Cứ 4h chiều, ông Nguyễn Xuân Phú (62 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội) lại ra quán nước dưới chân tòa nhà chung cư đang ở để chơi cờ với các cụ cao niên trong khu nhà. Việc có được một không gian chơi cờ như ông là do các cụ cùng nhau tổ chức câu lạc bộ và “chiếm dụng” luôn khoảng sân – không gian sinh hoạt chung của cộng đồng.
Thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng nói chung, không gian sinh hoạt cho người cao tuổi nói riêng đang là một thực tế tại các đô thị lớn ở nước ta. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở nước ta vào khoảng 18 triệu, chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Như vậy, cùng với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, những yêu cầu bức thiết về chất lượng cuộc sống, hệ thống y tế cũng như các giải pháp đảm bảo tâm lý ổn định, vui vẻ cho người già, người cao tuổi nói chung, ở các khu đô thị nói riêng sẽ là vấn đề nan giải.
Về bản chất, đối tượng nào cũng cần có không gian sinh hoạt chung, ví dụ công viên, vườn hoa; nhà văn hóa; nhà thi đấu… Từ các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ cho tới các loại hình câu lạc bộ cũng đều cần không gian sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng có những nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hay không gian sinh hoạt tập trung.
Riêng với nhóm người cao tuổi, khi thời gian cần sự nghỉ ngơi thư giãn và sinh hoạt văn hóa có phần nhiều hơn các nhóm đối tượng khác, do họ đã có thời gian dài lao động và cống hiến thì nhu cầu hưởng thụ tuổi già là cần thiết. Vì thế, các không gian sinh hoạt văn hóa văn nghệ hay thế dục thể thao là đòi hỏi tất yếu. Như câu chuyện của ông Phú kể trên, muốn có một chỗ chơi cờ tướng với các đồng niên thì cũng cần phải có một không gian nhất định.
Chỉ cần nói riêng về môn cờ tướng – thú vui được rất nhiều người cao tuổi lựa chọn cho thấy, hầu hết các khu vực được người chơi lựa chọn lại là các vỉa hè, vệ đường, quán nước chứ không phải là các Nhà văn hóa hay Nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc công viên. Lí do thì có nhiều như những nơi kể trên (vỉa hè, vệ đường, quán nước) phù hợp với môn cờ tướng, thứ nữa là người cao tuổi cảm thấy thoải mái với không gian mở đó và cũng chẳng biết đi đâu để có thể thỏa chí đam mê.
Ở Hà Nội, chúng ta dễ dàng bắt gặp người cao tuổi chơi cờ tướng tại những quán nước vỉa hè nơi các góc đường như: Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền; ven hồ Văn Quán, đường Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm hay vỉa hè cạnh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108… Vẫn biết không gian bụi bặm, ồn ào và cũng không thực sự tốt cho người cao tuổi, tuy nhiên đây cũng là những “không gian” khả dĩ nhất mà nhóm người cao tuổi có được để chơi môn thể thao rèn luyện trí tuệ và sự minh mẫn của mình.
Theo ông Nguyễn Bá Khá, xe ôm và cũng là người chơi cờ tại ngã tư Trần Hưng Đạo: “Già rồi cũng chỉ biết ra đây ngồi chơi giết thời gian chứ còn biết đi đâu nữa. Ở cái tuổi gần thất thập cổ lai hy, những ông già ngồi kia chơi cờ vừa không vướng bận đến con cháu, vừa chống được nỗi buồn và sự cô đơn của tuổi già. Chơi ở vỉa hè thì cũng bất tiện đấy, mưa nắng thất thường, khói bụi xe nhưng biết ngồi đâu mà chơi bây giờ. Vì vậy, có được chỗ vui vẻ như ở đây là tốt lắm rồi”.
Nhìn nhận ở góc độ quy hoạch đô thị, KTS Nguyễn Phú Đức cho rằng: Hiện tại, người cao tuổi tại Hà Nội đang phải sinh hoạt chung với các nhóm lứa tuổi khác như trẻ nhỏ, thanh, thiếu niên… Do nhiều nhóm đối tượng cùng sinh hoạt trong một số không gian công cộng hiếm hoi nên cũng phát sinh nhiều chuyện khá “khôi hài”. Ví dụ, các cụ bà đang mở nhạc ngồi thiền thì góc kia các bạn trung niên lại bật nhạc sàn tập Aerobic, góc khác thì các cháu trượt Patin la hét inh ỏi.
“Nếu các cụ đến công viên, không gian công cộng ngồi nghỉ lưng sau khi đi bộ mà gặp phải các cháu thanh niên đang chơi đá bóng thì lẽ đương nhiên, các cụ không thể “cạnh tranh” được không gian với giới trẻ được. Việc thiếu các không gian sinh hoạt cho từng nhóm đối tượng nói chung, nhóm người cao tuổi nói riêng là bài toán nan giải hiện nay. Do vậy, các khu chung cư, khu đô thị mới mọc lên rất cần có quy định phải dành ra được những không gian sinh hoạt cộng đồng như Nhà sinh hoạt cộng đồng hay Nhà văn hóa, để nhóm người cao tuổi không bị “bỏ rơi” nhu cầu thiết yếu là việc làm rất cần được tính đến”, KTS Nguyễn Phú Đức góp ý.