Tại phương án giá điện mặt trời sau 30/6, đang được Bộ Công Thương hoàn thiện, Bộ Công Thương bổ sung phương án chia 2 vùng giá, bên cạnh phương án chia làm 4 vùng như dự thảo ban đầu.
Theo cách phân 2 vùng, giá điện mặt trời mái nhà cao nhất tại vùng 1 là 8,38 cent một kWh (khoảng 1.916 đồng); thấp nhất 7,09 cent (tương đương 1.758 đồng) mỗi kWh với dự án điện mặt trời mặt đất.
Vùng 2 gồm 6 tỉnh có bức xạ tốt như Bình Thuận, Ninh Thuận,... còn vùng 1 là các tỉnh còn lại.
Điện mặt trời thực sự bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng |
Dù bổ sung thêm phương án chia giá mua điện mặt trời thành 2 vùng như trên, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiến nghị Chính phủ giữ nguyên phương án chia 4 vùng phát triển điện mặt trời với các mức giá tương ứng loại hình đầu tư (điện mặt trời mặt đất, áp mái, nổi,...) như đã trình cấp có thẩm quyền vào tháng 5.
Cụ thể: vùng 1 (vùng ít tiềm năng nhất, tập trung ở các tỉnh phía Bắc) có mức giá cao nhất (2.102 đồng/kWh); vùng 2 (1.809 đồng/kWh); vùng 3 (1.620 đồng/kWh).
Đặc biệt là, vùng 4 - vùng có tiềm năng cao nhất (Ninh Thuận, Bình Thuận... ) có mức giá thấp nhất là 1.525 đồng/kWh (mức giá này thấp hơn nhiều con số 2.086 đồng/kWh mà các dự án vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng).
Xin giữ phương án chia 4 vùng theo bức xạ vì Bộ Công Thương cho rằng, việc phân thành 2 vùng sẽ không đủ khuyến khích trong thu hút đầu tư phát triển điện mặt trời tại các tỉnh miền Bắc và Trung. Các dự án điện mặt trời vẫn lặp lại tồn tại là tập trung nhiều ở các khu vực tiềm năng bức xạ tốt (Bình Thuận, Ninh Thuận... ), nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải.
"Các dự án điện mặt trời chỉ tập trung tại 1 vùng nên khả năng vận hành điều độ hệ thống sẽ khó khăn hơn", Bộ Công Thương cho hay.
Trước đó, trao đổi với PV. VietNamNet, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận không đồng tình với phương án giá mua điện mặt trời ở Bình Thuận có mức thấp nhất, là 1.525 đồng/kWh.
Ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở, cho rằng: Nếu áp dụng mức giá này sẽ làm triệt tiêu lợi thế của địa phương. Bình Thuận, Ninh Thuận... là vùng có bức xạ cao, chủ yếu vùng khô cằn sỏi đá, thì người ta phải sản xuất năng lượng mặt trời. Điều này đáng ra phải được phát huy, khuyến khích về giá cho nhà đầu tư.
Trong khi vùng có bức xạ thấp như Đồng bằng trung du phía Bắc làm điện mặt trời không hiệu quả thì dùng đất đó để sản xuất cái khác. “Sao phải nâng giá điện mặt trời ở đó để khuyến khích đầu tư điện mặt trời làm gì”, ông Đỗ Minh Kính băn khoăn. “Đó là vô lý, đi ngược lại quy luật”.
“Cho nên, tỉnh Bình Thuận không đồng ý với dự thảo đó. Tốt hơn hết là quy định một giá như trước đây”, vị lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận chia sẻ và cho hay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chính thức gửi Bộ Công Thương.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương cũng đưa ra phương án giá mua điện với điện mặt trời trên mái nhà do các cá nhân, tổ chức lắp đặt. Bộ này kiến nghị để một giá 9,35 cent (tương đương 2.086 đồng/kWh) cho các dự án điện mặt trời áp mái đến hết năm 2021. Còn lý do đề xuất áp dụng một giá 9,35 cent cho các dự án điện mặt trời mái nhà trong 3 năm tới, Bộ Công Thương cho rằng, các dự án đầu tư hình thức này mất ít thời gian thi công, không cần phát triển hệ thống truyền tải, tiết kiệm đất. Ba năm qua đã có 4.000 khách hàng lắp điện mặt trời áp mái, tổng công suất 45 MW. |
Lương Bằng
Dùng nguồn điện này: 3.500 đồng/kWh dân có chịu nổi không
Giá điện mặt trời đến tay người dùng lên đến 3.500 đồng/số điện, cao gần gấp đôi mức giá bán lẻ bình quân hiện hành. Điện sạch chưa bao giờ là rẻ.