Cơn lũ hàng Trung Quốc đã là thực trạng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Nhưng hàng Trung Quốc mà dân gian thường gọi là hàng Tàu trong ký ức của tôi không mang gương mặt xấu xí như vậy.

Khi mối quan hệ giữa hai láng giềng Việt Nam - Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức, vấn đề giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế lại được đặt ra. Tuần Việt Nam xin giới thiệu ý kiến của PGS. Ts Nguyễn Hoàng Ánh, Trường Đại học Ngoại thương.

Cơn lũ "Made in China"

Đây là tên một cuốn sách best seller của tác giả Paul Midler viết về lý do vì sao hàng TQ bị coi là kém chất lượng nhưng vẫn phổ biến trên toàn thế giới. Như vậy là cơn lũ hàng Trung Quốc đã là thực trạng không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Nhưng hàng Trung Quốc mà dân gian thường gọi là hàng Tàu trong ký ức của tôi không mang gương mặt xấu xí như vậy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, nơi từng có hẳn một phố gọi là phố Trung Quốc, nơi chủ yếu là người Hoa sinh sống. Hàng ngày, tôi đi học qua những căn nhà của người Hoa, chứng kiến những sinh hoạt hết sức bình dân của họ. Người Hoa ở Hải phòng thời ấy hầu hết đều nghèo, quần áo chủ yếu màu xanh công nhân, đàn ông ở nhà thường cởi trần hay mặc áo may ô màu cháo lòng che cái bụng khá bệ vệ. Những bạn học người Hoa của chúng tôi thường cắt tóc ngang vai hoặc tết đuôi sam nhưng cũng nói tiếng Việt, sinh hoạt như mọi trẻ em khác.  Ở lớp sau một chút e ngại ban đầu vì cái họ lạ lẫm như họ Vương, họ Tô... thì chúng tôi chơi với nhau rất thoải mái.

Nhưng khái niệm Trung Quốc thời ấy với tôi chủ yếu là các món ăn của người Hoa, bán khắp hang cùng ngõ hẻm của cái thành phố Cảng nhỏ bé và chậm rãi thời ấy. Bước chân đến cổng trường là hàng thạch, lục tàu xá, hạt dẻ rang... lên phố là các hàng mì vằn thắn, sủi cảo, bánh bao... Sang hơn một chút là vịt quay, heo sữa quay...

Tôi vẫn nhớ thời bao cấp trẻ em bao giờ cũng đói, giờ tan học đi về trên phố Minh Khai, phải đi thật nhanh qua mấy con vịt quay là một dày vò lớn của bản thân tôi. Đấy cũng là lý do khi vừa bước chân ra nước ngoài, trong lần đi chợ đầu tiên tôi đã mua hẳn 1 con gà quay (châu Âu không có vịt) về ăn cho đã, nhưng sau lần ấy thì không ăn được nữa. Với túi tiền của hai bố mẹ làm giáo viên thời bao cấp, những món ăn ấy luôn là niềm mơ ước của hầu hết trẻ em, đến nỗi khi tôi được vào đội tuyển thi Toán cấp Thành Phố, chúng tôi được thành phố cấp cho 1 phiếu mua thực phẩm gồm 0.5kg cá khô, 10 quả trứng vịt, 4 bìa đậu phụ, 5 kg gạo và trong những ngày thi được 1,5đ  bồi dưỡng. Tất cả các học sinh đều đồng ý đi ra quán ăn Tàu ăn một bát mì vằn thắn và 1 cái bánh bao mà tôi chưa bao giờ thấy món nào ngon đến thế!

{keywords}
Cơn lũ hàng hóa "Made in China" càn quét khắp nơi. Ảnh: Dân Trí

Gia sản lớn nhất của mỗi gia đình thời ấy là xe đạp, mỗi cán bộ đi làm trong đời được phân phối 1 chiếc xe đạp giá rẻ. Chỉ có 2 loại xe đạp là xe Thống Nhất của Việt nam và xe Phượng Hoàng của Trung Quốc. Do Nhà nước không phân biệt hai loại xe này nên nhiều cơ quan phải tổ chức bắt thăm và ai bắt được xe Phượng Hoàng là ngang với trúng số độc đắc!

Thời ấy cái gì cũng phải tem phiếu. Mỗi khi có đám cưới, sau khi đăng ký kết hôn, cô dâu chú rể sẽ được phát 1 phiếu mua hàng, theo đó họ được mua 1 đôi gối, 1 vỏ chăn, 1 cái màn đôi, 10 bát sứ, 1 cái phích nước... Ước mơ lớn nhất của cô dâu chú rể là mua được phích nước và vỏ chăn Trung Quốc vì phích giữ nước nóng được 24h  và vỏ chăn rất bền màu.

