xôn xao với ý kiến từ diễn đàn Quốc hội đề xuất bù lỗ cho ngành điện năm 2023 lên đến 130 nghìn tỷ đồng. Tất nhiên, ý kiến này rất khó được chấp nhận.