Sách vở thời đó cũng rất thiếu thốn, một tờ họa báo in màu cũng rất được nâng niu vì sẽ là tờ bọc sách vở rất tốt. Với mục đích này thì Họa báo Trung Quốc là nhất vì in màu rất đẹp, giấy mỏng, dai chứ không cứng như họa báo Liên Xô nên rất phù hợp để bọc sách vở. Do ít sách văn học thiếu nhi nên tôi thường vùi đầu vào kho sách lịch sử của ông ngoại và bố tôi.

Một trong những cuốn sách tôi ưa thích thời nhỏ là Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, trong đó trình bày rất kỹ về những công trình kiến trúc nổi tiếng thời phong kiến của Việt Nam, từ chùa Dâu, chùa Một Cột đến đền Quán Thánh... qua đó tôi nhận ra trong suốt lịch sử Việt Nam, đồ quý đều học theo Trung Quốc hay nhập từ Trung Quốc. Điều ấy cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét về mối bang giao giữa hai quốc gia và sự nghèo đói trong đời sống vật chất của Việt Nam.

Vì vậy, tôi vẫn có lòng tôn trọng với hàng và người Trung Quốc. Đặc biệt sự kiện người Trung Quốc hồi hương hàng loạt năm 1979, làm bạn bè, cô giáo của tôi bỏ đi rất vội vàng trong đau buồn, để lai một khoảng trống lâu dài trong lòng tôi. Những hàng quán quen thuộc cũng biến mất, mặc dù sau này người Việt cũng cố mở quán bán những món ăn đó nhưng hương vị của nó không bao giờ được như xưa.

Cứ tư duy mãi lấy gì mà ăn...

Cuộc chiến 1979 đã cắt đứt quan hệ thương mại giữa hai quốc gia từ 1979 -1990, trong thời gian ấy hàng Trung Quốc chỉ còn là dĩ vãng. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, các bà các mẹ vẫn nhắc đến chăn con công, phích nước Trung Quốc... với sự tiếc nuối.

Hàng ngoại chỉ có hàng Nga và Đông Âu mà chủ yếu về bằng đường xách tay nên rất khan hiếm. Những chiếc ô tô KAMAZ kềnh càng của Nga không phù hợp với đường xá nhỏ hẹp của Việt Nam nên không phát huy tác dụng.

Cuối năm 1989 tôi có dịp đi nước ngoài khoảng 4 tháng, đến đầu 1990 mới về và ngạc nhiên khi nhận ra bộ mặt đời sống kinh tế của Việt nam thay đổi hẳn, hàng hóa nhiều hơn và trông cũng "bắt mắt" hơn. Hỏi ra mới biết biên giới Việt Trung đã mở cửa trở lại, hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam, với giá cả rẻ hơn nhiều so với hàng Đông Âu và hàng Thái Lan nên rất được ưa chuộng.

Những chiếc xe tải nhẹ, phù hợp với đường xá VN, xe máy giá chỉ bằng 1/3 giá xe Thái Lan bắt đầu tràn ngập các tỉnh thành VN. Thời đó còn có  mốt đi chơi lên Lạng Sơn, Móng Cái để mua hàng trên chợ biên giới, rất rẻ và dồi dào. Chính nhờ giao thương với Trung Quốc mà các tỉnh biên giới của hai bên đã phồn thịnh lên rất nhiều, có lợi cho dân chúng cả hai quốc gia. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, hàng Trung Quốc lộ ra rất nhiều nhược điểm như chất lượng kém, nhiều thông tin về chất độc hại trong sản phẩm...

Sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mở cửa thương mại, hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt nam, người dân có sự lựa chọn rộng rãi hơn, vị trí hàng Trung Quốc từ chỗ là ước mơ, trở thành biểu hiện của sự kém giá trị. Nhiều người đi mua hàng, nhìn thấy chữ Made in China là... dửng dưng hẳn.

(Còn nữa)

Nguyễn Hoàng Ánh

Bài cùng tác giả:

Tổ quốc dạy tôi yêu như thế!

Muốn yên thân nên đã có lần tôi định nhận là người nước khác. Nhưng tôi không thể mở miệng ra nói được, tôi cảm thấy nhục nhã nếu phải phủ nhận gốc rễ của mình. Và lúc ấy tôi mới hiểu ra rằng, tôi rất yêu nước.